(HBĐT) - Thời gian qua, một số dự án giao thông quan trọng trên địa bàn huyện Đà Bắc đã được khởi công xây dựng. Khi hoàn thành, đây sẽ là những "mạch máu” mới để kết nối, giao thương hàng hóa, động lực quan trọng để Đà Bắc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương.

 





Tuyến đường kết nối thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) với huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đang được xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch vùng hồ Hòa Bình. 


Niềm vui từ những con đường mới

Cuối tháng 2 vừa qua, dự án nâng cấp đường liên xã Vầy Nưa - Tiền Phong, huyện Đà Bắc chính thức được khởi công, kinh phí đầu tư 400 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự kiến trong 36 tháng, tổng chiều dài gần 24,8 km. Dự án được triển khai tại các xã: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong. "Việc đầu tư dự án nâng cấp đường liên xã Vầy Nưa - Tiền Phong là hết sức cấp thiết, bởi đây là tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền 3 xã vùng lòng hồ sông Đà của huyện. Dự án thực hiện nhằm mục đích ổn định dân cư, cải thiện đời sống KT-XH của người dân trên địa bàn huyện” - Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi nhấn mạnh.

Tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc đi các xã: Hiền Lương - Vầy Nưa - Tiền Phong có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH của các xã vùng lòng hồ sông Đà. Với lòng hồ rộng lớn, cảnh sắc sông núi hùng vĩ, từ lâu nơi đây đã hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Thực tế, trong hơn một thập kỷ trở lại đây, du lịch cộng đồng bắt đầu được chú trọng phát triển ở khu vực này, với các địa danh đã có tên trên bản đồ du lịch, như xóm Ké (xã Hiền Lương), Mó Hém - Đá Bia (xã Tiền Phong). Tuy nhiên, hạ tầng giao thông còn trắc trở nên lượng khách du lịch đến Đà Bắc chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, tuyến đường này xuống cấp trầm trọng, đời sống của người dân vùng lòng hồ vẫn gặp không ít khó khăn.

Lau Bai (xã Vầy Nưa) là một trong những xóm chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017, khi cả xóm phải di dời tái định cư. Sau 6 năm về nơi ở mới, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đời sống của bà con bản Dao đã ổn định. Khi nghe tin tuyến đường chính kết nối xóm, xã với trung tâm huyện được mở rộng, người dân rất phấn khởi. Cụ Lý Văn Xuyên, người dân xóm Lau Bai có lẽ là một trong những người vui nhất. Bởi hơn 80 năm cuộc đời, cụ đã phải di chuyển chỗ ở nhiều lần, nỗi vất vả những lần vượt rừng để lên trung tâm huyện vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ. "Rất phấn khởi vì cả xóm đã ổn định chỗ ở, điện, đường đều thuận lợi. Vừa rồi, Nhà nước khởi công mở rộng con đường nối 3 xã lòng hồ. Đây là tin rất vui, có đường lớn, đường đẹp thì mới phát triển, mới xóa đói, giảm nghèo được” - cụ Xuyên chia sẻ.

 Khi tuyến đường được mở rộng không chỉ thuận lợi cho phát triển du lịch, mà giá trị của nghề nuôi cá lồng nơi đây hứa hẹn được nâng cao. Được biết, hiện nay ở các xã thuộc vùng lòng hồ sông Đà của huyện Đà Bắc đang phát triển nghề nuôi cá lồng, với số lượng trên 2,2 nghìn lồng. "Hy vọng con đường được mở rộng, việc tiêu thụ cá lồng và nông sản sẽ thuận lợi hơn trước. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập” - ông Xa Văn Công, người nuôi cá lồng ở xã Vầy Nưa chia sẻ.

Kỳ vọng đột phá giao thông

Ngoài tuyến đường Hiền Lương - Vầy Nưa - Tiền Phong, vừa qua, một số dự án giao thông quan trọng khác trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng được khởi công xây dựng. Đó là tuyến đường từ trung tâm xã Đồng Chum đi xã Mường Chiềng; đường 433 đi xóm Đầm Phế (trung tâm xã Mường Tuổng cũ), xã Mường Chiềng; dự án nâng cấp đường liên xã Nánh Nghê. Đầu tháng 10/2022, tuyến đường liên kết thị trấn Đà Bắc đi huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cũng đã được khởi công xây dựng. Đây là dự án trọng tâm của tỉnh nhằm kết nối giao thông đối ngoại, nâng cao hiệu quả sử dụng đất hai bên tuyến đường, phục vụ phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Đồng thời, kết nối cụm công nghiệp Đà Bắc với tỉnh lộ 433, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Trước đó, người dân các xã đặc biệt khó khăn như: Trung Thành, Đoàn Kết, Yên Hoà, Đồng Ruộng đã thoát khỏi tình cảnh độc đạo về đường giao thông. Tuyến đường mở mới từ xã Cao Sơn đi xã Trung Thành đã rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa các xã nói trên với trung tâm huyện Đà Bắc hàng chục cây số. Đường mới là "chìa khoá” để mở ra cánh cửa mới trong phát triển KT-XH của các xã vùng cao này. Như chia sẻ của Phó Bí thư Thường trực xã Trung Thành Lường Văn Thái: Trước đây, bà con chủ yếu trồng ngô, sắn, chè và trồng rừng nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn. Khó về đường giao thông nên sản xuất vẫn manh mún, chưa tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã có những điểm sáng, nổi bật là phát triển cây gai xanh. Hiện nay, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là tuyến đường mới mở thuận lợi, Trung Thành đã "gần” hơn trước. Đây chính là động lực quan trọng để Trung Thành và các xã vùng cao đẩy nhanh công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Thêm một con đường được mở là thêm những cơ hội, những lựa chọn mới trong kết nối, giao thương hàng hóa. Ngoài những dự án giao thông quan trọng nói trên, trong thời gian tới, dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) cũng sẽ tạo ra bước đột phá cho hệ thống giao thông trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc. Với ý nghĩa là xương sống, là "mạch máu” của nền kinh tế, khi hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, thông thoáng sẽ là đòn bẩy quan trọng nhất để phát triển KT-XH. Hệ thống "mạch máu” mới hình thành trong tương lai gần, kỳ vọng Đà Bắc sẽ tận dụng tốt các thời cơ để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sớm thoát khỏi diện "nghèo bền vững”.



Viết Đào

Các tin khác


Huyện Tân Lạc - gian nan hành trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân nơi “cổng trời”

(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.

Bài 2 - Nhận diện những nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp

(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bài 1 - Hiệu quả thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm 1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, tương đương với 4.600 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Đề án số 02 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Bài 1- Diện mạo mới đô thị trung tâm tỉnh

(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh đã có những nét mới, khang trang, sáng đẹp, văn minh hơn.

Bài 2- Tập trung giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính

(HBĐT) - Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tuy tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020, nhưng điểm số lại giảm do việc điều chỉnh các nội dung và thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần. Với tinh thần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì và cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. 

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính - hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức

(HBĐT) - Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2021. Với tinh thần đánh giá đúng kết quả đạt được, đi sâu những tồn tại, hạn chế, tỉnh đang tập trung các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục