(HBĐT) - Hàng chục hộ dân khu Lục Đồi, thị trấn Bo (Kim Bôi) đang sống trong lo sợ, thấp thỏm vì hoạt động của mỏ đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Hoạt động nổ mìn của mỏ đá Phát Đạt làm đá văng thủng mái tôn của gia đình ông Bạch Hồng Sơn, khu Lục Đồi, thị trấn Bo (Kim Bôi) ngày 26/2/2023.
Đưa chúng tôi đến xem hậu quả của tình trạng đá văng, khói bụi, ông Bạch Hồng Sơn, nhà đối diện mỏ đá của Công ty TNHH MTV Phát Đạt bức xúc: Tâm lý người dân rất lo lắng mỗi khi mỏ đá hoạt động. Đợt nổ mìn vào 11h ngày 26/2 mới đây, cả xóm tiếp tục rung chấn, nhiều đá văng vào nhà dân, sau đó là khói bụi bao trùm không thể thở được. Gia đình tôi bị đá văng đâm thủng mái tôn thành một lỗ rộng tới 30 cm, rồi đá rơi xuống nền sân vương khắp nơi. Sau nổ mìn là khói bụi, tiếng ồn do hoạt động của mỏ đá. Tình trạng đá nổ, rung chấn nhà dân, làm nứt tường nhà, gây tâm lý hoang mang đã tồn tại từ lâu nay. Mỏ đá hoạt động sát khu dân cư từ nhiều năm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Trước đó, gia đình ông Sơn đã chứng kiến nhiều vụ việc đá văng suýt mất mạng người. Vài năm trước, mấy đứa cháu của ông Sơn chơi đùa trong sân nhà thì mỏ đá nổ mìn ầm ầm, đất đá văng sang, có những viên đá lớn văng trúng ô tô làm vỡ kính. Có lần đang ngồi trong nhà, đá to bằng nửa phích nước văng trúng gốc cây, giả sử đá văng vào người có thể mất mạng.
Tiếp tục đưa chúng tôi đi những gia đình xung quanh đều ghi nhận tình trạng nhà nứt do hoạt động nổ mìn của mỏ đá Phát Đạt. Ngôi nhà chị Bùi Thị Nghĩa không đếm nổi vết nứt, chị cho biết: Mỗi khi mỏ đá nổ mìn là cả khu vực rung lên, không biết tường sập, nhà đổ lúc nào.
Nhà anh Phạm Văn Toàn mới xây cạnh đó cũng xuất hiện những vết nứt trên tầng. Anh Toàn bức xúc: Mỏ đá hoạt động khiến đá văng rất nguy hiểm và gây rung lắc, rạn nứt, nguy cơ đổ tường, sập nhà. Người dân trong khu vực khẩn thiết đề nghị Nhà nước có biện pháp xử lý triệt để hoạt động của mỏ đá để các hộ có cuộc sống bình yên.
Bà Bùi Thị Lý, hộ dân nằm trong khu vực ảnh hưởng của mỏ đá cho biết: Mỏ đá này hoạt động từ nhiều năm và ngần đó thời gian người dân phải chịu khói bụi bao phủ do hoạt động nổ mìn, nghiền sàng. Nhiều người suýt mất mạng vì đá văng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh, cũng có cán bộ về kiểm tra, xác minh, song đến nay những hậu quả mỏ đá gây ra chưa được giải quyết.
Theo quan sát của phóng viên, mỏ đá Phát Đạt chỉ cách nhà của các hộ dân hơn 100 m. Có khoảng 30 hộ khu vực Lục Đồi, thị trấn Bo bị ảnh hưởng trực tiếp do dư chấn nổ mìn và khói bụi khi mỏ đá hoạt động. Đồng chí Vũ Hồng Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Bo cho biết: Chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân về hoạt động của mỏ đá ảnh hưởng đến cuộc sống. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần xuống kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động, xử lý vi phạm, song vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chính quyền cũng mong các cơ quan chức năng sớm rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định đối với hoạt động của mỏ đá để người dân có cuộc sống bình yên.
Đồng chí Bùi Duy Hưng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Kim Bôi cho biết: Tháng 10/2009, Công ty TNHH MTV Phát Đạt được cấp giấy phép khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Diện tích khu vực khai thác là 2 ha, trữ lượng đá vôi khai thác ở cấp 121 là 915.272 m3, thời hạn khai thác 30 năm. Trong quá trình hoạt động, mỏ đá từng bị xử lý do vi phạm về vị trí khai thác trong mỏ không đúng theo thiết kế, các công trình xử lý môi trường chưa đảm bảo quy định, việc nổ mìn khiến đá văng ra khu vực xung quanh gây thủng mái nhà dân… Phòng TN&MT đã nắm được thông tin về hoạt động của mỏ đá Phát Đạt gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân khu Lục Đồi, thị trấn Bo, hiện đang tham mưu cho chính quyền, phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh hoạt động của mỏ đá theo quy định.
P.V
(HBĐT) - Hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng; khách nội địa có nhu cầu đi nghỉ tại các khu, điểm du lịch nhiều. Mô hình nông dân làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) trong tỉnh trên đà phát triển. Số lượng, quy mô, chất lượng, phương thức hoạt động của các nhà nghỉ DLCĐ theo đó cũng tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có 170 nhà nghỉ DLCĐ, tập trung nhiều nhất ở huyện Mai Châu và một số huyện Đà Bắc, Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc.
(HBĐT) - Họ là những người quanh năm chỉ quen cầm liềm, cầm cuốc, cần mẫn canh tác trên thửa ruộng, mảnh nương. Khi Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), những nông dân thuần tuý, chất phác này đã trực tiếp tham gia vào hoạt động, tạo nên sự hấp dẫn, phong phú của sản phẩm du lịch, đồng thời mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo.
(HBĐT) - Tuần đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc đã vắng tanh "không một bóng người". Điện thoại được biết, toàn bộ 15 cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên đều đã "vào rừng". Theo sự chỉ dẫn, vượt hơn 50 km đường dốc quanh co đến xã vùng cao Trung Thành, chúng tôi có chuyến tuần rừng đầu tiên của năm Quý Mão 2023 cùng những người lính "gác rừng" bảo vệ màu xanh cho đại ngàn Đà Bắc.
(HBĐT) - So với mọi năm, năm nay, nhà Hàng A Bô ở xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò có cái Tết no ấm, đủ đầy hơn, bởi nhà Bô xuất bán hơn chục con lợn, lại được giá. Nhờ vậy, người già và bọn trẻ trong nhà có thêm bộ quần áo mới, bánh dầy cũng được làm nhiều hơn so với mọi năm... Trò chuyện, Hàng A Bô phấn khởi: Được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn, con giống, kỹ thuật, sau một thời gian triển khai mô hình chăn nuôi lợn bản địa, đàn lợn của gia đình đã phát triển lên hơn chục con. Tết vừa rồi bán đàn lợn đã mang về nguồn thu hàng chục triệu đồng.
(HBĐT) - "Đi về nhà tao ăn cái Tết, uống chén rượu ngô núi...”. Lời mời chân thành của Hờ A Sự ở xóm Thung Mặn, xã Hang Kia làm chúng tôi ái ngại, nửa muốn đi, nửa lại không. Muốn đi là bởi chỉ có những người bạn thật sự thân thiết người Mông mới mời về nhà uống chén rượu, ăn miếng bánh dày trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mông. Nhưng đường từ trung tâm xã về nhà Sự ở Thung Mặn bao năm qua vẫn luôn là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai chứ chẳng riêng gì chúng tôi... Như đọc được suy nghĩ, sau tràng cười sảng khoái, Hờ A Sự bảo: Chúng mày không phải sợ. Giờ đường về nhà tao gần lắm, không còn cheo leo ngược núi như mấy năm trước. Được Nhà nước làm cho con đường, giờ đi lại dễ dàng rồi, có đường cuộc sống của người dân trong bản cũng khá lên nhiều lắm...
(HBĐT) - Năm 2023, lần đầu tiên Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức quy mô cấp tỉnh quy tụ 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động cùng hội tụ tại huyện Tân Lạc. Ba ngày diễn ra lễ hội, thời tiết ủng hộ, nắng xuân trải khắp vùng đất cổ Mường Bi, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Các chương trình lễ hội được đầu tư, dàn dựng công phu đã trở thành niềm tự hào của người dân Mường nói riêng và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Lễ hội Khai hạ chính là nơi văn hóa dân tộc Mường được tỏa sáng.