Dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao là các dân tộc thiểu số rất ít người, đặc biệt khó khăn của vùng Tây Bắc; sinh sống tập trung tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Trong những năm qua, từ sự đầu tư của Nhà nước, nhất là từ Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào bốn dân tộc này có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có những khó khăn tồn tại, nhiều chính sách của Nhà nước khi đầu tư cho bà con còn bất cập, cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.


Bản của người La Hủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) giai đoạn trước năm 2010 nằm tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Bài 1: Quá khứ với đói nghèo, lạc hậu bủa vây

Trước khi hàng loạt các chính sách của Nhà nước đến đồng bào, người Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao cơ bản sống trong tận cùng của đói nghèo, lạc hậu; nặng về hủ tục và nhiều tệ nạn.

Lắt lay những mùa no, đói

Trong bốn tộc đặc biệt của vùng Tây Bắc, có đến ba tộc người là Cống, Mảng, La Hủ sinh sống ở Lai Châu. Trong đó có người Mảng và người La Hủ sống tập trung chủ yếu ở Lai Châu. Đây cũng là hai dân tộc nghèo nhất, khó khăn nhất cả nước và thường được gọi với cái tên "Xá Lá Vàng”. Trước đây, người Mảng và người La Hủ đều có lối sống du canh, lang thang du mục giữa đại ngàn, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, bằng cách săn bắn, hái, lượm. Họ đã từng có một quá khứ dài với hai mùa no và đói; trong đó, mùa đói thường rất dài, còn mùa no thì lại ngắn.

Tôi còn nhớ như in bữa cơm của gia đình ông Vàng A Xè, người La Hủ ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) khi đoàn chúng tôi ghé thăm vào giữa năm 2008. Khi đó, bà con đang được bộ đội biên phòng vận động di chuyển từ rừng về dựng nhà dựng bản, sinh sống tập trung. Bữa cơm đó chỉ có vài miếng sắn băm nấu lẫn rau rừng và mấy miếng thịt chuột mà chủ nhà bẫy được trên nương. Tuy chỉ vậy nhưng với gia đình ông Xè, đó cũng là bữa ăn khá so với những ngày phải nhịn đói. Theo lời ông Xè, cuộc sống của gia đình ông và những gia đình La Hủ khác cũng vậy, một năm có đến ba phần tư thời gian là đói. Năm nào mưa thuận gió hòa thì mùa no cũng kéo dài được đôi, ba tháng; còn không chỉ có vào rừng đặt bẫy săn thú, kiếm củ nâu, củ mài ăn qua ngày.

Pờ Mò Xá, một người La Hủ khác ở bản Sín Chải, xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cũng từng có một quá khứ lắt lay cùng cái đói. Theo lời anh Xá, gia đình anh có năm anh em, thì mất hai người vì nhà nghèo đói quá, không nuôi được. Tuổi thơ của Xá chưa bao giờ biết đến một mái nhà, bởi anh cứ lẽo đẽo ngày này qua ngày khác theo cha mẹ đi khắp cùng rừng cuối núi ở vùng Pa Vệ Sủ để kiếm củ nâu, củ mài thay cơm. Thế nên, cái bụng Xá cũng chưa bao giờ có nổi một bữa no, cái thân cũng chưa một ngày biết mặc ấm. 16 tuổi, anh Xá mới biết mặc quần, 16 tuổi mới biết thế nào là hạt muối. 18 tuổi lấy vợ, sau khi sống với nhau cả chục năm, có với nhau đến bốn mặt con, đến khi chuyển từ rừng về sống tập trung ở bản Sín Chải B, anh Xá mới có điều kiện tổ chức được bốn mâm cơm gọi là cỗ cưới, mời anh em, họ hàng nhận con, nhận cháu.

Ông Lý Lòng Cà, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) cho biết, nói về tình cảnh nghèo đói của người La Hủ trước đây thì chẳng biết diễn tả thế nào. Bởi họ không có nhà, không có vật dụng đáng giá, họ cũng không ở bản, mà sống theo kiểu săn, bắt, hái, lượm của người tiền sử. Trong các tiêu chí đánh giá về hộ nghèo trước đây, thậm chí họ chẳng có cái gì trong bộ tiêu chí để mà đánh giá.

Tương tự như người La Hủ, đồng bào dân tộc Mảng cũng có một quá khứ nghèo đói đến tận cùng. Ông Lò A Hương, 87 tuổi, ở bản Nậm Sảo I, xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho biết, trước kia người Mảng chẳng có nhà, toàn sống trong các hang đá và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, cơm chẳng có ăn, quần áo cũng không có mặc. Một năm cũng chỉ biết đến hai mùa no và đói, mà mùa đói thì triền miên hơn.

Với Thiếu tá Trần Văn Nam, cán bộ biên phòng đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mảng xã Trung Chải từ năm 1991 đến nay, ký ức về đồng bào Mảng vẫn gắn liền với câu chuyện của đói, nghèo. Khi anh Nam mới đặt chân đến vùng đồng bào người Mảng (lúc bấy giờ là xã Nậm Ban), anh thấy bà con sống cảnh ăn hang ở lỗ, canh tác thì lạc hậu, chủ yếu là săn bắn và hái lượm. Cả bản có vài hộ sinh sống trong những túp lều lụp xụp dựng bằng tranh tre, nứa và lợp lá cây rừng. 100% các hộ dân đều bị đói, người dân thì không biết chữ, tỷ lệ tử vong còn cao hơn cả tỷ lệ sinh.

Khá hơn người Mảng và La Hủ, song dân tộc Cống và dân tộc Cờ Lao cũng là hai dân tộc chậm tiến ở vùng Tây Bắc. Trước đây, cộng đồng dân tộc Cống và Cờ Lao cũng sống tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp với tập quán sản xuất truyền thống là chọc lỗ tra hạt, nên năng suất cây trồng không cao, đời sống bấp bênh, đói nghèo bủa vây. Đặc biệt, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, suy thoái giống nòi, mai một về văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ đến mức đáng báo động.

Kể về về những năm tháng sống "lẩn quất” trong rừng, ông Quàng Văn Nó (bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) nhớ như in, gần 20 năm trước, người Cống ở bản Púng Bon chỉ "thạo” nhất việc vào rừng đào củ mài, củ sắn. Cả bản đói nghèo lắm. Sông Nậm Núa chảy ngang qua bản có nhiều cá, nhiều tôm, vậy mà dân bản không biết đan lưới để đánh bắt. Cả bản không người nào biết chữ, tiếng phổ thông thì chỉ vài người đàn ông bập bõm, vậy nên có việc gì thì mấy người đàn ông lại thay nhau làm phiên dịch cho người dân cả bản. Mỗi mùa săn bắn đến, cả bản vắng tanh vì nhà nào cũng vào rừng tìm thú; có những chuyến đi dài tới hàng tháng trời. Trẻ em thất học. Cuộc sống của người Cống ngày đó cơ cực lắm.

Theo số liệu thống kê, trước giai đoạn 2010, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào người Cống ở Điện Biên và người Cơ Lao ở Hà Giang cao quá 80%, gấp ba lần so với mặt bằng chung của các dân tộc khác. Thu nhập bình quân đầu người không vượt quá 1,5 triệu đồng/năm. Tuy mùa đói của hai dân tộc này ngắn hơn dân tộc Mảng và La Hủ, song Nhà nước vẫn phải cứu đói giáp hạt thường xuyên.

Ám ảnh hủ tục và tệ nạn

Do điều kiện sống của người Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao thấp hơn so với mặt bằng chung, tập quán canh tác lạc hậu, nhận thức hạn chế, cho nên nhiều hủ tục, tệ nạn phát sinh. Nghiện hút, nghiện rượu, hôn nhân cận huyết… làm bốn tộc người trên giảm sút về thể lực và trí tuệ, tụt hậu so với nhiều dân tộc khác trên cùng địa bàn cư trú.

Bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, một bản của người Mảng chỉ cách trung tâm huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) chưa đầy 10km, giao thông đi lại thuận tiện, nhưng trước năm 2010, cả bản có hơn 30 hộ dân thì hầu hết nhà nào cũng có người nghiện ma túy, tỷ lệ hộ nghèo 100%, nhà được xem là giàu nhất bản lúc bấy giờ thì tài sản lớn nhất là cây đu đủ. Không chỉ nghiện hút, nhiều người còn nghiện rượu nặng. Từ đó sinh ra thói lười lao động, sống ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.

Các xã Bum Tở, Pa Ủ, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), từ năm 2009 trở về trước có tỷ lệ người nghiện nhiều nhất Lai Châu. Thuốc phiện giống như "cơn lũ đen” tràn vào các bản làng của người La Hủ. Khi đó, ở xã này không chỉ có người dân, thậm chí cả cán bộ xã, đàn bà, trẻ nhỏ cũng nghiện thuốc phiện. Tệ nạn đó một thời đã dìm số phận của người La Hủ xuống đáy của xã hội.

