(HBĐT) - Đã 65 năm kể từ khi chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", nhưng những ký ức về "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non" ấy có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người lính Điện Biên năm xưa.


Cụ Trần Thế Hồng (phải), CCB Điện Biên Phủ ôn lại kỷ niệm về những trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ với người bạn cũ.

Nhìn bề ngoài có lẽ ít người đoán được cụ Trần Thế Hồng, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) đã bước sang tuổi 93 và có lẽ cũng không đoán được cụ ông dáng người nhỏ bé hàng ngày vẫn tự đạp xe đi chợ, loanh quanh giúp con cháu việc nhà ấy là một cựu chiến binh Điện Biên đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi may mắn được nghe cụ kể lại những kỷ niệm mà như cụ nói "không bao giờ quên" của mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, trong đó, đặc biệt là những ngày ác liệt khi đánh chiếm đồi A1.

Cụ Hồng sinh ra trong một gia đình bần nông, đông anh em. Từ khi 15 - 16 tuổi, nghe theo tiếng gọi của cách mạng và để trốn chế độ đi lính cộng hòa, cụ Hồng tham gia vệ quốc quân, rồi từ đó vào bộ đội chuyên nghiệp, tham gia hầu hết các trận đánh từ Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Biên giới và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Hồng kể: Cuối năm 1953, khi đó, tôi thuộc Đại đội 15, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 318, Sư đoàn 308. Sau khi đã chiến thắng nhiều chiến dịch quan trọng, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ đập tan tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. Thời điểm lúc đó vô cùng gian khổ, toàn bộ pháo được kéo bằng sức người, qua núi cao, vực thẳm. Nhưng lúc đó, tất cả anh em đã xác định phải đánh địch bằng cả tinh thần, ai cũng quyết tâm, dù cơm nắm muối vừng, nằm bùn, uống nước hố bom thì vẫn phải đánh thắng. Chính vì vậy, từ trận đánh mở màn ở Him Lam rồi sau này là Mường Thanh, bộ đội ta dù khổ cực đã chiến thắng giòn giã, làm nao núng tinh thần quân xâm lược. Đặc biệt, trận đánh đồi A1 vô cùng ác liệt, quân địch xây dựng lô cốt ngầm trên đồi A1, liên tục dùng rốc két bắn tỉa, rồi thả bom napan, bom hóa học. Khi đó, chúng tôi chống trả bằng cách quần áo không cài cúc, nếu trúng bom napan thì lột quần áo vứt đi, cắt 2 ống quần, một bên để che nòng súng, một bên làm khăn, dấp nước để bịt mồm chống bom hóa học. Đến khi đánh giáp lá cà tại cứ điểm đồi A1, hai bên giao tranh quyết liệt, đã có những lúc nao núng bởi có thời điểm ban ngày ta chiếm được, ban đêm địch chiếm lại. Lực lượng thương vong ở đây rất lớn. Đến ngày 4/4, quân ta thương vong lớn nên Bộ Chỉ huy quyết định thay đổi cách đánh là đào giao thông hào, cách trung tâm đồi A1 400 m. Đến ngày 6/5, khi đào đến sát hầm ngầm của địch, bộ đội ta quyết định gom tất cả thuốc nổ để đánh hàng rào, đánh hầm ngầm tạo thành một quả bộc phá với 3 kíp nổ đã làm nổ tung căn cứ của quân Pháp trên đồi A1, buộc quân Pháp phải ra hàng.

Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng với ông Nguyễn Đức Thuận, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) thì những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Năm 1953, khi mới ngoài 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thuận đang theo học trường Y Việt Bắc thì được lệnh ra chiến trường. Hành quân gần 1 tháng, ông Thuận cùng đồng đội được điều về trạm quân y tiền phương ở Mường Phăng. Ông Thuận kể: Lúc đó, dù còn trẻ, vừa mới tốt nghiệp ra trường, nhưng trước nhiệm vụ quan trọng, chúng tôi làm việc với tất cả sức lực của mình. Đó là những người lính, người đồng đội của chúng tôi, có khi vừa còn cùng ăn, cùng hát với nhau đây, sau đó vào trận đánh, có người mãi mãi không trở về, có người nhắm mắt trên tay chúng tôi, có người buộc phải cắt bỏ một phần thân thể. Chính vì vậy, dù điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thuốc men không có, nhưng y, bác sỹ đến y tá và cả những thương binh đều nỗ lực, cố gắng, vững một niềm tin thắng lợi. Và quả thực, ngày 7/5, tại trạm tiền phương Mường Phăng, khi nghe tin tướng Đờ Cát và binh lính ra hàng, cả trạm vỡ òa sung sướng, cả y, bác sỹ lẫn thương binh ôm nhau người khóc, người cười. Có người dù đang băng bó nhưng vẫn muốn đến tận nơi xem hàng quân của Pháp vẫy cờ trắng xin hàng. Cảm giác lúc đó không thể quên được.

Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, còn rất nhiều những người lính như cụ Hồng, ông Thuận. Mỗi người mỗi nhiệm vụ khác nhau, nhưng với lòng dũng cảm, yêu nước, họ đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. 65 năm đã trôi qua, những người lính cựu ấy trở về với đời thường. Hôm nay, họ vẫn luôn phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ để xây dựng quê hương, giáo dục con cháu trở thành những người có ích cho xã hội.

 

Phương Linh

Các tin khác


Khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép - cái nhìn từ thực tế

Bài 4 - Giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép - Kinh nghiệm ở những địa bàn trọng điểm

(HBĐT) - Từng là địa bàn trọng điểm về khai thác khoáng sản trái phép, nhưng do phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là huy động sự tham gia của người dân, nhiều nơi đã "chuyển hóa” trở thành địa bàn ổn định, đẩy lùi tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép - cái nhìn từ thực tế

Bài 3 - Câu chuyện của cát

(HBĐT) - "Nóng” không kém tình trạng khai thác vàng trái phép. Hiện nay, theo đánh giá của cơ quan chức năng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông Đà, sông Mã, sông Bôi... tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép - cái nhìn từ thực tế

Bài 2 - Đến chuyện của Đất

(HBĐT) - Không chỉ khai thác vàng mà theo đánh giá của Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) - Công an tỉnh, tình trạng khai thác đất, san lấp mặt bằng trái phép cũng diễn ra tương đối phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Dấu ấn lịch sử cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang

(HBĐT)- Ngày 12/2/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 287/QĐ-UBND xếp hạng di tích "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910" huyện Kỳ Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sắp tới, UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức Lễ đón nhận Quyết định xếp hạng di tích và lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm cuộc khởi nghĩa nói trên.

Thiếu tướng Bùi Đình Phái - người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ bằng những kỷ vật chiến tranh

(HBĐT) - Ban đầu chỉ là nơi để ông lưu giữ ký ức chiến tranh, kỷ niệm đẹp về đời binh nghiệp. Nhưng chính ông cũng không ngờ, phòng truyền thống - nơi ông lưu giữ kỷ vật chiến tranh lại trở thành "địa chỉ đỏ” để người dân, thậm chí cả những du khách nước ngoài có dịp đến thăm vùng đất Mường Bi quê ông thường ghé lại để được nghe những câu chuyện, được tận mắt thấy những hiện vật chiến tranh tưởng như chỉ có thể thấy trên phim, ảnh...

Về thăm di tích lịch sử Quốc gia Đăk Tô - Tân Cảnh

(HBĐT)-Đăk Tô - Tân Cảnh là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ở mảnh đất Tây Nguyên nắng gió. Trong chuyến công tác về tỉnh Kon Tum, chúng tôi có dịp thăm di tích lịch sử này, nơi mà nửa thế kỷ về trước đã diễn ra những trận đánh anh dũng, kiên cường với những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục