(HBĐT) - Trở lại xã Thung Nai, tôi cứ nấn ná muốn tìm điều gì đó nơi đây của vài chục năm về trước và kéo dài cho đến hiện nay. Theo truyền thuyết người xưa kể rằng, vùng rừng núi này trước đây có thung rộng và nhiều nai nên gọi là Thung Nai (?). Chưa thể tìm hiểu ngọn ngành điều trên, nhưng tôi biết, chỉ trong mấy chục năm, xã Thung Nai đã 3 lần thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện khác nhau. Trước năm 1985, xã Thung Nai thuộc huyện Đà Bắc; từ năm 1985 - 2002, thuộc huyện Kỳ Sơn (cũ) và từ năm 2002 đến nay, Thung Nai thuộc huyện Cao Phong.
Làng Mường ven sông Đà năm xưa. Ảnh: TL
Dù thuộc về huyện Đà Bắc, Kỳ Sơn hay Cao Phong thì các xóm: Nai, Cánh Gà, Vĩnh, Tiện, Mu, Chiềng đến nay vẫn tồn tại tên gọi. Do hy sinh "Vì dòng điện ngày mai” của Tổ quốc, nên từ những năm 90 của thế kỷ XX, đời sống của người dân nơi đây cũng như các nơi thuộc diện chuyển khỏi vùng ngập hồ thủy điện Hòa Bình bị xáo trộn.
Khi chưa ngập dưới hồ thủy điện, Thung Nai là một trong những xã có đường 6A chạy qua. Việc đi lại từ xã ra thị xã Hòa Bình hoặc sang Chợ Bờ - nơi huyện lỵ Đà Bắc đứng chân, so với các xã trong huyện có phần thuận lợi hơn. Khu vực bến phà Bờ hay còn gọi bến Bưởi tuy chưa phải thị tứ nhưng cũng đã có đông hộ dân sinh sống, buôn bán hai bên đường. Từng tốp xe tải Đoàn 2 và Đoàn 20 cũng có thể dừng, nghỉ qua đêm, có lẽ để san bớt nơi đậu xe với phố Bờ đông đúc.
Lại nữa, xí nghiệp Đá Sỏi – cơ sở sản xuất vật liệu làm đường, xây dựng duy nhất của khu vực này cũng đứng chân bên dòng sông Đà và ngay cạnh quần thể thác Bờ kỳ quan. Người dân Thung Nai từ xưa chủ yếu là người dân tộc Mường. Lác đác một số gia đình công nhân xí nghiệp Đá Sỏi là người nơi khác định cư khu vực ngã ba, đầu nối từ quốc lộ 6A vào trung tâm xã Thung Nai.
Thực hiện công cuộc chuyển dân khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Hòa Bình, 100% hộ của 2 xóm Cánh Gà và Vĩnh chuyển lên xóm Nai, xóm Chiềng và nhận phần đất được chia cùng ở, cùng canh tác. Đất đai ít; vùng thấp, nơi nhiều ruộng đã ngập hết, dân phải chuyển đi các nơi và chuyển vén… Đã vậy, năm 1985, một số bà con miền xuôi vùng Ứng Hòa lên khai hoang ở xóm Chiềng. Thế là xã thành lập thêm một xóm mới mang tên xóm Đoàn Kết. Những năm 1990 - 1992, đất chật, người đông, cuộc sống quá chật vật, trên 60 hộ dân nơi đây phải di chuyển vào huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kom Tum, trong đó đông nhất là người dân của xóm Đoàn Kết.
Sau 40 năm chuyển dân khỏi vùng ngập lên các xóm tại xã và trên 30 năm di chuyển khỏi tỉnh Hòa Bình của không ít các hộ dân nơi đây. Hiện tại, xã Thung Nai có 564 hộ với 2.234 nhân khẩu. Từ xã Bình Thanh đã có đường thảm nhựa đến Thung Nai và thông sang xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Điểm nhấn phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch của xã Thung Nai hiện nay là khu trung tâm xã và khu vực cảng Thung Nai mang dáng dấp thị tứ miền núi gọi mời khách du lịch. Ngoài trồng rừng, làm nương… toàn xã có 75 tàu, thuyền chở khách du lịch vùng hồ, có HTX nghề cá, nhiều hộ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện… nhiều hộ có nhà xây kiên cố. Đời sống người dân được cải thiện tích cực.
Tuy vậy, nhìn chung thì xã Thung Nai vẫn còn nhiều khó khăn với 100% xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Số đông lực lượng lao động trẻ, khỏe đi làm tại các công ty, doanh nghiệp. Không ít người vào kiếm việc làm tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo nhẩm tính của một số người thì đi làm các công ty thu nhập chỉ 2 tháng là bằng cả năm nếu ở tại địa phương làm nương, trồng cây công nghiệp. Xã Thung Nai hiện tại cơ bản không có ruộng cấy lúa. Đất đồi dốc và xấu.
Trở lại Thung Nai lần này, được trò chuyện với ông Đinh Công Hồng, người chuyển dân lòng hồ từ khu vực này vào Play Cần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kom Tum vừa trở lại thăm quê, tôi được ông cho biết, thu nhập bình quân nơi gia đình ông đang sinh sống trong Play Cần đạt 45 triệu đồng/ người/năm.
