Bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân.
(HBĐT) - LTS: Trước tình hình bệnh viêm não mô cầu có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh ra cộng đồng, phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn ông Mai Đức Sỡi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để hiểu rõ về dịch bệnh này.
P.V: Xin ông cho biết, tình hình bệnh viêm não mô cầu khu vực miền Bắc và trên địa bàn tỉnh ta?
Ông Mai Đức Sỡi: Bệnh viêm màng não xuất hiện quanh năm, có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa đông và xuân. Tại miền Bắc, qua hệ thống phản hồi của Viện Vệ sinh dịch tễ T.ư, đến hết ngày 6/3/2016 ghi nhận 7 ca bệnh (Hà Nội 3, Thái Bình 1, Vĩnh Phúc 1, Hải Dương 1, Sơn La 1, trong đó có 1 ca tử vong tại Hải Dương). Tỉnh ta hàng năm ghi nhận rải rác các ca bệnh nên việc lây truyền và bùng phát là rất dễ xảy ra. Bệnh lây qua đường hô hấp nên việc phòng bệnh gặp nhiều khó khăn. Sự biến động về dân cư, giao lưu giữa các vùng, đặc biệt là thói quen vệ sinh cá nhân, VSATTP của một bộ phận dân cư chưa được tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Nhận thức của người dân còn hạn chế, ý thức chủ quan, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.
P.V: Bệnh viêm não mô cầu nguy hiểm như nào đối với con người, thưa ông?
Ông Mai Đức Sỡi: Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim..., trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 - 20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%. Trong cộng đồng tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5 - 25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Nguy hiểm ở chỗ, vi khuẩn não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi của người bệnh nên dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp khi bệnh nhân ho, xuất tiết mũi... vi khuẩn theo những giọt nước bọt li ti bắn ra ngoài. Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần hoặc gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết từ đường hô hấp của người lành mang trùng (thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 - 10 ngày). Viêm màng não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng, không như bệnh viêm màng não do vi rút, bệnh viêm màng não có thể lấy đi sinh mạng của trẻ nhỏ đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau những triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Viêm màng não mô cầu khó phát hiện, nhất là trong giai đoạn sớm bởi triệu chứng của bệnh giống như những triệu chứng viêm màng não siêu vi thông thường khác. Bệnh viêm màng não mô cầu tỷ lệ tử vong rất cao. Những bệnh nhân sống sót để lại di chứng nặng nề do tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, các giác quan thị giác, thính giác và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, tâm sinh lý bệnh nhân.
P.V: Xin ông cho biết cách phòng, tránh bệnh? Tỉnh ta đã triển khai những biện pháp gì để phòng - chống viêm não mô cầu?
Ông Mai Đức Sỡi: Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi, họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu Ban chỉ đạo Phòng - chống dịch bệnh của tỉnh ban hành Kế hoạch phòng - chống dịch bệnh truyền nhiễm chung, bao gồm bệnh viêm màng não do não mô cầu. Ngày 3/3/2016, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế, theo đó, các đơn vị đã và đang thực hiện các nhiệm vụ: giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, điều tra, báo cáo ngay khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ; lấy mẫu, vận chuyển T.ư để xét nghiệm khẳng định, sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện hỗ trợ; truyền thông đến người dân các biện pháp phòng bệnh; thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng - chống dịch bệnh của tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Việt Lâm (thực hiện)
(HBĐT) - Khai thác nguồn nước mang lại hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Đà Bắc. Chính vì vậy, trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân, việc sử dụng nguồn nước nơi đây đang phát huy hiệu quả.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Đức Chung, Phó Chủ tịch xã Yên Thượng chia sẻ: Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Cao Phong. Xã có 12 xóm với 594 hộ, 2.469 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 99%. Với diện tích trên 1.700 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp có 482 ha. Là xã thuần nông, trong đó, cây trồng chủ yếu là lúa, ngô, mía và chăn nuôi. Trong những năm gần đây, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, hệ thống hạ tầng của xã được đầu tư, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Đảng ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, đời sống người dân chuyển biến tích cực.
(HBĐT) - Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 978/BYT-BH hướng dẫn thực hiện Thông tư số 40/2015/TT-BYT về tuyến của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế và sử dụng giấy hẹn khám lại. Theo đó:
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).
(HBĐT) - Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết.
(HBĐT) - Theo Thông tư số 57/2015/TT-BCT, chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất phải có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm (còn hiệu lực) do cơ quan có thẩm quyền cấp.