Bài 2: Giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tháo gỡ khó khăn trong sản xuất-kinh doanh
(HBĐT) - Hiệu quả hoạt động và những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh hết sức rõ ràng. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, những năm qua, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tạo điều kiện về thủ tục hành chính, môi trường pháp lý, chính sách tín dụng, công tác đào tạo nguồn nhân lực và các dịch vụ công thuộc lĩnh vực ngành là việc làm rất thiết thực, tạo điều kiện giúp các DN nắm bắt, triển khai đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển.
Công ty TNHH Việt Nam Pragrances (Hoà Bình) - Khu công nghiệp Lương Sơn chuyên sản xuất mặt hàng hương thô xuất sang thị trường Ấn Độ, hiện giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Ảnh: p.v
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của cộng đồng DN vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Nhiều DN hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động hoặc giải thể.Thực trạng trên được minh chứng bằng các con số: Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 106 DN ngừng hoạt động; 18 doanh nghiệp, 32 HTX giải thể (do thực hiện chuyển đổi). 9 tháng năm nay, toàn tỉnh có 101 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động SX-KD, 24 DN giải thể tự nguyện.
Theo báo cáo đánh giá của Sở KH&ĐT, những năm qua, công tác quản lý Nhà nước đối với các loại hình DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn có những hạn chế, như: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng còn chậm, thủ tục rườm rà, kéo dài, dẫn đến DN bị lỡ cơ hội đầu tư. Công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Có những dự án đăng ký đầu tư từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có mặt bằng để triển khai thực hiện. Một số DN còn khó khăn trong khâu quản trị, điều hành, chưa được đào tạo cơ bản, đặc biệt là kỹ năng quản trị tài chính, quản trị nhân lực, marketing, lập chiến lược kinh doanh. Việc triển khai kế hoạch đào tạo gặp nhiều trở ngại do kinh phí đối ứng của địa phương không có.
Bên cạnh đó, còn có DN chưa thực sự năng động, nhạy bén với kinh tế thị trường; công nghệ sản xuất lạc hậu; năng lực, trình độ của đội ngũ công nhân chưa cao nên khó khăn trong việc thích ứng với yêu cầu đổi mới giai đoạn hiện nay...
Đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, nhằm đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra về số DN, HTX hoạt động hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, sát sao. Thời gian này, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, làm việc với các Huyện ủy, Thành ủy cùng nhiều sở, ngành và DN để kịp thời nắm bắt việc thực hiện nghị quyết đại hội, nhất là những chỉ tiêu dự báo khó đạt nhằm tìm ra và triển khai thực hiện những giải pháp sát thực, phù hợp. Ngoài ra, nhiều văn bản đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo thực hiện, trong đó phải kể đến Kế hoạch số 237, ngày 16/9/2019 của BTV Tỉnh ủy thực hiện 5 chỉ tiêu (dự báo khó đạt) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Theo đó, nhằm đạt chỉ tiêu số DN, HTX hoạt động có hiệu quả, BTV Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nêu cao vai trò, trách nhiệm, khẩn trương vào cuộc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động SX-KD có hiệu quả để giảm dần tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh. Xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, xử lý kịp thời các hành vi cố tình không chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN để lách thuế, trốn thuế. Tạo điều kiện cho DN, HTX, đặc biệt là DN đang gặp khó khăn về vốn được tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng.
Triển khai tốt chính sách hỗ trợ phát triển HTX, các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng HTX kiểu mới, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Thực hiện tốt xúc tiến thương mại, kêu gọi liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm và mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho các HTX; tập trung xúc tiến tiêu thụ tại thị trường TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và thị trường xuất khẩu.
BTV Tỉnh ủy yêu cầu các huyện, thành phố, sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng giúp các DN mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất.
Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt được tỉnh triển khai, cùng với nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, doanh nhân, theo Sở KH&ĐT, dự báo đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 3.785 DN (tăng 170,6% so với năm 2015), tổng số vốn đăng ký 48.665 tỷ đồng. Số lượng DN hoạt động có hiệu quả tăng 193% so với năm 2015. Số HTX có đăng ký hoạt động đạt 360 đơn vị, so với năm 2015 tăng 101%, trong đó có 202 HTX hoạt động hiệu quả, bằng 163%.
Hoàng Nga
Những ngày này, Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), đường phố rợp cờ hoa, lòng người rộn ràng niềm vui.
Bài 2 - Tiếng "dương cầm" của đá
(HBĐT) - Đã hơn 2 năm nay, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, khoảng 19h, trong ngôi nhà gỗ nhỏ của cô giáo Lò Thị Chính, xóm Thung Ảng vang tiếng đánh vần i, tờ của những học viên lớp phổ cập giáo dục (xóa mù) cho người lớn vọng vào đá núi. Ngỡ như tiếng "dương cầm” thánh thót vào đêm...
Bài 1 - Nhọc nhằn "cõng” chữ lên... mây
(HBĐT) - Với ước nguyện góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Thung Mặn, Thung Ảng - nơi xa nhất của xã Hang Kia (Mai Châu), hàng ngày, hàng đêm, ngày nắng cũng như ngày mưa, 20 giáo viên trường TH&THCS Hang Kia B âm thầm vượt qua bao nỗi nhọc nhằn để "gieo” từng con chữ trên đá núi tai mèo sắc lẹm...
(HBĐT) - Có người trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, chắc tay súng xung phong qua 3 trận đánh, cũng có người khi hành quân đến cứ điểm Điện Biên Phủ lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, nhưng trong tim họ - những cựu chiến binh năm xưa vẫn luôn sáng lên niềm tự hào: là chiến sỹ Điện Biên!
(HBĐT) - Sau một thời gian dài trầm lắng, huyện Kỳ Sơn được biết đến là vùng "đất thức” - hội tụ cơ bản những điều kiện để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có cả đồng bằng, cả núi non hùng vĩ, đất đai màu mỡ, hạ tầng giao thông kết nối đường thủy và đường bộ, hầu hết các vùng đất trên địa bàn huyện đang tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư.
Bài 2 - Giúp người dân phát triển sinh kế bền vững
(HBĐT) - Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, Dự án giảm nghèo (DAGN) giai đoạn 2 tỉnh Hòa Bình tập trung hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Hoạt động này được thực hiện thông qua hỗ trợ theo nhóm đồng sở thích (CIG) mà không hỗ trợ từng gia đình đơn lẻ. Đây là cách tiếp cận mới và khá thách thức. Tuy nhiên, đánh giá chung toàn giai đoạn, Hòa Bình là một trong những điểm sáng của các tỉnh miền núi phía Bắc trong hoạt động này.