Là người quen biết nhau đã lâu, mang chuyện "đại sự” ra lạm bàn, ông Bùi Khánh Thiên, sinh năm 1961, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thung Nai trầm ngâm: Vẫn biết so sánh là khập khiễng, nhưng thỉnh thoảng tôi nghĩ, giá không phải di chuyển để nhường chỗ cho hồ thủy điện thì đời sống bà con nay ra sao? Ngày ấy "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, vừa là mệnh lệnh, vừa trở thành tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước của Nhân dân và cán bộ vùng ngập lòng hồ.
Sinh ra tại Thung Nai, năm 1981, khi bắt đầu chuyển dân cũng là năm ông Bùi Khánh Thiên đi bộ đội. Sau 3 năm trong quân ngũ, ông phục viên về tham gia công tác liên tục tại địa phương. Từ công an viên đến trưởng Ban Văn hóa, Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy, năm 2020 thì nghỉ hưu. Vừa chứng kiến, vừa trong cuộc lãnh đạo chuyển dân, ổn định đời sống, phát triển kinh tế …, ông Thiên có cơ sở rút ra: Có thể nói không riêng Thung Nai mà tất cả các xã vùng hồ đều còn khó khăn. Nguyên nhân của khó khăn chính là từ việc chuyển dân làm xáo trộn cuộc sống, mà không chỉ chuyển một lần, không chỉ chuyện nội xã mà còn đi các nơi. Hơn nữa, thời gian từ chuyển dân cho đến khi tạm ổn định rồi ổn định đời sống… kéo quá dài. Hơn 20 năm trước, người còn thưa, đất còn mầu mỡ thì cây bương, cây keo không được giá; khi được giá thì đất đai đã bạc mầu, năng suất cây trồng thấp. Đồi dốc, đường giao thông chậm mở mang, đi lại khó khăn đã đẩy mọi khó khăn gấp nhiều lần.
Gắn bó với quê hương, xứ sở, người dân Thung Nai đoàn kết, tích cực lao động, cộng với sự quan tâm đầu tư hạ tầng của Nhà nước, sau nhiều năm phấn đấu không mệt mỏi, năm 2022, xã Thung Nai đã đạt 14 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện mỗi năm, xã phấn đấu giảm từ 2 - 3% hộ nghèo. Với quyết tâm cao, Đảng bộ và Nhân dân xã Thung Nai phấn đấu xóa nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Mong sự phấn đấu của Thung Nai sớm trở thành hiện thực!
Lê Va (TTV)
(HBĐT) - Mo Mường là di sản văn hóa (DSVH) đặc biệt linh thiêng của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Trước nguy cơ "báu vật” vô song có thể bị mai một những giá trị không thể khôi phục, hành trình bảo vệ khẩn cấp mo Mường đã được khởi động với sự đồng hành của những con người tràn đầy tâm huyết và trí tuệ, vừa tự hào, vừa có trách nhiệm với mo Mường.
(HBĐT) - Khắp các miền quê trải dài màu xanh trù phú; hạ tầng điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng; hệ thống thương mại - dịch vụ phát triển... Đó là diện mạo của quê hương Mường Động (Kim Bôi) hôm nay với những bước chuyển mạnh mẽ.
(HBĐT) - Trên đỉnh Vân Sơn (Tân Lạc) quanh năm mây vờn núi, không khí trong lành, yên ả và thanh bình. Thời tiết thật chiều lòng người khi lúc nào cũng mát mẻ, dễ chịu. Rau trong vườn, gà trên đồi, cá dưới suối. Mỗi ngày trôi qua giản đơn, nhẹ nhàng như thế. Có lẽ chính vì nhịp sống chậm, giản đơn và hòa mình vào thiên nhiên như vậy mà Vân Sơn trở thành thung lũng trường thọ. Ở đây người cao tuổi (NCT) là niềm tự hào, là vốn quý trong mỗi gia đình, dòng tộc…
(HBĐT) - Mùa xuân này, các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã và đang đổi mới từng ngày trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, lớn lên cùng với sự phát triển của đất nước. Gần 20 ngày vượt trùng khơi đến với các đảo, điểm đảo Trường Sa, nơi đâu chúng tôi cũng thấy sự kiên trung, bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, vì sự vẹn toàn lãnh thổ, vì sức sống mãnh liệt của đất nước, con người Việt Nam.
(HBĐT) - Ngày đầu tiên của năm Quý Mão 2023, trên hải trình đến các đảo tiền tiêu Trường Sa, chúng tôi là những người may mắn đầu tiên được "xông đất” chúc Tết cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân xã đảo Sinh Tồn. Tại đây, chúng tôi được hòa mình vào không khí vui xuân, đón Tết của quân và dân; tham gia cuộc thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả; đi lễ chùa, trồng cây đầu năm; thăm hỏi, chúc Tết các hộ dân sinh sống trên đảo, ngư dân bám biển đang neo đậu tại âu tàu; cùng các chiến sỹ giao lưu bóng đá, bóng chuyền, cờ vua, cờ tướng, múa võ …
(HBĐT) - Xuân đã về trên mọi miền Tổ quốc. Nhân dân cả nước đang háo hức đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc. Ở một nơi rất đặc biệt và vào một thời khắc cũng rất thiêng liêng, chúng tôi hòa mình vào không khí đón chào năm mới Quý Mão 2023 độc đáo, hấp dẫn và rất riêng: Tết trên đảo tiền tiêu Trường Sa của Tổ Quốc.