(HBĐT) - Giết 7 tên địch, thu 7 khẩu súng về cho bộ đội ta trong một trận đánh - chiến công ấy thuộc về ông Bạch Công Sẻn, người lính cựu giờ đây mắt đã mờ, chân đã chậm. Gặp ông, sau 3 tiếng trò chuyện chúng tôi thực sự được sống trong khí thế sục sôi quyết tâm đánh thắng giặc thù để giành độc lập, tự do cho dân tộc.


Trước khi gặp ông Sẻn, tôi đã từng đọc cuốn sách "Trung đoàn 12- Một thời để nhớ” do Ban liên lạc CCB Trung đoàn 12 Hòa Bình biên soạn và Sở Văn hóa thông tin tỉnh xuất bản năm 2004. Trong cuốn sách đó có 3 mẩu chuyện do ông Sẻn kể lại (là những chiến công của ông và những người đồng đội trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp ngay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), đó là: "Quấy rối bốt Đồi Xim”, "Trận đánh mìn diệt xe cơ giới địch” và "Chỉ làm bộ độ Cụ Hồ”. Những câu chuyện được chắp nối không liền mạch và chủ yếu là kể về diễn biến của các trận đánh mà chiến thắng thuộc về ta. Trong 3 mẩu chuyện đó hoàn toàn không có chi tiết một mình chiến sỹ Sẻn giết 7 tên địch, thu 7 khẩu súng về cho quân ta trong trận đánh Vai Réo.


Ông Bạch Công Sẻn nâng niu tấm bằng Tổ quốc ghi công của người con trai thứ - liệt sỹ Bạch Văn Chung.

"Ghi lại những chi tiết này thực sự là điều cần thiết và cần làm ngay vì những người đồng đội của ông Sẻn như chúng tôi đây nếu còn sống, tuổi đã xấp xỉ 90, nhiều người không còn minh mẫn”- ông Giang Hồng Phúc một trong những đồng đội của ông Sẻn bày tỏ tâm tư với chúng tôi như vậy.

Theo lời giới thiệu của những người lính cựu Trung đoàn 12 Hòa Bình, chúng tôi tìm đến gặp ông Sẻn, hiện đang cư trú tại xóm 1, xã Sủ Ngòi- TP Hòa Bình. Trò chuyện với ông, chúng tôi chợt hiểu vì sao những người đồng đội lại mong muốn có người tìm đến ông với tình cảm chân thành, tha thiết đến vậy.

Ông Sẻn sinh ra, lớn lên ở vùng đất anh hùng- xã Nật Sơn, huyện Kim Bôi. Vốn là con cháu nhà lang nhưng được giác ngộ cách mạng khá sớm, ông Sẻn xung phong đi làm dân công rồi vào bộ đội lúc 16 tuổi (năm 1948). Trong cuộc sống và chiến đấu, ông được các đồng đội khen là người sáng dạ, mưu trí, dũng cảm. Chẳng vậy mà trong trận đánh ngày 24/2/1954 ở khu vực cầu Vai Réo thuộc xã Tiến Xuân- Lương Sơn (nay là huyện Thạch Thất - TP Hà Nội) trong lúc xông lên vật thằng "tây trắng” để cứu đồng đội, anh Ninh (đồng chí Bùi Văn Ninh, Trung đội phó Trung đội 2), ông đã "tỉa” được những 7 tên địch, mang 7 khẩu súng của địch về làm chiến lợi phẩm. Ngày đó - những năm kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu vũ khí, súng đạn nên cùng với giết giặc, việc thu chiến lợi phẩm để phục vụ cho quân ta là điều cần thiết.

Sau trận đánh đó, cả trung đội trở về nơi tập kết, anh Bùi Văn Bạn, Bí thư chi bộ đã trèo lên cây tuyên bố chiến công của bộ đội huyện Lương Sơn (Đại đội C121). Cũng ngay tại lúc này, đồng chí Bạn - với cương vị là Bí thư chi bộ đã tuyên bố kết nạp ông Sẻn vào Đảng Lao động Việt Nam (vì tinh thần dũng cảm chiến đấu và bảo vệ đồng đội). C121 báo cáo thành tích lên Trung đoàn 12, ngay sau đó, đồng chí Yên đã mời ông Sẻn lên Ban Chính trị Trung đoàn (ở xưởng cưa Hoóc Môn bấy giờ) để học Điều lệ Đảng, nhưng ông Sẻn xin hoãn kết nạp Đảng vì tự thấy trình độ văn hóa của mình còn thấp, việc tiếp thu Điều lệ Đảng còn hạn chế. Sau chiến công này, ông Sẻn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Mặc dù chưa được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng nhưng khi nhận Huân chương ông Sẻn đã hứa suốt đời trung thành với Đảng để mãi mãi xứng danh là bộ đội Cụ Hồ - việc này những người đồng đội của ông Sẻn còn nhớ.

Sau kháng chiến chống Pháp, ông Sẻn ở lại quân ngũ gần 10 năm, đến năm 1963 xin phục viên để lo chăm sóc gia đình (người vợ đau ốm, 3 đứa con thơ). Cũng trong năm ấy, biến cố lớn đã xảy ra với ông, người vợ tần tảo của ông qua đời. Trong tang lễ, người trong họ đã đốt một số di vật của người quá cố (theo phong tục) và "đốt nhầm” cả hồ sơ, giấy tờ của ông Sẻn, trong đó có tấm Huân chương Chiến công hạng ba mà ông mãi nâng niu. Bởi vậy, dẫu là người có công với cách mạng, trực tiếp cầm súng chiến đấu với giặc thù nay vẫn còn thương tích là vết sẹo trên trán và tật nặng tai vì tiếng nổ của đại bác, những chiến công được đồng đội ghi nhận… nhưng đến hôm nay, ông Sẻn không có hồ sơ để được hưởng chế độ.

Tiếp bước cha, 2 con trai của ông Sẻn lần lượt xung phong vào bội đội tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tham gia cuộc chiến tranh biên giới. Chiến tranh kết thúc, non sông thu về một mối chỉ 1 người con trở về với ông. Người con trai thứ Bạch Văn Chung mãi mãi nằm lại nơi chiến trường (phần mộ của liệt sỹ Bạch Văn Chung được đặt ở nghĩa trang Tây Ninh. Tuy nhiên vì cuộc sống khó khăn, gia đình chưa một lần đến viếng thăm).

"Mưu trí, dũng cảm và biết sống vì đại nghĩa nhưng cuộc đời của ông ấy lại quá gian truân”- những người đồng đội của ông Sẻn đã nói với nhau như vậy và đó là thực tế. Hiện tại, ông Sẻn và người con thứ 3 gần 60 tuổi (bị tàn tật từ khi lên 6 tuổi) đang sống với gia đình người con út ở xóm 1, xã Sủ Ngòi - TP Hòa Bình, một cuộc sống bình dị giữa đời thường. Bởi vậy, những người đồng đội xưa luôn muốn nhắc tới tên ông như sự tri ân sâu sắc đối với một người đã cống hiến hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc.

                                                                                              Lam Nguyệt

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục