Anh hùng Lực lượng vũ trang Bùi Xuân Hình (bên trái) kể về những kỷ niệm của những ngày tháng tư lịch sử năm 1975.
Trong những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi lại có vinh dự được gặp gỡ và lắng nghe những câu chuyện về một thời binh nghiệp oai hùng của Đại tá Bùi Xuân Hình, nguyên là Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Đặc công. Với những đóng góp của mình, tháng 4/2018, Đại tá được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tá Bùi Xuân Hình là một người người con dân tộc Mường. Ông sinh ra và lớn lên ở xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), hiện đang sinh sống cùng vợ con ở khu 6, thị trấn Mường Khến.
Năm 1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Bùi Xuân Hình, 22 tuổi đã rời quê hương lên đường nhập ngũ. Sau 4 tháng hành quân ròng rã, Hình gia nhập đơn vị J16 – bộ đội đặc công, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ (Tây Ninh). Tại đây, ông đã tham gia nhiều trận đánh, trong đó có những chiến công xuất sắc. Đặc biệt, năm 1971, ông cùng đồng đội lập nên chiến công lẫy lừng của bộ đội đặc công Việt Nam trên đất nước Campuchia với trận đánh sân bay Pôchentông. Đây là sân bay lớn nhất của Campuchia, nơi chứa hơn 100 máy bay chiến đấu của ngụy quân Lon Nol. Với vai trò là Tiểu đoàn phó, ông Hình đã chỉ huy 2 đại đội, phối hợp với một tiểu đoàn khác tập kích vào sân bay của địch. Nhờ làm tốt công tác trinh sát, quân ta đã phá hủy trên 90 máy bay, các kho đạn và diệt gọn tiểu đoàn bảo vệ sân bay của địch, lập nên một trong hai trận đánh xuất sắc nhất của bộ đội đặc công Việt Nam trên đất Campuchia.
Đến năm 1973, ông Hình từ Campuchia trở về chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đóng quân ở khu vực Vùng bưng 6 xã. Tại đây, đơn vị của ông Hình đã anh dũng chiến đấu, lập được không ít chiến công. Trong đó, trận đánh trên cầu xa lộ Sài Gòn trong suốt gần 1 một tuần lễ để mở đường cho đại quân tiến vào Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn còn mãi khắc ghi trong tâm khảm của người lính đặc công Bùi Xuân Hình.
Theo lời kể của Đại tá Hình: Những ngày cuối tháng tư năm 1975, các chiến dịch của ta nổ ra quyết liệt khiến cho kẻ địch từ khắp nơi co cụm về Sài Gòn. Khi đó, Tiểu đoàn của ông Hình nhận nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cây cầu trên xa lộ Sài Gòn để mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng. Cây cầu này được coi như cánh cửa để tiến vào Sài Gòn nên địch cho xây dựng công sự kiên cố, bố trí lực lượng và hỏa lực mạnh ở cả hai đầu cầu. Với kinh nghiệm trận mạc được tôi luyện qua nhiều trận đánh lớn, lúc này, với vai trò là Tiểu đoàn trưởng, Đại tá Hình trực tiếp cùng đồng đội ngày đêm dầm mình dưới nước để trinh sát, lên phương án tiêu diệt địch.
Sau khi đã trinh sát địa hình, hai ngày sau, Tiểu đoàn của ông Hình tấn công, đánh chiếm cây cầu xa lộ vào lúc 2 giờ sáng. Bị tấn công bất ngờ, địch không kịp trở tay, chưa đầy một tiếng đồng hồ, ông Hình và đồng đội đã chiếm đóng được cả hai đầu cầu. Theo kế hoạch ban đầu, một ngày sau khi Tiểu đoàn của ông Hình chiếm được cây cầu, Quân đoàn 2 sẽ tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tuy nhiên, do bị mắc kẹt nên phải tới 5 ngày sau, đại quân mới tiến vào Sài Gòn được. "Trong khoảng thời gian chờ đại quân tiến vào giải phóng, Tiểu đoàn chúng tôi liên tục chiến đấu với các toán quân của địch từ các nẻo chạy về Sài Gòn. Suốt mấy ngày trực chiến, chúng tôi không được tắm rửa, cả ngày dầm mình dưới bùn đất lấm lem. Khi đại quân tiến vào, chúng tôi vỡ òa sung sướng, nhảy lên xe tăng cùng tiến vào giải phóng Sài Gòn”- Đại tá Hình nhớ lại.
"Hôm đó, Sài Gòn đông vui lắm, hai ven đường người dân đứng chật kín, ai cũng hân hoan, vui sướng, tay vẫy cờ, hoa chào đón đại quân tiến vào. Là một trong những người đầu tiên được tiến vào Dinh Độc Lập, với những người lính chúng tôi, đó là giây phút lịch sử không thể nào quên. Trong giây phút hạnh phúc đó, chúng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng vì không ít đồng đội đã nằm xuống, không được chứng kiến giây phút Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối”- Đại tá Hình xúc động chia sẻ.
Sau khi đất nước được thống nhất, người lính đặc công Bùi Xuân Hình vẫn tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong cuộc đời binh nghiệp, Đại tá Hình đã tham gia rất nhiều trận đánh, nhưng với ông, trận đánh chiếm cây cầu trên xa lộ Sài Gòn là đáng nhớ nhất. Thời khắc lịch sử Sài Gòn được giải phóng, với không khí hân hoan, vui sướng sẽ còn mãi trong tâm khảm của ông, đặc biệt là trong những ngày tháng tư lịch sử này.
Viết Đào