Ở huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có bản Nậm Vời, xã Nậm Pỳ với 21 hộ dân tộc Mảng và 90 nhân khẩu, nhưng chỉ có ba người đàn ông hơn 40 tuổi, người đàn ông cao tuổi nhất năm nay mới bước sang tuổi 51. Đây từng được biết đến với cái tên là "Bản không chồng”. Hơn 2/3 số hộ trong bản đều là hộ đơn thân, vì hầu hết đàn ông đều chết trẻ, do nghiện rượu, mê tín, suy thoái giống nòi bởi tảo hôn, hôn nhân cận huyết... Trưởng bản Nậm Vời Lò Văn Điện cho biết, do quá lạc hậu, mê tín, phần lớn người dân khi bị bệnh đều không đến trạm y tế khám chữa mà nhờ thầy mo đến nhà cúng. Cúng không khỏi, khi bệnh nặng mới đưa người bệnh đến bệnh viện, mà bản ở xa, việc đi lại khó khăn, nhiều người chết trên đường vận chuyển đến bệnh viện.

Cùng với nghiện ngập, chè chén, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết… cũng là một vấn nạn của người Mảng, La Hủ, Cờ Lao. Theo thống kê của tỉnh Hà Giang, trước năm 2012, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Cơ Lao chiếm gần 60% trong các cặp vợ chồng kết hôn. Trên thực tế, số liệu này có thể còn lớn hơn nhiều lần, vì trong nhiều thập kỷ qua, tỷ lệ kết hôn giữa dân tộc Cờ Lao với các dân tộc khác rất ít, chỉ diễn ra trong nội bộ thôn bản hoặc số ít với các thôn bản khác. Độ tuổi kết hôn trung bình là từ 15 đến 17 tuổi, cá biệt có trường hợp từ 13 đến 14 tuổi. Tương tự, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ cũng cao không kém.

Thực trạng đói nghèo, tệ nạn và những hủ tục lạc hậu như trên đã khiến đồng bào các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ đồng hóa, suy thoái giống nòi, suy giảm chất lượng và dân số…

 

                                    TheoNhandan

Các tin khác


Chuyến tàu nặng tình cá nước - Bài 1: Bốn bông hoa “Vợ chiến sỹ Trường Sa”

Trên chuyến tàu chở hàng trăm thân nhân rời cảng Cam Ranh ra quần đảo Trường Sa vào một ngày Hè 2019 có bốn "bông hoa” nổi bật.

Nghênh ngang xe máy điện

(HBĐT) - Không đội mũ bảo hiểm (MBH); phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; nghênh ngang đi hàng 2, hàng 3 trên đường... Đó là những hình ảnh khá phổ biến của nhiều cô, cậu thanh thiếu niên, học sinh đi xe máy điện khi tham gia giao thông mà có thể dễ dàng nhận thấy khi đi trên các tuyến đường của TP Hoà Bình...

Mang hơi ấm tình thân tới Trường Sa - Bài 3: Vững tay súng nơi đầu ngọn sóng

Rẽ sóng ra khơi hướng đến Trường Sa - nơi tuyến đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc, trong mỗi người con đất Việt đều có cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu đất nước.

Mang hơi ấm tình thân tới Trường Sa - Bài 2: Hậu phương vững chắc của người lính đảo

Canh giữ vùng biển, vùng trời Trường Sa là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của những người lính. Để cán bộ chiến sỹ yên tâm công tác, phía sau mỗi người lính là hình bóng của người thân - hậu phương vững chắc nơi quê nhà.

Mang hơi ấm tình thân tới Trường Sa - Bài 1: Phòng hạnh phúc giữa trùng khơi

Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 150.000 km vuông. Các đảo, cụm đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn, điểm tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc. Những thế hệ người lính hôm nay viết tiếp những trang sử vàng mà cha ông đã truyền trao trong việc giữ vững chủ quyền đất nước.

Lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội - dù được cảnh báo, vì sao nhiều người vẫn dễ dàng sập “bẫy”?!

(HBĐT) - Dù được các ngân hàng cảnh báo; cơ quan chức năng thường xuyên phát hành thông báo thủ đoạn hoạt động tội phạm; các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo... Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người vẫn dễ dàng sập "bẫy", trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội (MXH).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục