(HBĐT) - Tháng 8/2019, Trại tạm giam Công an tỉnh phát động cho phạm nhân viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi”. Từ chỗ e dè, ngại ngùng và không biết bắt đầu từ đâu, đến hết tháng 9 đã có 45 bức thư do 45 phạm nhân viết. Mỗi bức thư là một lời tự sự, một câu chuyện và hơn hết là những khát vọng sống được "đánh thức" trong những đêm chong đèn chắp bút.


Các phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh tích cực cải tạo để sớm được trở về với gia đình, xã hội và làm lại từ đầu.

Ý nghĩa nhân văn của những lá thư "Gửi lời xin lỗi"

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi có mặt ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Nơi đây hiện đang giam giữ 46 phạm nhân. Thiếu tá Nguyễn Xuân Điệp, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân cho biết: Mục đích của việc viết thư là để phạm nhân nhận ra lỗi lầm, hối hận về những hành vi phạm tội mình gây ra, thể hiện quyết tâm học tập, cải tạo tiến bộ bằng cách viết thư; cũng như khơi dậy lòng vị tha, bao dung đối với người phạm tội, để họ yên tâm cải tạo, hướng thiện. 

Là người có trên 20 năm công tác, thiếu tá Điệp thấu hiểu những tự ti, mặc cảm, nỗi lo lắng của những phạm nhân trong thời gian cải tạo. "Khi vào trong này, dù được cán bộ quản giáo thường xuyên tuyên truyền, làm công tác tư tưởng nhưng sâu thẳm trong mỗi phạm nhân vẫn còn mặc cảm, tự ti vì những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Thế nên, khi triển khai viết thư xin lỗi, nhiều phạm nhân ngại ngùng, có người trình độ văn hóa thấp nên không biết viết thế nào. Tuy nhiên, được hướng dẫn, các phạm nhân đã nắm bắt được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những lá thư này. Một lần viết thư cũng là một lần họ nhìn nhận lại sai lầm, cũng như bày tỏ những nỗi niềm sâu thẳm với thân nhân hoặc người bị hại" - thiếu tá Điệp bày tỏ. 

Trong 45 bức thư do phạm nhân viết, có 40 bức thư gửi cho thân nhân, 2 bức thư gửi cho người bị hại và 3 bức thư gửi cho chính quyền địa phương. Trình độ học vấn của phạm nhân cũng đa dạng, có tiến sỹ, thạc sỹ và cả người không biết chữ, phải nhờ phạm nhân khác hoặc đọc cho cán bộ quản giáo viết hộ....

Khát vọng làm lại cuộc đời

"Mẹ yêu của con, con xin lỗi mẹ thật nhiều. Con hứa với mẹ sẽ cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình, để mẹ không phải buồn nhiều về con nữa" - đó là lời trong bức thư của phạm nhân Phạm Thị Thành gửi người mẹ ruột đã ngoài 80 tuổi. Vốn là người nhiều năm bươn trải ở khu vực biên giới, vì thiếu hiểu biết về pháp luật và chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà Thành đã vi phạm pháp luật, với tội danh đưa người trái phép ra nước ngoài. Mức án 24 tháng tù giam là cái giá mà Thành phải trả. Trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân Thành rơm rớm nước mắt: "Vì thiếu hiểu biết mà bao nhiêu người phải khổ vì em. Không bao giờ em tái phạm nữa, giờ chỉ cố gắng cải tạo thật tốt để về với mẹ và con cháu". Nói về bức thư gửi mẹ, Thành bảo, mẹ đã già yếu mà còn phải lo lắng cho con nên thương mẹ rất nhiều. Nhận được thư, mẹ đã bắt xe từ Quảng Ninh về Hòa Bình thăm. 

Trong những bức thư của các phạm nhân, chúng tôi ngạc nhiên trước những nét chữ đều, đẹp của phạm nhân Bạch Chí Hòa. "Nét chữ, nết người", nhưng ở tuổi 65, chỉ một phút giây không làm chủ được bản thân vì rượu, ông Hòa đã đánh mất uy tín, danh dự của một nguyên cán bộ chủ chốt xã Hùng Tiến (Kim Bôi). Trò chuyện với chúng tôi, ông trải lòng, chỉ vì một tranh luận nhỏ nhưng sẵn có hơi men trong người mà sa vào lao lý. Có lúc ông tưởng như buông xuôi vì tuổi cao, sức yếu nhưng được cán bộ quản giáo động viên, vừa rồi tham gia viết thư "Gửi lời xin lỗi" đã cho ông nhiều động lực để cải tạo tốt hơn. 
Trong thư gửi 2 cháu nội, phạm nhân Bạch Chí Hòa bày tỏ sự ân hận: "Ông suy nghĩ nhiều nhưng được các thầy quản giáo ân cần chỉ bảo, ông cố gắng cải tạo để sớm được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Khi trở về cùng các cháu xây dựng lại cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng".

Tái hòa nhập cộng đồng, một điều mong mỏi cháy bỏng mà qua mỗi bức thư các phạm nhân đều bày tỏ. Thông qua những bức thư là một lần họ nhìn nhận lại quá khứ, thức tỉnh lương tri, đánh thức khát vọng sống một cuộc đời ý nghĩa hơn. Sự vị tha, bao dung của xã hội sẽ giúp họ tự tin hơn trên hành trình hướng thiện của mình.

Viết Đào

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục