Tác giả (bên phải) trò chuyện cùng với công nhân trong hầm khai thác mỏ than Đồi Hoa (Lạc Long - Lạc Thuỷ) ở độ sâu hơn 60m

Tác giả (bên phải) trò chuyện cùng với công nhân trong hầm khai thác mỏ than Đồi Hoa (Lạc Long - Lạc Thuỷ) ở độ sâu hơn 60m

(HBĐT) - Đem chuyện về chuyến xuống hầm khai thác than ở khu vực xóm Đồi xã Lỗ Sơn kể cho ông Lương Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Anh Vũ tại Hoà Bình. Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác hầm mỏ, nghe xong, người đàn ông thẳng tính này nói như mắng: Chú mày liều quá! Vào hầm lò khai thác than không phải là chuyện đơn giản và cũng không phải là những chuyến dạo chơi đơn thuần

 

Tôi là người... thợ lò

 

“Môi trường hầm lò là môi trường được quản lý rất nghiêm ngặt nên không phải ai cũng có thể được xuống hầm lò khai thác. Bất kỳ ai cũng vậy, kể cả chúng tôi trước khi xuống lò cũng phải được tập huấn về công tác an toàn lao động (ATLĐ). Ai đủ điều kiện thì mới được xuống làm việc, còn không thì tuyệt đối không thể cho xuống làm việc ở dưới lò. Mình phải đặt ra yêu cầu cao như vậy cũng là vì đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động (NLĐ). Không thể làm bừa được”, ông Lương Văn Chiến nhấn mạnh.

 

Là đơn vị tiếp nhận, đầu tư khai thác, kinh doanh tại mỏ than Đồi Hoa xã Lạc Long (Lạc Thuỷ) từ công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Hoà Bình sau khi xảy ra vụ nổ khí metan ngày 25/4/2005 làm 6 người chết. Do vậy, hơn ai hết ông Chiến rất thấm thía bài học xương máu này. Đi vào hoạt động khai thác, kinh doanh từ năm 2006 cho đến nay, bản thân Công ty cũng đã phải chịu một tổn thất lớn khi trong năm 2008 đã xảy ra một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 1 người. Ông Lương Văn Chiến cười buồn: Chỉ cần sơ xảy một chút là mất ATLĐ ngay. Mình mất người cũng là do bản thân NLĐ chủ quan khi xuống lò không thắt dây an toàn nên đã bị rơi từ trên miệng lò xuống. Nói gì thì nói, vấn đề ATLĐ trong khai thác hầm lò chẳng ai dám chắc 100%. Nhưng nếu chấp hành tốt các quy định về ATLĐ thì có thể giảm thiểu rủi ro, tai nạn xuống được đến mức thấp nhất. 

 

Với quan điểm đó, những năm qua, Ban Giám đốc Công ty TNHH Anh Vũ đã chú trọng tới việc đầu tư trang thiết bị bảo hộ cho NLĐ làm việc trong hầm lò cũng như NLĐ làm việc trong công ty. Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác ATLĐ theo định kỳ cho NLĐ. Kỹ sư Nguyễn Trọng Hội, người có hơn 30 năm kinh nghiệm công tác trong ngành than về “đầu quân” làm Trưởng phòng Kỹ thuật - Khai thác mỏ của Công ty TNHH Anh Vũ chia sẻ: Tính chất và điều kiện làm việc trong hầm mỏ được xếp vào hạng đặc biệt nguy hiểm do vậy yêu cầu về công tác bảo hộ, ATLĐ cũng hết sức nghiêm ngặt. Với bất kỳ ai trước khi xuống làm việc dưới hầm lò đều phải được tập huấn về ATLĐ trong thời gian 2 ngày. Chỉ có những người đã được tập huấn về ATLĐ  mới được làm việc trong Công trường khai thác hầm lò. Kể cả khách thăm quan muốn xuống hầm lò cũng phải được tập huấn ATLĐ và được sự đồng ý của quản đốc Công trường khai thác thì mới được vào. Bởi nếu hầm lò mà không đảm bảo an toàn thì khả năng xảy ra TNLĐ là rất lớn. Trong trường hợp có khí độc thì xuống dưới đó chỉ 1 đến 2 phút là chết. Chết vì ngạt khí còn nhanh hơn bị bóp cổ.

