Thiêng liêng, tự hào đất Mũi Cà Mau.
Điểm cuối của bản đồ Việt Nam, "người em út" mang tên đất Mũi Cà Mau. Là người con đất Việt, có lẽ trong chúng ta ai cũng mong mỏi một lần được đặt chân đến Mũi Cà Mau để cảm nhận sự linh thiêng của Tổ quốc. Nơi mà trời và nước gặp nhau, nơi có sự bồi đắp phù sa của tự nhiên cùng với công khai phá của cư dân đã và đang hình thành nên vùng đất trù phú mà người dân vẫn nói vui là nơi "đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”.
Đất Mũi là bờ biển duy nhất của Việt Nam có thể vừa ngắm mặt trời mọc ở biển Đông vào buổi sáng và lặn ở biển Tây vào buổi chiều. Nơi đây còn có Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - là nơi duy nhất của Việt Nam tiếp giáp cả biển Tây Vịnh Thái Lan và biển Đông. Đây còn là khu rừng ngập mặn lớn nhất của thế giới chỉ sau rừng Amazon ở Nam Mỹ.
Thiên nhiên mang nét đặc trưng là thế, con người Cà Mau càng dễ thương hơn bởi sự mộc mạc, chân chất, thân thiện và vô cùng mến khách, quý nhau ở cái tình, cái nghĩa. Có lẽ chính những yếu tố khắc nghiệt của thiên nhiên trên vùng đất mới đã hun đúc và hình thành nên những con người Cà Mau chịu thương, chịu khó, sống chan hòa, tình cảm. Với người Cà Mau, những lúc đói có thể mượn nhau gạo ăn đến khi kịp mùa gặt mới, khi lúa đã đầy bồ. Trong lao động sản xuất, họ còn "dần công” qua lại với nhau từ cất nhà, làm ruộng, đến đám tiệc hay tát đìa...
Sau khi công việc đã đâu vào đấy, bên ly rượu đế, họ có thể ngồi nhâm nhi và ngân nga vài câu vọng cổ yêu thích. Kể với nhau những mẩu chuyện vui của bác Ba Phi với tâm thế sảng khoái bởi sự cường điệu hóa về "cọp xay lúa”, "câu ếch” hay "nếp dẻo”... Rồi khi gặp khách quý, người Cà Mau có thể "chơi hết mình”, trong nhà có gì họ cũng nhiệt tình làm, đem ra đãi khách. Có thể là gà, vịt thả ngoài vườn hoặc cá, rùa, rắn, lươn… bắt được ngoài ruộng đều bày ra bàn nhậu. Một người dù có bận rộn đến đâu cũng sẵn sàng bỏ ra thời gian quý báu của mình tiếp bạn, để rồi sẽ tranh thủ thức khuya, dậy sớm vài ngày sau đó để hoàn thành cho xong công việc. Đây không phải là đánh bóng bản thân, hay chứng tỏ sự giàu có, mà đó là những tình cảm chân thành, hết sức tự nhiên vốn đã hình thành trong bản chất của con người Cà Mau từ xưa đến nay.
Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009. Nơi đây, được đặt dấu mốc tọa độ quốc gia tại GPS0001 (cây số 0), là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền.
Không những thế, khi cuộc vui đã tàn, họ còn gói tặng bạn bè những thứ "cây nhà lá vườn” để đem về cho người thân. Đến bây giờ, người Cà Mau vẫn giữ nguyên cái "nết” nếu có đi đâu xa, thường mang theo món quà tặng đặc sản như mật ong U Minh, khô cá sặc bổi U Minh, tôm khô, dưa bồn bồn, ba khía Rạch Gốc… Mang một chút hương vị quê nhà dành tặng cho người quen với tất cả tấm chân tình.
Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Thanh Sơn (quê Sóc Trăng) đã hết lòng khen ngợi người Cà Mau trong lời bài hát "Áo mới Cà Mau: "Nghe nói Cà Mau xa lắm/Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/Ngại chi đường xa không tới/ Về để nói với nhau mấy lời/Xuôi mái chèo sông ông Đốc/Đêm trắng kịp tới chợ Cà Mau/Xuồng ghe ngày đêm không ngớt/Người Cà Mau dễ thương vô cùng...”
Có thể nói, sự dễ thương và cái tình của người Cà Mau như một thương hiệu góp phần khẳng định Cà Mau không chỉ là một vùng đất mộc mạc, chân quê mà còn rất đỗi thân thiện và mến khách.
Lướt vỏ trên bùn, một kiểu di chuyển rất riêng của người dân đất Mũi Cà Mau.
Tình người – tình đất Cà Mau đã khiến biết bao du khách phải vương vấn khi một lần đặt chân đến nơi đây. Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia đã chia sẻ: Mũi Cà Mau địa đầu Tổ quốc là vùng đất thật đặc biệt, thiêng liêng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú. Rừng là cuộc sống. Mũi Cà Mau cần thêm rừng, để chở che không chỉ người dân Cà Mau mà người dân miền Tây và người Việt Nam nói chung. U Minh Hạ là khu rừng huyền thoại với thiên nhiên đất rừng phương Nam kỳ thú. Cà Mau, U Minh, bạn nhất định phải một lần ghé thăm.
Xuôi về Đất Mũi không chỉ để cảm nhận tình người, tình đất nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc, khi đến Cà Mau, du khách cũng nên một lần trải nghiệm về rừng tràm U Minh Hạ: "Ở đâu bằng xứ Lung Tràm/Chim kêu như hát bội, cá lội vàng tợ mắm nêm”.
Hòn Đá Bạc với cụm đảo nằm gần sát bờ, gồm: Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Lẻ và Hòn Đá Bạc đều được phủ rợp bóng cây rừng xanh mướt, cây cối mọc um tùm. Sở hữu vẻ đẹp của rừng nguyên sinh hoang sơ, của đá núi sừng sững, của bờ biển vòng quanh sóng vỗ tung bọt, của nước biển xanh trong, phong cảnh nơi đây bình dị như chính cái tên.
Dẫu có điểm khác nhau của thiên nhiên, của vùng đất nhưng tình người Cà Mau vẫn vậy, chân chất, hiền hòa, mến khách, theo kiểu rất riêng, rất Cà Mau - "Người Cà Mau dễ thương vô cùng”.
Phương Lài (Báo Cà Mau)