(HBĐT) - Từ thời kỳ phong kiến cho đến giai đoạn chiến đấu với giặc Pháp xâm lược, lịch sử đã ghi nhận nhiều câu chuyện về những vị "dũng tướng” người Mường. Trong số đó, có người được phong tướng, tước hầu; có người không được phong tướng nhưng họ vẫn luôn được kính trọng với vẻ uy dũng của vị tướng trận mạc. Những câu chuyện về họ, không phải ai cũng biết...


Đời nối đời phò vua, giúp nước

Xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) được lịch sử ghi nhận là nơi khởi phát dòng họ nhà lang Đinh Công uy quyền tột bậc thời kỳ phong kiến. Nhưng trong lịch sử hàng trăm năm, dòng họ Đinh Công ở Mường Động đã đóng góp lớn trong việc phò vua, giúp nước.

Theo cuốn gia phả của dòng họ Đinh Công được phụng soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 25 (1724), cụ tổ của dòng họ Đinh ở Mường Động là Đinh Như Lệnh (sinh năm 1365) vào khoảng cuối đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) sinh được 2 người con là Đinh Quý Khiêm và Đinh Văn Hưng. ông Đinh Quý Khiêm là con trưởng, sinh vào cuối đời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398) được nối nghiệp cha làm thổ tù Mường Động. Gặp thời Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn mang quân ra Bắc đánh đuổi giặc Minh xâm lược, ông Khiêm đã đưa quân ra phò vua đánh giặc và lập được nhiều chiến công. Quân của Đinh Quý Khiêm đã tham gia các trận đánh nổi tiếng như Tốt Động, Chúc Động, Cổ Lãm - Ninh Kiều và vây hãm thành Đông Quan (Hà Nội)... buộc quân Minh phải đầu hàng rút về nước. Sau khi Lê Lợi lên ngôi đã phong chức "Phụ quốc tướng quân Khiêm nghĩa hầu” cho Đinh Quý Khiêm và cho quản suốt các vùng xứ Sơn Tây. Tiếp sau ông Khiêm, đến đời ông Đinh Văn Cương (sinh vào khoảng giữa thế kỷ XVI, thời kỳ Lê - Mạc phân tranh) dòng họ Đinh mới đạt đến đỉnh cao về quyền lực, tước vị triều chính. Khi ấy, cuộc chiến giữa nhà Lê với nhà Mạc kéo dài gần 50 năm, sau khi Tiết chế Trịnh Tùng diệt được Mạc Mậu Hợp vào tháng chạp năm Nhâm Thìn (1592) tình hình trong nước đã biến chuyển, nghiêng về phía nhà Lê. Tháng 3 năm Quý Tỵ (1593), vua Lê Thế Tông đã từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) ra Bắc. Đinh Văn Cương thấy đây là dịp tốt để tiến thân, ông đã xin theo nhà vua. Khi đoàn người đi đến vùng núi hoang vu thì có 4 người xông ra chặn đường với ý đồ sát hại nhà vua. Thấy vậy, Đinh Văn Cương đã xông lên giết chết 4 thích khách kịp thời hộ giá, cứu nhà vua thoát khỏi nguy nan. Sau đó, ông được vua phong chức "Tiền quân hộ úy”. Khi về đến Thăng Long, ông được vua Lê cho sang dinh Tiết chế Trịnh Tùng để đi đánh giặc lập công. Trong chiến đấu, ông đã lập được nhiều chiến công, được vua sắc phong "Phụ quốc Thượng tướng quân tước Uy lộc hầu” trấn giữ ở đạo Kinh Bắc (Bắc Ninh) hơn 7 năm. Khi tuổi đã cao, ông xin về nghỉ ở "Bảo Minh nông” trên vùng đất Mường Động, nhà vua sắc ban cho ông được cai quản 7 xã dân binh. Sau 20 năm đóng giữ đất "Bảo Minh nông” ông được phong tước "Quận công” giữ chức "Phiên thần” cai quản nhân dân địa phương.


Sinh thời, ông Đinh Công Niết luôn được coi là một "dũng tướng”. Tên của ông được đặt cho tiểu đoàn mà ông là Tiểu đoàn trưởng ngay từ khi thành lập.

Sau ông Đinh Văn Cương, con trai Đinh Công Kỷ đời thứ 8 (sinh năm 1582) tiếp nối việc cai quản vùng Mường Động. Nối nghiệp cha, ông Đinh Công Kỷ cầm quân chiến đấu dưới thời của vua Lê Thần Tông. ông lập được nhiều chiến công và cũng là người có công giúp vua Lê Trung Hưng xây dựng triều chính, trở thành rường cột của triều đình nên được sắc phong chức "Đô đốc oai lộc hầu” làm "phiên thần” cai quản dân binh 7 xã. Con cháu Đinh Công Kỷ lần lượt kế tục làm thổ tù cai quản dân binh 7 xã vùng Mường Động. Cho đến khi chính quyền cách mạng tuyên bố xóa bỏ chế độ Lang đạo, dòng họ Đinh Công đã trải qua hàng chục đời nối tiếp cai quản vùng đất Mường Động. Trong giai đoạn đó, dù có lúc này lúc khác nhưng nhìn chung dòng họ quan lang Đinh Công ở Mường Động đều thương quý con dân, không làm điều bạc ác.

Đinh Công Niết - người nhà lang mang tên một tiểu đoàn

Có một điều đặc biệt, dòng họ Đinh Công ở vùng đất Mường Cời (Tân Vinh - Lương Sơn) vốn là một chi nhánh chia tách của dòng họ Đinh Công ở Mường Động đời thứ 19 có anh em ông Đinh Công Huy, Đinh Công Niết sau khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng đã từ bỏ tước vị quan lang để trở thành những chí sỹ yêu nước. Sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông Đinh Công Huy còn được bầu giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban Kháng chiến. Còn ông Đinh Công Niết được bầu làm Chủ tịch ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Lương Sơn; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 162 trực thuộc Trung đoàn 52 Tây Tiến. Sau này Tiểu đoàn 162 được đổi tên thành Tiểu đoàn Đinh Công Niết.

Theo đó, ngay sau Tết Đinh Hợi năm 1947, sau khi đánh chiếm và bình định xong các địa bàn chủ yếu; Thu Đông năm 1947 - 1948, quân Pháp đã thiết lập một hệ thống đồn, bốt dày đặc nhằm kiểm soát địa bàn dọc theo tuyến đường số 6, đường 12, đường 21. Đồng thời, chúng tăng cường đưa quân đi càn quét, đánh phá các khu du kích và vùng tự do hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Để làm thất bại âm mưu và thủ đoạn của giặc Pháp, ta đã chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, phát động toàn dân đánh giặc. Trong đó, lực lượng nòng cốt là các đội du kích tập trung. Vì vậy, các khu du kích trong tỉnh lần lượt được thành lập, trong đó có khu du kích huyện Lương Sơn. Khi đó, Ban cán sự Đảng tỉnh giao nhiệm vụ cho ông Đinh Công Niết, Chủ tịch ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Lương Sơn làm khu trưởng khu du kích. Các đội du kích dưới quyền chỉ huy của ông đã khuấy động một vùng rộng lớn; đánh nhiều trận diệt xe cơ giới, tiêu hao sinh lực địch. Quân lính đồn trú ở các bốt Đồng Bái, Gò Cời, Đồng Chúi, Rổng Vòng, Núi Chòm... đều khiếp sợ trước uy thế của quân du kích do Đinh Công Niết chỉ huy.


Vẻ quật cường trên gương mặt con nhà lang của một nhân sỹ yêu nước - "dũng tướng” Đinh Công Đốc.

Trước tình hình chiến sự ngày càng lan rộng. Tháng 3/1949, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 đã quyết định thành lập Tiểu đoàn 162 trực thuộc Trung đoàn 52 Tây Tiến và thống nhất với Ban Cán sự Đảng tỉnh chỉ định ông Đinh Công Niết làm Tiểu đoàn trưởng. Khi ấy Tiểu đoàn có gần 500 CB,CS, chủ yếu là người Mường. Từ khi được thành lập, tiểu đoàn do Đinh Công Niết chỉ huy thường xuyên tổ chức các trận phục kích, chủ động đánh địch. Từ khi Tiểu đoàn 162 được thành lập, không ngày nào giặc Pháp được yên ổn. Các cuộc hành quân, vận chuyển của địch trên đường số 6 đều bị phục kích, đánh mìn, ngăn chặn. Ngày nào cũng có giặc chết và bị thương, nhiều xe cơ giới của địch bị phá hủy trên đường 6. Ví như trận đánh bốt Đàn Thế (Chương Mỹ) trong chiến dịch Lê Lợi (1949 - 1950); trận phục kích đánh địch rút chạy tại Xuân Mai trong chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952). Đặc biệt, trong chiến dịch Lê Lợi, Đinh Công Niết đã có sáng kiến đưa pháo nhỏ vào sát hàng rào, bắn thẳng diệt lô cốt và hỏa điểm của địch; phối hợp tác chiến với Đại đoàn 304 diệt gọn 34 xe cơ giới của địch tại cầu Mè (Mông Hóa - Kỳ Sơn) hay trận phục kích diệt hơn 1 đại đội địch tại Giang Mỗ (Bình Thanh - Cao Phong); trận tiêu diệt đồn Pheo, Hàm Voi (Hợp Thịnh - Kỳ Sơn) trong chiến dịch Hòa Bình...

Với những đóng góp đó, đầu năm 1950, ông đã vinh dự được kết nạp Đảng. Sau chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), ông được đề bạt làm Trung đoàn phó Trung đoàn 12 Hòa Bình. Trên cương vị mới, ông cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn chỉ huy các đơn vị, địa phương trong tỉnh phối hợp chiến đấu với các đơn vị chủ lực giành nhiều thắng lợi trong chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Đinh Công Đốc - vị "dũng tướng” huyền thoại

Nói về những vị tướng người Mường sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến Đinh Công Đốc, người mà đồng bào dân tộc từ Hòa Bình lên Sơn La vẫn xem như một vị dũng tướng đầy uy dũng.

Là con một quan lang nổi tiếng vùng đất Mường Diềm (Đà Bắc), lớn lên trong thời kỳ 1930-1945 hừng hực khí thế cách mạng, Đinh Công Đốc đã sớm mang ý chí giương cao ngọn cờ kháng Pháp. ông từng dẫn quân đi khắp chiến khu rộng lớn dọc sông Đà, lên Sơn La, sang Thanh Hóa, đến tận vùng giáp biên giới Việt - Lào để giải giáp vũ khí quân đội Nhật.

Dù sống trong nhung lụa nhưng chứng kiến sự bóc lột, sa đọa của thực dân Pháp và tay sai, năm 18 tuổi, Đinh Công Đốc đã bàn với cha xin giấy phép của Pháp để mở mỏ khai khoáng tại huyện Mộc Châu và Phù Yên (Sơn La), ngụy trang cho việc tập trung binh lực đánh Pháp. Sau khi lập được đội vũ trang với hơn 300 tay súng, Đinh Công Đốc đã làm cho giặc Pháp và bè lũ tay sai nhiều phen khiếp vía. Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 phát ra, ông dẫn đoàn hùng binh về giải phóng quê hương. Tiếp đó, cánh quân của Đinh Công Đốc tiến lên giải phóng Mai Châu, giải cứu nhiều người bị bắt làm người hầu, phục dịch. Sau khi giải phóng Mai Châu, Đinh Công Đốc tiến lên giải phóng Mộc Châu, dùng uy vũ nức tiếng của mình để cứu người bạn của cha, quan tri châu theo cách mạng Sa Văn Minh ở Mộc Châu khỏi cái thế uy hiếp ngàn cân treo sợi tóc. Để giành được phần thắng, Đinh Công Đốc đã mượn 45 con ngựa của người dân, đóng yên cương nai nịt gọn gàng cùng đội quân chạy suốt đêm về Mộc Châu cứu vị quan tri châu trước sự đe dọa, uy hiếp của bọn tay sai đang có dã tâm "nổi loạn”. Sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, bọn phản động Đại Việt duy dân âm mưu lật đổ chính quyền còn non trẻ của ta. Năm 1946 bọn chúng hoạt động mạnh ở vùng Mường Diềm. Biết được âm mưu của chúng, LLVT của tỉnh, kết hợp với đội quân của Đinh Công Đốc tấn công vào sào huyệt, tiêu diệt đại bộ phận đầu sỏ của Đại Việt duy dân ở bến Chương, Chợ Bờ, Suối Rút. Sau trận tấn công này, âm mưu phản động của bọn Đại Việt duy dân bị dập tắt.

Vào cuối năm 1946, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Chợ Bờ (huyện lỵ châu Mai Đà), sau đó chúng tiến quân lên Phố Chò (Suối Rút) theo hai đường. Trong đó, trên hướng đường thuỷ, chúng dùng ca nô đi theo đường sông Đà ngược lên Mường Diềm thì bị đội quân của Đinh Công Đốc phục kích, bắn chìm 2 canô, buộc chúng phải tháo chạy về suối Rút. Trên tuyến đường bộ, có khoảng 2 trung đội theo đường từ chợ Bờ qua Hào Tráng vào Oi Luông, Oi Nọi (nay thuộc xã Tân Pheo - Đà Bắc). Tại đây, chúng bị đội quân của Đinh Công Đốc chặn đánh buộc phải rút về Chợ Bờ. Tiếp đó, đến cuối năm 1947, thực dân Pháp lại đưa khoảng 1 đại đội theo đường sông Đà vào bến Hạt (nay thuộc xã Yên Hòa - Đà Bắc). Sau khi đốt phá làng xóm, nhà cửa của nhân dân chúng tiếp tục hướng về Mường Diềm. Biết được âm mưu của thực dân Pháp, đội quân du kích của Đinh Công Đốc phối hợp với bộ đội địa phương mai phục tại đỉnh dốc suối Nàng Nòn (nay thuộc xóm Khem, xã Đoàn Kết). Trận tấn công bất ngờ làm quân Pháp không kịp chống đỡ, nhiều tên bị tiêu diệt tại chỗ, ta thu được một số vũ khí, số quân Pháp sống sót chạy quay lại bến Hạt theo thuyền về suối Rút.

Sau cách mạng, ông Đinh Công Đốc đã từng là Đội trưởng chiến khu Mường Diềm, là ủy viên quân sự trong ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh, là Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 97, Trung đoàn 148, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Độc lập 930, Phó Giám đốc trường Quân chính Tây Bắc, quyền Chủ tịch ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Mai Đà. Về già, ông Đinh Công Đốc sống trong cảnh bần hàn, nhọc nhằn kiếm kế nuôi con. Tháng 12/1993, ông Đốc trút hơi thở cuối cùng tại thị xã Hòa Bình. Đến năm 1998, ghi nhận những công lao, đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho ông.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục