Bài 3 - Câu chuyện của cát
(HBĐT) - "Nóng” không kém tình trạng khai thác vàng trái phép. Hiện nay, theo đánh giá của cơ quan chức năng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông Đà, sông Mã, sông Bôi... tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Lực lượng chức năng Công an thành phố Hoà Bình bắt quả tang tàu cuốc mang số hiệu VR 16044570 công suất lớn khai thác cát trái phép trên sông Đà thuộc địa phận tổ 17, phường Tân Hoà (TP Hòa Bình).
Trọng điểm: tuyến hạ lưu sông Đà
Trong quá trình tìm hiểu, nắm bắt thực tế, chúng tôi được nghe nhiều người kể những điều "mắt thấy, tai nghe” về việc một số phương tiện cỡ lớn khai thác trộm cát tại khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận tổ 17, phường Tân Hoà, xã Trung Minh (TP Hoà Bình), xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) và khu vực giáp ranh với huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ), huyện Ba Vì (Hà Nội). Chỉ tay về phía giữa lòng sông, ông Vũ Văn H. ở phố Ngọc, xã Trung Minh bảo: Các chú có thấy những đống sỏi lớn trồi lên giữa lòng sông không? Đấy là những vị trí mà người ta dùng tàu cuốc công suất lớn để khai thác trộm. Cát thì người ta lấy mang đi, còn sỏi bị sàng đổ lại giữa lòng sông. Nhà tôi ở gần sông nên cũng không lạ gì việc các tàu đến khai thác trộm cát ở khu vực này. Trước đây có những thời điểm 3 - 4 tàu cuốc công suất lớn khai thác trộm máy nổ ầm ĩ suốt đêm. Còn ông Hà Đức Ư., ở phường Tân Hoà là người hay đạp xe thể dục buổi sáng trên tuyến đường Trương Hán Siêu dọc bờ sông Đà cho biết: Bây giờ thì tôi ít thấy. Nhưng thời gian trước, cứ khoảng 5h - 5h30, khi chúng tôi đi thể dục buổi sáng thường nghe thấy tiếng tàu cuốc khai thác cát chạy rầm rầm. Thường thì đến khoảng 6h - 6h30 thì họ dừng.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, đội trưởng Đội Khoáng sản - Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) - Công an tỉnh, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Phòng CSMT đã trực tiếp đấu tranh, bắt giữ 21 vụ khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh, xử phạt tổng số tiền gần 450 triệu đồng. Điển hình vào ngày 8/5/2018, tại km 34 + 500 khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), tổ công tác Phòng CSMT đã phát hiện, bắt quả tang tàu BKS HB - 0868 do đối tượng Tô Văn Bình và Hoàng Văn Thanh, cùng trú tại huyện Kim Thành (Hải Dương) đang khai thác cát trái phép dưới lòng sông. Tổ công tác lập biên bản vi phạm, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện. Trên cơ sở kết quả đấu tranh, xác minh, đơn vị đã báo cáo Ban giám đốc Công an tỉnh trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng. Ngày 10/11/2018, tại khu vực hạ lưu sông Đà thuộc khu vực tổ 17, phường Tân Hòa, tổ công tác của Công an TP Hoà Bình phát hiện, bắt quả tang 1 tàu cuốc mang số hiệu VR 16044570 do 3 đối tượng vận hành, gồm: Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Chung, cùng trú tại huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) và Nguyễn Đức Quang, trú tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có hành vi khai thác cát trái phép. Tang vật thu giữ quả tang là 65 m3 cát đã được khai thác. Mới đây nhất, ngày 13/3/2019, tại địa phận xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang nhóm đối tượng sử dụng tàu sắt mang số hiệu PT - 0702 khai thác cát trái phép trên sông Đà. Tang vật thu giữ gần 60 m3 cát khai thác trái phép...
Tiềm ẩn nhiều phức tạp
Theo thống kê của Phòng CSMT, toàn tỉnh hiện có 24 phương tiện tàu, thuyền, gồm 19 tàu trến tuyến hạ lưu sông Đà; 4 thuyền sắt tự chế hoạt động trên khu vực sông Mã thuộc huyện Mai Châu, 4 tàu cuốc tham gia hoạt động vận chuyển, khai thác cát lòng sông; 21 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát.
Thượng tá Chu Thanh Sơn, Phó trưởng phòng CSMT cho biết: Thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông Đà, sông Mã, sông Bôi... vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đặc biệt là trên tuyến hạ lưu sông Đà, hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực giáp ranh với huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ) và huyện Ba Vì (Hà Nội) còn xảy ra. Các đối tượng lợi dụng đêm tối, sử dụng tàu thuyền, máy bơm hút có công suất lớn để hút cát từ dưới lòng sông lên thuyền chở đi tiêu thụ. Việc khai thác trái phép diễn ra trong thời gian dài sẽ làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng giao thông đường thủy... Đáng nói, khi bị phát hiện, các đối tượng nhổ neo để thuyền tự trôi xuống vị trí hoặc tháo chạy sang địa bàn giáp ranh nhằm đối phó cơ quan chức năng. Vì thế, việc phát hiện, bắt giữ, xử lý của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn.
Để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, theo Thượng tá Chu Thanh Sơn cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành với địa phương. Bên cạnh đó, phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi. Các cơ quan, lực lượng chức năng cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép. Hơn nữa, để đấu tranh hiệu quả với hành vi khai thác cát trái phép, các địa phương cần khuyến khích người dân trở thành "tai mắt” của mình. Và để thêm niềm tin trong nhân dân thì tất cả các vụ khai thác cát trái phép đều phải được xử lý nghiêm thì hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khái thác cát nói riêng mới đi vào trật tự.
(Còn nữa)
Nhóm p.v
Ít ai nghĩ rằng, ở một nơi hẻo lánh như xóm Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình lại có những nghệ nhân đang hết lòng với việc giữ gìn cách làm giấy dó tưởng chỉ có ở Hà Nội hay Bắc Ninh.
(HBĐT) - Nếu như Nam Định là quê hương của Đức Thánh Trần, Hà Nam là kho quân lương lớn nhất của nhà Trần thì Vạn Kiếp, Kiếp Bạc chính là nơi Người đã cống hiến cả cuộc đời và làm nên sự nghiệp lẫy lừng với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi. Đây cũng là nơi Đức Thánh Trần hiển Thánh mất đi. Vậy nên trong tiềm thức dân gian Kiếp Bạc chính là thánh địa thờ Đức Thánh Trần. Cách Kiếp Bạc không xa là di tính Côn Sơn - nơi ẩn dật tu tâm, dưỡng tính của các bậc danh nhân tiêu biểu cho tâm hồn, khí khách tinh hoa văn hóa Việt ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Tất cả hòa quyện tạo nên "Côn Sơn - Kiếp Bạc” - Khu di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Hải Dương.
(HBĐT) - Dù UBND 2 tỉnh Sơn La, Yên Bái đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến khu vực suối Rằm thuộc xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, các hộ dân đều không nhất trí trở về địa phương và còn có ý định lôi kéo nhiều người trong dòng tộc ở các tỉnh đến cư trú lâu dài, lập làng mới...
Cái tên thành phố Hoa Hồng xuất hiện trong thi ca và âm nhạc viết về Đồng Hới nhưng theo năm tháng nó như rơi dần vào... cổ tích. Nhưng hôm nay, hoa hồng đã thực sự hồi sinh.
Những ngày này, các cựu binh Trường Sa tại miền Trung lại tất bật đến nhà đồng đội - những chiến sĩ đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma bởi nòng súng của quân Trung Quốc ngày 14-3-1988. Có người đến tận nhà đồng đội thắp nén hương. Có nơi làm lễ giỗ vọng cho 64 đồng đội như một lời tri ân những người nằm lại Gạc Ma.
Mỗi chuyến đi biên giới là một lần để lại ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hành trình giúp dân lập bản, gieo chữ của các cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng, các giáo viên cắm bản. Dù hành trình đến với vùng đất ấy còn nhiều khó khăn nhưng không có gì là không thể.