(HBĐT) - Ký ức trong tôi, Hải Phòng khi xưa chỉ có trong những câu chuyện bà ngoại kể, đó là một nơi phố xá phồn hoa, tấp nập người xe trong mắt của một người ở quê ra phố thị làm "hàng xáo” (buôn gạo)... Từ ký ức đó, sau này mỗi lần có dịp về thành phố cảng, tôi lại dành một ngày để lang thang khắp phố phường đất cảng như bước chân của ngoại khi xưa...
Nhà hát thành phố - một trong những điểm check in của giới trẻ khi đến Hải Phòng.
Sức hấp dẫn nơi thành phố cảng
Hải Phòng không chỉ có cảng biển lớn nhất miền Bắc mà còn nhiều địa điểm có sức hấp dẫn du khách đến đây. Lịch sử ghi chép rằng, Hải Phòng là vùng đất cổ nằm trong đồng bằng châu thổ sông Hồng. Có nhiều dòng sông lớn, nhỏ chảy qua thành phố trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Con sông Cấm lớn nhất thành phố không chỉ mang phù sa cho đồng ruộng mà còn là tuyến đường thủy huyết mạch, nơi bến cảng lớn nhất được người Pháp xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XIX để giao thương với nước ngoài. Cũng vì thế mà Hải Phòng mang tên thành phố cảng.
Ngoài cái tên thành phố cảng, Hải Phòng còn được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ, vì nơi đây trồng rất nhiều phượng. Trong mắt nhiều du khách, Hải Phòng nổi tiếng với Đồ Sơn hay Cát Bà với những tour du lịch biển đảo hấp dẫn. Nhưng đến Hải Phòng lần này, tôi muốn lang thang ở trung tâm thành phố để trải nghiệm một ngày bình thường của người dân nơi đây.
Bắt đầu từ công viên trước nhà hát thành phố, tôi lang thang trên vài con đường lớn nhỏ. Những con đường sạch sẽ dọc ngang nối nhau, điểm vài hàng quán bán trên vỉa hè. Những hàng cây tán rộng phủ bóng mát xuống lòng đường. Trên những tuyến đường nội đô nhiều căn nhà cũ xen lẫn những căn nhà mới, cửa tiệm buôn bán. Qua những con đường có cơ quan hành chính, nhiều tòa nhà được xây dựng với phong cách, kiến trúc của thời kỳ người Pháp đến vùng đất này. Tôi đến với những con đường buôn bán sầm uất của thành phố như: phố Cầu Đất, chợ Ga, phố Quang Trung, phố Lãn Ông... Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ trước, ghi chú cả năm tháng, phủ rêu phong và bụi thời gian nằm phía sau dãy hàng quán, như khẳng định sự hiện diện rất lâu của mình ở thành phố. Một nét lạ là trung tâm thành phố không đông khách du lịch. Hầu hết là hoạt động thường ngày của người dân địa phương với dịch vụ hàng quán và các loại hình giải trí.
Như nhiều thành phố khác, Hải Phòng cũng có những con hẻm nhỏ giữa khu dân cư, khu tập thể. Các hàng quán bán những món đồ rất đặc trưng và gắn liền với đời sống người dân từ bao năm nay. Đi du lịch thì phải thưởng thức ít nhất một món đặc sản nơi ghé thăm. Chúng tôi chọn món bánh đa cua trên phố Lê Chân, món ăn gắn với tên thành phố này. Tôi nghĩ lại những lời cảnh báo của bạn bè từ thuở sinh viên, về Hải Phòng nếu lơ ngơ là sẽ bị bắt nạt, nhất là khi mua đồ hay ăn uống ở nơi này. Nhưng trải nghiệm lại cho tôi cảm giác Hải Phòng là thành phố thân thiện, gần gũi với du khách. Chúng tôi không bị chèo kéo khi mua đồ, không bị hét giá khi vào cửa hàng ăn uống, thậm chí chủ quán còn chủ động đến hỏi thăm, trò chuyện khi biết khách ăn không phải là người địa phương.
Mảnh đất địa linh nhân kiệt
Một trong những điều đặc biệt ở thành phố này là phía sau sự ồn ào phố thị có rất nhiều di tích cổ hoặc những địa điểm gắn với di tích cổ từ thời kỳ phong kiến đến những tòa nhà được thực dân Pháp xây dựng thời kỳ nửa thuộc địa nhuốm màu thời gian. Đầu tiên là đền Nghè, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người đã có công khai phá và lập ra làng An Biên xưa - nay là Hải Phòng. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh thuộc dạng di sản, mà còn là nơi người dân thành phố đến viếng mỗi buổi chiều hàng ngày để cầu xin phước lộc.
Ngoài đền Nghè, Hải Phòng còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lễ hội độc đáo với các khu di tích lịch sử nổi tiếng như: Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên) gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc là Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền; khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc tại huyện Kiến Thụy. Đây là nơi thờ linh vị 5 vị vua triều Mạc. Tại khu tưởng niệm còn lưu giữ nhiều đồ thờ, cổ vật quý giá. Đặc biệt là thanh Định Nam Đao, từng được vua Mạc Đăng Dung sử dụng xông pha chiến trận và "bách chiến bách thắng”; khu di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo); chùa Dư Hàng (quận Lê Chân); khu di tích đền, chùa Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên)... là những điểm tâm linh có ý nghĩa quan trọng đối với người dân thành phố cảng.
Sau những bước chân lang thang, chúng tôi chọn quán cà phê Art gallery Lục trên đường Quang Trung, phía sau quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân là điểm dừng chân cuối cùng, nghỉ ngơi trước khi rời thành phố. Với dân du lịch bụi, đây là điểm dừng chân thú vị. Bởi ngoài việc được ngắm những bức tranh của chủ quán còn có thể trò chuyện về những tác phẩm và niềm đam mê của ông. Đây cũng là nơi nhiều người có máu du ca lãng tử tụ tập, tìm về ngồi ôm cây đàn ghi ta hát. Không đủ lớn khiến khách ngồi bàn bên khó chịu, nhưng cũng đủ gây chú ý với những ai yêu thích môn nghệ thuật này.
Rời thành phố cảng, trên những tuyến đường rợp bóng cây phượng già xù xì nét cổ kính, chợt nghe đâu đó vang lên lời ca quen thuộc, hào sảng của bài hát "Khi xuân sang trên bến cảng”.
(HBĐT) - Thực hiện phương châm "giao thông đi trước, tạo động lực cho sự phát triển của huyện”, trong những năm qua, huyện Mai Châu đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo, đồng bộ nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của huyện.
(HBĐT) - Với một huyện còn nhiều khó khăn như Mai Châu thì phát triển hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp quan trọng để mở đường cho hành trình thoát nghèo. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và bằng nội lực của địa phương, huyện Mai Châu đã triển khai, đưa vào hoạt động một số dự án giao thông kết nối quan trọng - những con đường mang ý nghĩa then chốt để huyện vùng cao này hiện thực hoá khát vọng đổi mới.
(HBĐT) - Hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng; khách nội địa có nhu cầu đi nghỉ tại các khu, điểm du lịch nhiều. Mô hình nông dân làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) trong tỉnh trên đà phát triển. Số lượng, quy mô, chất lượng, phương thức hoạt động của các nhà nghỉ DLCĐ theo đó cũng tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có 170 nhà nghỉ DLCĐ, tập trung nhiều nhất ở huyện Mai Châu và một số huyện Đà Bắc, Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc.
(HBĐT) - Họ là những người quanh năm chỉ quen cầm liềm, cầm cuốc, cần mẫn canh tác trên thửa ruộng, mảnh nương. Khi Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), những nông dân thuần tuý, chất phác này đã trực tiếp tham gia vào hoạt động, tạo nên sự hấp dẫn, phong phú của sản phẩm du lịch, đồng thời mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo.
(HBĐT) - Tuần đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc đã vắng tanh "không một bóng người". Điện thoại được biết, toàn bộ 15 cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên đều đã "vào rừng". Theo sự chỉ dẫn, vượt hơn 50 km đường dốc quanh co đến xã vùng cao Trung Thành, chúng tôi có chuyến tuần rừng đầu tiên của năm Quý Mão 2023 cùng những người lính "gác rừng" bảo vệ màu xanh cho đại ngàn Đà Bắc.
(HBĐT) - So với mọi năm, năm nay, nhà Hàng A Bô ở xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò có cái Tết no ấm, đủ đầy hơn, bởi nhà Bô xuất bán hơn chục con lợn, lại được giá. Nhờ vậy, người già và bọn trẻ trong nhà có thêm bộ quần áo mới, bánh dầy cũng được làm nhiều hơn so với mọi năm... Trò chuyện, Hàng A Bô phấn khởi: Được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn, con giống, kỹ thuật, sau một thời gian triển khai mô hình chăn nuôi lợn bản địa, đàn lợn của gia đình đã phát triển lên hơn chục con. Tết vừa rồi bán đàn lợn đã mang về nguồn thu hàng chục triệu đồng.