(HBĐT) - Cách đây đúng 60 năm, tại vùng rừng núi Kim Bôi hiểm trở và khắc nghiệt, được coi là "túi sốt rét”, Đội thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng tuyến đường bộ 12B Hòa Bình thành lập để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đó là mở đường 12B. Tại mảnh đất anh hùng ngày ấy, hơn 4.000 chàng trai, cô gái đến từ 14 tỉnh, thành phố trên cả nước đang độ tuổi 20 hăng hái lên đường làm nhiệm vụ.


Ông Trịnh Hữu Thịnh, xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn), cựu TNXP 12B Hòa Bình chia sẻ những ký ức thi công tuyến đường 12B của Đội TNXP 14 tỉnh, thành phố cho thế hệ trẻ.

Đường 12B được đánh giá là con đường chiến lược, có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế và AN - QP, là tuyến đường chi viện quân lương, khí tài cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trước cách mạng tháng 8/1945, đây là cơ sở hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ) và nhiều chiến sỹ cách mạng vượt ngục Sơn La về đây xây dựng cơ sở. Để xây dựng con đường này, Trung ương Đoàn đã thành lập "Đội TNXP xây dựng Chủ nghĩa xã hội” gồm trên 4.000 đội viên của 14 tỉnh, thành phố phía Bắc. Con đường bắt đầu từ ngã ba dốc Cun đến Ba Hàng Đồi nối đường 12A với đường 21, thuộc huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn (trước đây) nay thuộc huyện Kim Bôi dài 50 km, đi qua các vùng đất: Tú Sơn, Hạ Bì, Kim Bình, Lập Chiệng, Thanh Lương... Thời hạn được giao hoàn thành con đường từ năm 1959 - 1960, đội TNXP thực hiện nhiệm vụ san đồi, bạt núi, lấp đầm lầy, sông, suối tạo thành con đường chiến lược.

Ông Trịnh Hữu Thịnh, xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn), cựu TNXP 12B Hòa Bình nhớ lại: "Anh chị em TNXP đã lao động quần quật trên công trường, gội nắng, tắm mưa. Mùa nắng thì áo riềm bâu, mưa rừng ướt hết vẫn mặc để tự khô chứ không có bộ khác thay thế. Mùa rét như cắt da, cắt thịt, thiếu hoặc không có áo len, áo bông, chỉ có manh áo dầy đỡ tạm. Thuốc men phòng bệnh, chữa bệnh hạn chế, lương thực, thực phẩm chưa đầy đủ, dựng lán ngủ giữa rừng hay ven làng, ven đường, thiếu thốn trăm bề. Không trực tiếp chiến đấu nhưng thương vong của họ không ít. Vì sốt rét rừng, tai nạn lao động, 26 đại đội đã chết 6 người và một số bị thương”. Ấy thế mà những chàng trai, cô gái đó vẫn kiên cường, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vì miền Nam ruột thịt.

Từ đây, phong trào "Bắt núi cúi đầu, bắt sông uốn khúc” và "Dậy trước mặt trời” của các đại đội được chính các đội viên phát động nhằm tạo động lực thi công tuyến đường kịp thời hạn. Bằng sức người với những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng... trên 1 triệu m3 đất, đá được đào đắp bởi lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hòa theo phong trào đó, các đội viên Trường TNLĐ XHCN Hòa Bình có sáng kiến làm lu lăn đất bằng bê tông để rải cấp phối đảm bảo kỹ thuật. Ở đại đội Hà Nội sáng tạo lắp vòng bi vào trục xe cải tiến để lao động nhẹ nhàng, năng suất cao.

Tại cuộc tọa đàm ôn lại lịch sử thi công tuyến đường nhân dịp kỷ niệm 60 năm, bà Nguyễn Bích Hậu, Phó Ban Liên lạc Cựu TNXP 12B Hòa Bình chia sẻ: "Ban đầu, việc vận chuyển đất chỉ bằng một cách duy nhất là gánh. Thanh niên trẻ chưa quen việc, vai trầy xước rồi lại "dại dột” bóp cồn, vừa đau vừa xót. Và "xe cút kít” ra đời, giải phóng đôi vai là một dấu ấn vô cùng đáng nhớ đối với chúng tôi. Nhờ có "xe cút kít” năng suất lao động nhảy vọt từ 0,7 m3 đất/người/ngày lên 5,2 - 5,3 m3 đất/người/ngày. Từ hai bàn tay lao động, sự sáng tạo cải tiến không ngừng và quyết tâm của tuổi trẻ, từng mét đường được đắp lên, con đường 12B dần hình thành”. Và từ đó, hình ảnh chiếc xe cút kít trở thành niềm tự hào của những Cựu TNXP, được khắc họa lên công trình Biểu tượng TNXP đường 12B Hòa Bình.

Vất vả, gian khổ là thế nhưng đâu đó vẫn hiện lên những vần thơ, câu hát trên "Công trường Cộng sản” ngày ấy. TNXP đi làm mỗi ngày như trẩy hội bởi tiếng hát, câu hò cứ ngân vang mãi khắp tuyến đường. Vui nhất là khi TNXP gặp bộ đội hành quân qua, tiếng hỏi thăm, tiếng hát vang xa, mới có câu hò: "Bộ đội mà gặp TNXP - như cá gặp nước, như rồng gặp mây”.

Bằng nỗ lực phi thường, sự dũng cảm vượt qua mọi thử thách về phương tiện, kỹ thuật, công cụ, kinh tế, toàn công trường đã phấn đấu hoàn thành công trình trước một năm (từ tháng 3 - 12/1959). Ngày thông tuyến, các đơn vị TNXP 14 tỉnh, thành phố phấn khởi reo hò, đốt đuốc sáng rực bầu trời mừng thắng lợi. Mấy trăm chiến sỹ thi đua lao động tiên tiến xuất sắc về dự lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Nhà nước phong tặng.

Về thăm lại công trường xưa sau 60 năm, những đội viên năm ấy giờ trên 70, 80 tuổi. Họ thực sự ngỡ ngàng trước diện mạo mới của Kim Bôi trên đường 12B với những căn nhà khang trang mọc lên. Xương máu, mồ hôi nước mắt của họ đổ xuống đã góp phần tạo nên một Kim Bôi hoàn toàn khác, vươn mình phát triển mạnh mẽ. Hôm nay, họ đổ xuống những giọt nước mắt hạnh phúc, bùi ngùi xúc động và tiếng cười thực sự mãn nguyện, tự hào về một thời TNXP.

Thanh Sơn


Các tin khác


Dấu ấn lịch sử cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang

(HBĐT)- Ngày 12/2/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 287/QĐ-UBND xếp hạng di tích "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910" huyện Kỳ Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sắp tới, UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức Lễ đón nhận Quyết định xếp hạng di tích và lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm cuộc khởi nghĩa nói trên.

Thiếu tướng Bùi Đình Phái - người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ bằng những kỷ vật chiến tranh

(HBĐT) - Ban đầu chỉ là nơi để ông lưu giữ ký ức chiến tranh, kỷ niệm đẹp về đời binh nghiệp. Nhưng chính ông cũng không ngờ, phòng truyền thống - nơi ông lưu giữ kỷ vật chiến tranh lại trở thành "địa chỉ đỏ” để người dân, thậm chí cả những du khách nước ngoài có dịp đến thăm vùng đất Mường Bi quê ông thường ghé lại để được nghe những câu chuyện, được tận mắt thấy những hiện vật chiến tranh tưởng như chỉ có thể thấy trên phim, ảnh...

Về thăm di tích lịch sử Quốc gia Đăk Tô - Tân Cảnh

(HBĐT)-Đăk Tô - Tân Cảnh là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ở mảnh đất Tây Nguyên nắng gió. Trong chuyến công tác về tỉnh Kon Tum, chúng tôi có dịp thăm di tích lịch sử này, nơi mà nửa thế kỷ về trước đã diễn ra những trận đánh anh dũng, kiên cường với những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Còn đó giấy dó người Mường

Ít ai nghĩ rằng, ở một nơi hẻo lánh như xóm Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình lại có những nghệ nhân đang hết lòng với việc giữ gìn cách làm giấy dó tưởng chỉ có ở Hà Nội hay Bắc Ninh.

Về thăm Côn Sơn - Kiếp Bạc

(HBĐT) - Nếu như Nam Định là quê hương của Đức Thánh Trần, Hà Nam là kho quân lương lớn nhất của nhà Trần thì Vạn Kiếp, Kiếp Bạc chính là nơi Người đã cống hiến cả cuộc đời và làm nên sự nghiệp lẫy lừng với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi. Đây cũng là nơi Đức Thánh Trần hiển Thánh mất đi. Vậy nên trong tiềm thức dân gian Kiếp Bạc chính là thánh địa thờ Đức Thánh Trần. Cách Kiếp Bạc không xa là di tính Côn Sơn - nơi ẩn dật tu tâm, dưỡng tính của các bậc danh nhân tiêu biểu cho tâm hồn, khí khách tinh hoa văn hóa Việt ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Tất cả hòa quyện tạo nên "Côn Sơn - Kiếp Bạc” - Khu di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Hải Dương.

“Nóng” tình trạng di dân tự do ở huyện Mai Châu

(HBĐT) - Dù UBND 2 tỉnh Sơn La, Yên Bái đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến khu vực suối Rằm thuộc xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, các hộ dân đều không nhất trí trở về địa phương và còn có ý định lôi kéo nhiều người trong dòng tộc ở các tỉnh đến cư trú lâu dài, lập làng mới...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục