(HBĐT) - Hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng; khách nội địa có nhu cầu đi nghỉ tại các khu, điểm du lịch nhiều. Mô hình nông dân làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) trong tỉnh trên đà phát triển. Số lượng, quy mô, chất lượng, phương thức hoạt động của các nhà nghỉ DLCĐ theo đó cũng tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có 170 nhà nghỉ DLCĐ, tập trung nhiều nhất ở huyện Mai Châu và một số huyện Đà Bắc, Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc.



Anh Phàng A Páo, chủ A Páo homestay đưa du khách thăm quan, trải nghiệm nông nghiệp bản Mông xã Pà Cò (Mai Châu).

Sản phẩm DLCĐ ngày càng hấp dẫn

Ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) có anh Phàng A Páo, hội viên chi hội nông tiên phong làm DLCĐ. Anh Páo chia sẻ: Nương lúa, đồi chè trồng quanh nhà là công việc mình làm trước đây nhưng giờ vui hơn vì trở thành điểm thăm quan, trải nghiệm được du khách yêu thích. Mình cũng chịu khó học hỏi, tìm hiểu và lựa chọn xây dựng mô hình homestay giữ gần như nguyên vẹn bản sắc văn hoá của đồng bào Mông, từ kiến trúc nhà truyền thống, vật liệu trang trí phòng nghỉ cộng đồng đến sản phẩm, dịch vụ du lịch. Khách đến homestay A Páo sẽ được trải nghiệm nghỉ đêm tại phòng nghỉ cộng đồng; săn mây và đón bình minh trên núi; thăm quan đồi chè, rừng già; trải nghiệm nhuộm chàm, làm giấy dó, vẽ sáp ong và thăm Mong Space – không gian văn hoá Mông thu nhỏ, chợ phiên Pà Cò…

Anh Phàng A Páo vừa là chủ nhân của A Páo homestay, vừa là hướng dẫn viên du lịch đồng hành cùng du khách trong suốt hành trình khám phá điểm đến. Từ cuối tháng 7/2022, mô hình chợ đêm Pà Cò ra mắt và duy trì hoạt động thường xuyên vào tối thứ Bảy hàng tuần trở thành sản phẩm du lịch mới thu hút khách. Anh A Páo và các hội viên nông dân khác tham gia tích cực. DLCĐ Pà Cò là một trong những điểm đến hấp dẫn và đón khách quanh năm. Bản đã thành lập chi hội nông dân Mông làm homestay và trải nghiệm nông nghiệp Pà Cò.

Bên cạnh dịch vụ lưu trú và ăn uống, các hộ làm DLCĐ chú trọng các loại hình sản phẩm, dịch vụ đi kèm như biểu diễn văn nghệ, sản xuất, cung cấp hàng thổ cẩm, lưu niệm, cho thuê thuyền, bè mảng, xe đạp, công tác hướng dẫn, thuyết minh giới thiệu cho khách thăm quan bản làng, tìm hiểu truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, đời sống của người bản địa, tham gia các trò chơi dân gian… Từ đây, thu hút nhiều nông dân cùng tham gia hoạt động du lịch, tăng thêm thu nhập. Các sản phẩm du lịch được xây dựng và phát triển mới gắn liền với bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào Mường, Thái, Dao, Mông. Một số bản DLCĐ như bản Sưng – xã Cao Sơn (Đà Bắc), bản Ngòi – xã Suối Hoa (Tân Lạc), bản Chà Đáy - xã Pà Cò (Mai Châu) từng bước đưa các sản phẩm mới vào hoạt động, góp phần tăng tính trải nghiệm tại điểm đến.

Phát huy vai trò bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống

Đồng chí Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Du lịch, Sở VH-TT&DL cho biết: DLCĐ của tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nằm xen với cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, những xóm, bản của đồng bào Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Hơn thế, Hoà Bình còn là vùng đất giàu bản sắc văn hoá dân tộc với những giá trị nhân văn đa dạng. Nơi đây có nền văn hoá thời tiền sử nổi tiếng "Văn hoá Hoà Bình”, cái nôi của văn hoá Việt – Mường, quê hương của Sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”; nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc được lưu giữ, bảo tồn.

Tham gia hoạt động DLCĐ, nông dân nắm giữ vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá. Tại các bản DLCĐ, kiến trúc nhà truyền thống gần như được giữ nguyên. Mỗi bản đều thành lập đội văn nghệ dân tộc biểu diễn phục vụ khách. Ở bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc), bản Ngòi – xã Suối Hoa (Tân Lạc) đón khách đến trải nghiệm mở bản bằng màn trình tấu chiêng Mường đặc sắc. Nhiều nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, như trải nghiệm mua hàng ở "quán tự giác” bản Đá Bia; trải nghiệm chợ phiên vùng cao, nghề truyền thống của người Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu)…

Thời điểm chịu tác động của đại dịch Covid-19, các điểm DLCĐ của tỉnh không có khách, cơ sở vật chất vì thế xuống cấp nhiều. Có nông dân làm DLCĐ ở bản Đá Bia, xã Tiền Phong trải lòng: Thời gian đó, công việc nhà nông thì vẫn gắng được, duy trì nương rẫy, nuôi cá lồng, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm nhưng chúng tôi nhớ khách, nhớ nghề, mong mỏi cuộc sống sớm bình thường trở lại để phục hồi du lịch.

Các điểm DLCĐ hiện tổ chức tốt việc đón khách thăm quan, trải nghiệm. Hộ làm DLCĐ được đào tạo, tập huấn lại về chuyên môn, như: lưu trú tại nhà dân, lễ tân phục vụ khách lưu trú, chế biến món ăn, tiếng Anh giao tiếp với khách du lịch; kỹ năng hướng dẫn, thuyết minh, trình diễn nghề thủ công… Một số tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã liên kết đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch, sản phẩm thu hút khách.

Theo bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc, DLCĐ không đặt mục tiêu chính là làm giàu mà nhằm cải thiện sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn cả là hướng bà con đến các giá trị văn hoá, tự nhiên cần bảo vệ. Đến nay, nhận thức, ý thức của người dân tại các điểm DLCĐ về công tác bảo tồn giá trị tài nguyên cho phát triển du lịch bền vững được nâng cao. Đồng thời, các phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, kiến trúc truyền thống… được quảng bá, giới thiệu tới đông đảo du khách.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: Nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách quốc tế đang hướng tới những sản phẩm du lịch mang giá trị văn hoá truyền thống (độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (nguyên sơ, hoang dã), du lịch bền vững, du lịch xanh. DLCĐ của tỉnh đã và đang tạo được sức hút với khách quốc tế. Nguồn khách nội địa đến trải nghiệm tại vùng nông thôn, miền núi ngày càng tăng. Tuy nhiên, DLCĐ cũng đứng trước nhiều thách thức: tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh gây ô nhiễm môi trường và làm mai một bản sắc văn hoá các dân tộc; hoạt động du lịch khiến cảnh quan môi trường bị tác động. Một số điểm DLCĐ sử dụng vật liệu bê tông, gạch, ngói để xây dựng nhà ở nên không còn giữ được kiến trúc truyền thống. Những nông dân làm DLCĐ trên các bản làng trong tỉnh cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, tích cực tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần vào tăng trưởng du lịch chung, xây dựng "thương hiệu” du lịch Hoà Bình – vùng đất đậm đà bản sắc văn hoá, nhiều trải nghiệm hấp dẫn cùng hình ảnh nông dân làm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện và chu đáo.


Bùi Minh

Các tin khác


Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình - tôn vinh, tỏa sáng bản sắc văn hóa: Bài 2 - Đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mường thăng hoa

(HBĐT) - Năm 2023, lần đầu tiên Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức quy mô cấp tỉnh quy tụ 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động cùng hội tụ tại huyện Tân Lạc. Ba ngày diễn ra lễ hội, thời tiết ủng hộ, nắng xuân trải khắp vùng đất cổ Mường Bi, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Các chương trình lễ hội được đầu tư, dàn dựng công phu đã trở thành niềm tự hào của người dân Mường nói riêng và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Lễ hội Khai hạ chính là nơi văn hóa dân tộc Mường được tỏa sáng. 

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình - tôn vinh, tỏa sáng bản sắc văn hóa: Bài 1 - Hội tụ văn hóa bốn vùng Mường 

(HBĐT) - Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động.

Nặng lòng với Thung Nai

(HBĐT) - Trở lại xã Thung Nai, tôi cứ nấn ná muốn tìm điều gì đó nơi đây của vài chục năm về trước và kéo dài cho đến hiện nay. Theo truyền thuyết người xưa kể rằng, vùng rừng núi này trước đây có thung rộng và nhiều nai nên gọi là Thung Nai (?). Chưa thể tìm hiểu ngọn ngành điều trên, nhưng tôi biết, chỉ trong mấy chục năm, xã Thung Nai đã 3 lần thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện khác nhau. Trước năm 1985, xã Thung Nai thuộc huyện Đà Bắc; từ năm 1985 - 2002, thuộc huyện Kỳ Sơn (cũ) và từ năm 2002 đến nay, Thung Nai thuộc huyện Cao Phong.

Náo nức ngày hội tòng quân

(HBĐT) - Hòa chung không khí phấn khởi đầu xuân, cùng với cả nước, đúng 8h ngày 6/2, tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ giao, nhận quân năm 2023. Đây thực sự là ngày hội của các địa phương và cán bộ, Nhân dân trong tỉnh. Thời tiết xuân giao hòa. Lòng người rộn ràng khí thế. Có bịn rịn chia tay nhưng mang theo niềm lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, trưởng thành và cống hiến. Trên khắp các nẻo đường từ nông thôn, miền núi xa xôi đến thành thị đều mang không khí náo nức khi lớp thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Bình yên Côn Đảo

(HBĐT) - Xưa, Côn Đảo từng là nơi nuôi dưỡng tinh thần cách mạng quật cường của hàng vạn chiến sỹ yêu nước Việt Nam. Còn ngày nay, nơi đây được biết đến là địa điểm có nhiều trải nghiệm tốt đẹp, mang tới cảm giác bình yên, khiến bất cứ ai cũng muốn tìm về để cảm nhận.

Xuôi về đất Mũi

(HBĐT) - "Anh đến quê em đất biển Cà Mau Cỏ thấy xanh tươi đước rừng bát ngát Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người Về thăm quê hương Đất Mũi xa xôi”... (trích lời bài hát Đất Mũi Cà Mau – nhạc sĩ Hoàng Hiệp).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục