(HBĐT) - Tuần đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc đã vắng tanh "không một bóng người". Điện thoại được biết, toàn bộ 15 cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên đều đã "vào rừng". Theo sự chỉ dẫn, vượt hơn 50 km đường dốc quanh co đến xã vùng cao Trung Thành, chúng tôi có chuyến tuần rừng đầu tiên của năm Quý Mão 2023 cùng những người lính "gác rừng" bảo vệ màu xanh cho đại ngàn Đà Bắc.
"Cánh tay nối dài" của lực lượng kiểm lâm
Tổ tuần rừng do đồng chí Đinh Hoàng Long, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc dẫn đầu. Tham gia tổ còn có lực lượng công an xã, trưởng xóm và thành viên tổ quần chúng bảo vệ rừng (BVR) xóm Trung Tằm. Từ trung tâm xã, chúng tôi đi xe máy chừng 15 phút rồi bắt đầu hành trình đi bộ xuyên rừng theo các lối mòn. Tán rừng rậm rạp với những thân gỗ lớn được cán bộ nơi đây ví như những báu vật của rừng. Ở mỗi điểm, lực lượng kiểm lâm cùng cán bộ dùng bản đồ và hệ thống phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh để theo dõi diễn biến từng loại rừng. Đồng chí Đinh Hoàng Long chia sẻ: Tại xã Trung Thành, tổng diện tích đất có rừng trên 2.110 ha, trong đó có hơn 1.843 ha rừng tự nhiên. Rừng trải đều ở 5 xóm của xã. Mỗi chuyến đi tuần rừng chúng tôi cố gắng kiểm tra hết các cánh rừng, sau đó đến thăm các chủ rừng. Trung bình 1 tuần, lực lượng kiểm lâm cùng các tổ quần chúng BVR đi tuần rừng 1 - 2 lần, mỗi chuyến đi là một lần rà soát lại toàn bộ diện tích rừng, đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân hiểu về giá trị của rừng và công tác BVR.
Hiện, toàn huyện Đà Bắc có hơn 47.538 ha đất có rừng, trong đó 28.749 ha rừng tự nhiên, 18.789 ha rừng trồng, 21.556 ha rừng sản xuất. Rừng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường tại huyện vùng cao Đà Bắc. Xác định giữ rừng như giữ "con ngươi của mắt mình", trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm huyện đã lấy sức dân, dựa vào dân để BVR. Đồng chí Đinh Hoàng Long cho biết thêm: Lực lượng kiểm lâm huyện Đà Bắc khá mỏng, chỉ có 15 cán bộ, gồm cả lãnh đạo, kế toán, lái xe. Vì vậy, có cán bộ phải kiêm nhiệm 2 - 3 địa bàn xã. Để có thể giữ màu xanh cho đại ngàn, chúng tôi luôn chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của người dân trong việc bảo vệ, giám sát và phòng chống khai thác rừng trái phép.
Một trong những mô hình hữu hiệu nhất huyện Đà Bắc đang triển khai là tổ quần chúng BVR. Toàn huyện hiện có 122 tổ quần chúng BVR với trên 750 người tham gia, họ chính là những "cánh tay nối dài" của lực lượng kiểm lâm. Thành viên của tổ quần chúng BVR ngoài cán bộ thôn, xóm còn là những chủ rừng có diện tích lớn. Hàng tuần, tổ phối hợp lực lượng kiểm lâm tuần tra rừng, giao ban, báo cáo tình hình cụ thể từng địa bàn để kịp thời xử lý vụ việc liên quan đến khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Phối hợp lực lượng kiểm lâm trong công tác BVR, nhiều năm nay, đều đặn 1 tuần 1 lần, anh Lường Văn Vinh, Trưởng xóm, thành viên tổ quần chúng BVR xóm Trung Tằm, xã Trung Thành cùng 10 thành viên trong tổ đi tuần tra bảo vệ hơn 320 ha rừng của xóm. Anh Vinh chia sẻ: Xóm Trung Tằm có 2 tổ quần chúng BVR. Hàng tuần, tổ tuần tra kiểm soát rừng trên địa bàn, sau đó qua các kỳ giao ban báo cáo cụ thể tình hình công tác BVR. Xã đã phát động thi đua giữa các tổ quần chúng BVR, tổ nào làm tốt có khen thưởng nên các thành viên đều rất nỗ lực.
Ngoài những buổi tuần tra theo quy định, các thành viên của tổ quần chúng BVR có trách nhiệm chủ động theo dõi, bám sát địa bàn, tham gia xây dựng các đường băng cản lửa. Hàng năm, tổ triển khai ký cam kết đến từng hộ trong bảo vệ, phòng cháy rừng và tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định. Nhờ vậy, nhiều năm nay, trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã có diện tích rừng tự nhiên lớn như: Trung Thành, Đoàn Kết, Giáp Đắt, Cao Sơn... rừng được quản lý, bảo vệ tốt, không xảy ra cháy rừng hay khai thác trái phép, tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì gần 61%.
Để cuộc sống ổn định dưới tán rừng
Sau khi kiểm tra lần lượt các cánh rừng, tổ tuần rừng đến thăm gia đình ông Hà Văn Sứng, xóm Trung Thượng, xã Trung Thành. Ông Sứng là Bí thư chi bộ xóm và cũng là chủ rừng lâu năm tại xã Trung Thành. Hiện, gia đình ông quản lý 12 ha rừng tự nhiên, 2 ha rừng trồng. Trong ngôi nhà gỗ khang trang, tổ tuần rừng và ông Sứng chia sẻ cụ thể về tình hình đời sống bà con nhân dân trong xóm và những mô hình hay, cách làm mới để phát triển kinh tế rừng. Ông Sứng cho biết: Với người dân ngàn đời sống dưới tán rừng, chúng tôi hiểu rằng rừng tự nhiên không chỉ là tài sản quý báu mà còn là một chiếc ô khổng lồ để che chắn, bao bọc cho mỗi nếp nhà tránh khỏi giông lốc, sạt lở đất. Chính vì vậy, BVR là bảo vệ cuộc sống của cả cộng đồng. Hiện nay, nhờ lực lượng kiểm lâm hướng dẫn triển khai một số mô hình kinh tế rừng như mô hình trồng luồng, trồng rừng kết hợp chăn nuôi đại gia súc, trồng chè Shan tuyết, đặc biệt là mô hình trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng được các hộ dân rất quan tâm. Nhờ đó, kinh tế của hộ dân có chuyển biến tích cực.
Không chỉ tại xã Trung Thành, kinh tế rừng cũng đang là hướng đi chính huyện Đà Bắc triển khai tích cực tại nhiều xã vùng cao. Toàn huyện có 21.556 ha rừng sản xuất, chủ yếu là rừng gỗ lớn như bồ đề, quế, mỡ, sến, táu... Năm 2022, toàn huyện trồng mới hơn 813 ha rừng, đạt 103% kế hoạch. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều cơ sở chế biến gỗ, đồ mộc dân dụng, sản xuất tăm mành, chổi chít và chế biến các loại dược liệu quý dưới tán rừng như trà giảo cổ lam, chè Shan tuyết...
Năm 2023, toàn huyện phấn đấu trồng mới 700 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 858,1 ha; chăm sóc rừng các năm 3.112 ha; BVR tự nhiên 28.746 ha. Theo kế hoạch, diện tích này sẽ được trồng hoàn thiện vào cuối tháng 4. "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, thâm canh rừng trồng, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng, cải thiện đời sống…” - đồng chí Đinh Hoàng Long, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc chia sẻ.
Đinh Hòa