 

Nghe cũng thấy rờn rợn, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề xuất một lần được làm... thợ lò. Chẳng biết vì lý do gì mà khi nghe xong, ông Giám đốc Lương Văn Chiến nói như “vỗ”: Chú mày có bị mắc bệnh về... thần kinh không?! Như chạm vào lòng tự ái, tôi căng giọng cho rằng đó là một lời đề nghị nghiêm túc. Thấy ông Giám đốc có vẻ gật gù, tôi đã qua được “bài kiểm tra về tâm lý”. Tôi được  xuống thăm quan hầm khai thác với điều kiện: Phải trải qua khoá tập huấn ATLĐ. “Chú mày là trường hợp đặc biệt nên sẽ rút ngắn thời gian tập huấn từ 2 ngày xuống còn... 30 phút”, ông Chiến nói. Háo hức trở thành người thợ lò, chúng tôi bắt tay ngay vào đợt tập huấn ngay trên bàn làm việc của kỹ sư Nguyễn Trọng Hội. Ông đã giảng giải một cách khái quát nhất về những vấn đề liên quan đến công tác ATLĐ được đúc rút từ thực tiễn qua hàng chục năm công tác của những người thợ lò giàu kinh nghiệm. Đó cũng là nội quy khai thác than của Công ty trong những năm qua. Đến đây, tôi mới hiểu tại sao ông Lương Văn Chiến lại “mắng” khi mình đề xuất được xuống thăm quan hầm lò khai thác than. Bởi theo quy định của Công ty được ghi rất rõ: Ngoài việc phải được tập huấn về công tác ATLĐ thì những người xuống hầm lò phải đảm bảo tốt nhất về sức khoẻ; Những người có bệnh về thần kinh, phụ nữ, những người chưa đủ 18 tuổi không được làm việc trong hầm lò...

 

30 phút tập huấn về ATLĐ với tôi qua nhanh trong sự háo hức và phấn khích đến kỳ lạ. Bởi chỉ ít phút nữa thôi khi mặc trên người bộ quần áo bảo hộ, đội trên đầu chiếc mũ có chiếc đèn lò cá nhân. Lúc ấy, tôi chính thức trở thành một... thợ lò thực thụ. Được xuống đến vỉa than nằm sâu dưới lòng đất gần 100m, một “thế giới ngầm” ít có người ngoại đạo được đặt chân đến.                 

 

“Thế giới ngầm” và những điều ít biết

 

Nhìn miệng giếng lò thẳng đứng sâu hun hút và tối om tôi thầm nghĩ: nếu đây là con đường xuống âm phủ thì mặt đất nơi tôi đang đứng chính là thiên đường. Ở đây tôi có thể trải tầm mắt xa đến ngút ngàn. Chứ hướng nhìn không bị chặn lại bởi những vỉa than và bóng tối.

 

Thật không may, khi chúng tôi đến khu vực khai thác than thì ở đây đang mất điện. Tuy vậy, ông Chiến vẫn tự tin: Chúng tôi đã đầu tư hệ thống phát điện dự phòng. Để trong bất kỳ điều kiện nào cũng phải đảm bảo quạt thông gió chạy 24/24 giờ trong ngày. Đây chính là một cách để hạn chế rủi ro TNLĐ do ngạt và nổ khí. Thêm 20 phút đứng trên miệng lò chờ đợi những người công nhân bơm nước và thông khí, tôi cứ bồn chồn hết đứng rồi lại ngồi. Chẳng rõ mình đang có cảm giác gì nữa, sốt ruột, hồi hộp và len lỏi một chút hoang mang sợ hãi. Cho dù đã được tập huấn, nắm khá chắc về những nội quy ATLĐ nhưng tôi vẫn không thoát khỏi cái cảm giác bồn chồn lo lắng. Bởi lần này mới thực sự đối mặt với nguy hiểm của nghề than. Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Chiến trấn an: Lần đầu tiên xuống lò ai cũng như chú mày cả thôi! Cứ xuống đi rồi mới thấy nó không đáng sợ, cứ mạnh dạn lên. Không chỉ ông Giám đốc Lương Văn Chiến mà cả những công nhân vừa dưới lò lên mặt mũi còn lem nhem bụi than cũng chia sẻ với tôi - người sắp đi xuống “âm phủ”. Anh Bùi Văn Nhưng người xóm Tre xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) động viên: Anh cứ yên tâm, hầm lò khai thác đang có độ an toàn rất cao, sẽ không có gì bất trắc xảy ra đâu. Bọn em đã làm việc ở đây đã 4,5 năm nay rồi, ngày nào cũng làm việc 8 tiếng dưới giếng lò, có thế nào bọn em phải nắm rõ. Nhờ vậy mà tôi đã bình tâm trở lại. Vừa lúc ấy, chiếc kẻng sắt trên miệng giếng rung liên hồi. Kỹ sư Nguyễn Trọng Hội nói với cái giọng dứt khoát: Bây giờ có thể xuống được rồi. Nói xong, ông bước vào chiếc “thang máy” là thùng đựng than, thắt dây an toàn rồi từ từ được “thả” xuống miệng lò  sâu hun hút. Từ trên miệng giếng, cái dáng người nhỏ nhắn của người đàn ông cả đời gắn bó với nghề than dần nhỏ lại rồi mất hút trong bóng tối, chỉ còn thấy ánh sáng của chiếc đèn lò le lói.

 

Đến lượt tôi, cũng thao tác “dập khuôn” theo “thầy giáo” Hội. Khi chiếc “thang máy” chuyển động xuống theo chiều thẳng đứng, tôi còn kịp nhìn thấy nhiều người đứng xung quanh. Có lẽ đây là lần xuống lò của “một người thợ” ở mỏ than Đồi Hoa có nhiều người chứng kiến nhất từ trước đến giờ và có lẽ cũng có nhiều nụ cười nhất. Chiếc tời thả tôi xuống lò luôn giữ nguyên một tốc độ. Theo nhẩm đếm, phải hơn một phút tôi mới chạm tới đáy lò. Đón tôi, ngoài Kỹ sư Nguyễn Trọng Hội còn có một chàng trai trẻ. Nếu không có chiếc mũ lò, tôi đã nghĩ đây là... Diêm Vương hoặc Quỷ sứ gì đó. Bởi bụi than và sự thay đổi không gian đột ngột từ sáng sang tối đã làm tôi khó khăn lắm mới ra nhận khuôn mặt điển trai với nước da trắng như con gái của chàng trai trẻ này. Qua sự giới thiệu của Kỹ sư Hội, tôi được biết đây là người phụ trách lò, tên là Bùi Văn Mạnh, là người ở Thượng Cốc (Lạc Sơn). Theo Mạnh, chúng tôi đi theo một đường hầm ngang vào đến nơi những người công nhân đang làm việc. Mạnh bảo: Vị trí này so với miệng giếng đang ở độ âm 60m hoàn toàn không có không khí để thở. Nếu không được thông khí  thường xuyên thì đây sẽ là điểm “chết”. Mặc dù ở độ sâu âm 60m, nhưng do hệ thống thông khí làm việc tốt, những luồng khí mạnh liên tục được thổi xuống lò tạo môi trường làm việc khá lý tưởng cho công nhân làm việc. Không có cảm giác ngột ngạt, nóng bức khó chịu như những hầm than mà tôi đã từng vào.   

 

“Bình thường mỗi ca làm việc dưới lò không quá 4 tiếng và cứ mỗi 2 tiếng phải đổi người một lần. Hiện nay lò khai thác đã đi ngang được hơn 60m. Trước cũng có một ngách ngang khai thác than nhưng do không đảm bảo an toàn chúng tôi đã ngừng khai thác và cấm tuyệt đối không ai được vào đó. Anh em chúng tôi đã từng làm việc trong các hầm khai thác than ở nhiều nơi nhưng ít có nơi nào được trang bị bảo hộ lao động và quan tâm đến công tác ATLĐ như ở đây. Nếu thấy có dấu hiệu bất ổn dù là nhỏ nhất, chúng tôi sẽ không làm và cả lãnh đạo Công ty cũng không muốn chúng tôi xuống làm việc. Chỉ khi nào khắc phục xong và đảm bảo an toàn chúng tôi mới tiếp tục làm việc. Khác hẳn với trước đây, khi làm việc trong các hầm khai thác than ở Thượng Cốc. Khi đó, hàng ngày chúng tôi chỉ biết vào hầm đào than. Chứng kiến nhiều vụ tai nạn sập hầm, chết người đã có lúc, tôi nghĩ vào hầm rồi chẳng biết mình có còn quay ra được nữa không”, Mạnh cho biết. Trao đổi với tôi, Kỹ sư Nguyễn Trọng Hội cho rằng: Trong khai thác than mà cứ khoán trắng cho NLĐ thì nguy cơ xảy ra TNLĐ là rất cao. Bởi người ta chỉ chạy theo năng suất lao động chứ không chú ý đến công tác ATLĐ. Do vậy, TNLĐ xảy ra là điều tất yếu khó tránh khỏi.

 

Do điều kiện nên thời gian ở dưới lò của tôi không được nhiều. Nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó, tôi đã kịp cảm nhận và có sự trải nghiệm đầy thú vị và mê hoặc về cuộc sống ở “thế giới ngầm”. Không làm báo, biết đâu tôi lại có duyên với nghề thợ mỏ. Điều đấy có thê xảy ra lắm chứ. Theo con đường cũ, chiếc “thang máy” từ từ đưa tôi trở lại mặt đất. Những cơn gió rừng thổi lạnh, bộ quần áo bảo hộ mới tinh tôi đang mặc giờ đã lấm than bê bết không thể giữ ấm. Kể cũng lạ, cũng bộ quần áo này khi ở dưới lò, tôi chỉ có cảm giác như mình đang mặc chiếc áo phông giữa mùa hè lộng gió.

 

Trở về mặt đất, tôi cứ mông lung nghĩ đến những câu nói của Kỹ sư Nguyễn Trọng Hội khi ở dưới hầm. Có lẽ cũng vì chạy theo năng suất lao động mà người ta quên đi tính mạng của mình. TNLĐ thảm khốc ở chính nơi này cách đây 5 năm trở về trước làm 6 người chết; những TNLĐ nổ khí, sập hầm làm chết người ở mỏ than Lỗ Sơn hay như vụ nổ khí làm 3 người chết ở mỏ khai thác than Ngòi Hoa (Tân Lạc) đầu năm 2008; gần đây nhất là 2 vụ nổ khí metan vào thời điểm cuối năm 2009 và đầu năm 2010 đã làm 6 người chết ở mỏ than Cuối Hạ (Kim Bôi) là những minh chứng rõ nét nhất cho sự chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy định nghiêm ngặt về ATLĐ. Tôi chợt nghĩ: Không biết Bùi Văn Tiền và hàng trăm người đang làm việc trong điều kiện nguy hiểm thường trực trong các hầm khai thác than ở Lỗ Sơn (Tân Lạc), Cuối Hạ (Kim Bôi), Thượng Cốc (Lạc Sơn) có nghĩ mình đang “bán mạng” cho... than !?

 

 

                                                              Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục