(HBĐT) - "Đi về nhà tao ăn cái Tết, uống chén rượu ngô núi...”. Lời mời chân thành của Hờ A Sự ở xóm Thung Mặn, xã Hang Kia làm chúng tôi ái ngại, nửa muốn đi, nửa lại không. Muốn đi là bởi chỉ có những người bạn thật sự thân thiết người Mông mới mời về nhà uống chén rượu, ăn miếng bánh dày trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mông. Nhưng đường từ trung tâm xã về nhà Sự ở Thung Mặn bao năm qua vẫn luôn là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai chứ chẳng riêng gì chúng tôi... Như đọc được suy nghĩ, sau tràng cười sảng khoái, Hờ A Sự bảo: Chúng mày không phải sợ. Giờ đường về nhà tao gần lắm, không còn cheo leo ngược núi như mấy năm trước. Được Nhà nước làm cho con đường, giờ đi lại dễ dàng rồi, có đường cuộc sống của người dân trong bản cũng khá lên nhiều lắm...
Như trút bỏ được nỗi ám ảnh, sợ hãi của lần vào Thung Mặn cách đây vài năm trước khi phải vật lộn quá nửa ngày với con đường núi chênh vênh dốc, gập ghềnh đá mới vào đến nơi. Lần này, theo sau Hờ A Sự, chúng tôi chỉ mất hơn chục phút để đi hết quãng đường khoảng 5 km từ trụ sở UBND xã Hang Kia về Thung Mặn trên con đường bê tông thênh thang gió núi. Gặp Giàng A Lềnh, Trưởng xóm Hang Kia ngay đường rẽ đầu xóm, vẫn nụ cười ấy, vẫn cái bắt tay thật chặt, Giàng A Lềnh phấn khởi: Ơn Đảng đã mở cho bà con mình con đường để đi, để được giao lưu mở mang cuộc sống với bên ngoài. Không có đường bao nhiêu năm khổ sở, Tết muốn mặc bộ quần áo đẹp để đi chơi cũng không dám vì sợ bùn đất vấy bẩn, cây rừng cào rách; không có đường, không được giao lưu với bên ngoài, bao đời nay người Mông ở Thung Mặn chỉ biết nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng của dân tộc...
Nhưng mọi chuyện nay đã khác rồi!
Theo đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, Hang Kia và Pà Cò là 2 xã vùng cao cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Địa hình 2 xã chủ yếu là đồi núi dốc, chia cắt mạnh, có nhiều núi đá, cấu tạo nền địa chất dạng caster không giữ được nước cho sản xuất và sinh hoạt, thiếu đất canh tác; mùa khô kéo dài, cộng với nguồn nước mặt, nước ngầm rất hạn chế. Quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít và phân tán, gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ KHKT cũng như phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa... Tỷ lệ hộ nghèo của 2 xã còn cao so với bình quân chung của huyện và của tỉnh. Tính đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của 2 xã chiếm 1/3 tổng số hộ, trong đó, xã Hang Kia 29,43%, xã Pà Cò 32,93%. Từ thực tế đó, năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt Dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia và Pà Cò giai đoạn 2021 - 2025. Đây được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc ở Hang Kia, Pà Cò.
Theo đó, bằng các nguồn vốn như nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án, chính sách khác, thời gian qua, 2 xã được bố trí nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) thiết yếu như: đường giao thông, sửa chữa các công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung... Đặc biệt, để giúp xã Hang Kia, Pà Cò vượt khó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp các ngành của tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư CSHT phục vụ sản xuất, đời sống người dân. Trong năm 2022, huyện Mai Châu và tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng 13 công trình CSHT thiết yếu. Nổi bật là huyện đã bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương triển khai hoàn thiện nâng cấp tuyến đường Cun Pheo - Hang Kia - Pà Cò - quốc lộ 6 với tổng chiều dài 7,9 km; đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 1,31 km đường liên xóm, nội xóm của 2 xã.
Theo đồng chí Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông mang tính kết nối đã mở ra cơ hội phát triển cho địa phương. Trong đó, những xóm vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn như Thung Mặn, Thung Ảng trước đây bị chia cắt, biệt lập do giao thông đi lại khó khăn nay được kết nối một cách thuận lợi. Nhờ vậy, các địa bàn khó khăn này đã từng bước chuyển mình vượt khó.
Cùng với đó, trên cơ sở dự án của tỉnh, UBND huyện Mai Châu đã xây dựng kế hoạch, phối hợp các ngành chức năng tổ chức triển khai hiệu quả chương trình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của 2 xã để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như triển khai mô hình trồng cây lê VH6 (lê Tainung) có năng suất, giá trị cao để tạo ra sản phẩm lợi thế của địa phương; duy trì diện tích trồng chè Shan tuyết hiện có; xây dựng, mở rộng thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp tập trung, bền vững gắn với du lịch cộng đồng. Hiện tại, có 18 hộ của 2 xã tham gia mô hình với quy mô diện tích 4,54 ha. Huyện cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã xây dựng sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch văn hóa đặc sắc, tạo bước tiến mới trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
(Còn nữa)
Mạnh Hùng