Đoàn CB-PV Báo Hòa Bình dâng hương trước các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Đoàn CB-PV Báo Hòa Bình dâng hương trước các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

(HBĐT) - Trước một màu trắng mênh mông tưởng như vô tận của những tấm bia mộ giữa núi rừng Trường Sơn của hơn một vạn người con đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc. Nhưng trên nét mặt của mỗi cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình khi đứng trước những nấm mộ thanh xuân và trinh nguyên như những hạt giống tốt gieo vào tầng đất phù sa chưa kịp nảy mầm ấy vẫn không giấu nổi cảm xúc rưng rưng nghẹn ngào...

 

Bài 1 - Xa miền gió lạnh  

 

Tính ra, trong đoàn đi lần này, tôi là người có may mắn hơn cả khi đã có hơn một lần được vào viếng nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) Trường Sơn trên ngọn đồi Bến Tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Trên chuyến hành trình xuyên Việt của đoàn, đã không ít lần đồng chí Đinh Văn ổn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình nói: Chuyến đi này dù có dừng ở đâu, đến đâu nhưng nhất thiết phải đến dâng hương các anh hùng liệt sỹ tại NTLS Trường Sơn. Đây là một điểm đến quan trọng trong chuyến đi.

 

Nói về Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Trường Sơn, hiện vẫn còn không ít người vẫn luôn khắc khoải một ước mong là được đặt chân đến vùng đất lửa Quảng Trị để  thắp hương tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cách đây vừa tròn 35 năm về trước. NTLS Trường Sơn vẫn vậy, mênh mang một màu trắng trinh nguyên và màu xanh dịu dàng của phi lao, bồ đề và hàng chục loại hoa, cây rừng Trường Sơn như góp phần xoa dịu bớt những nỗi đau sâu thẳm trong tim thi thoảng vẫn còn cồn lên buốt nhói.

 

Chẳng biết có phải “duyên” trời hay được hưởng “phúc âm” của những người lính đã ngã xuống trên đường ra mặt trận trong suốt 16 năm trường kỳ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà lần nào đến với NTLS Trường Sơn, chúng tôi đều nhận được những điềm lành và cảm nhận được những điều kỳ lạ, mới mẻ ở nơi đây. Lần trước, chẳng hẹn mà như đã hẹn, tôi gặp chị Nguyễn Thị Bé là người đã có mặt và làm công tác chăm sóc các phần mộ liệt sỹ từ năm 1979. Chị là một trong số ít trong lớp người đầu tiên còn gắn bó với những người đồng đội tại nghĩa trang từ khi được vị tướng Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên là Tư lệnh đoàn 559 bàn giao về tỉnh Quảng Trị quản lý và chăm sóc sau một thời gian nằm dưới sự quản lý của Binh đoàn Trường Sơn, của những người lính trở về tri ân với đồng đội, với những người đã ngã xuống trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhưng chuyến đi này, thực sự là một sự trải nghiệm thú vị và lớn hơn cả đó là từ sâu thẳm trong tim  NTLS Trường Sơn đã trở thành một huyền thoại. Huyền thoại được viết nên bởi máu và nước mắt của một dân tộc yêu chuộng hòa bình như dân tộc Việt Nam mình.

 

Gặp chị Bé, tôi được chị kể nhiều câu chuyện về Trường Sơn và về NTLS Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn một vạn cán bộ, chiến sỹ. Đó cũng là hơn một vạn người con đã ngã xuống trong suốt chiều dài lịch sử gần 6.000 ngày gồng mình trước bọm đạn của kẻ thù, nhưng cả dân tộc Việt Nam đã đứng dậy đấu tranh để đi đến chiến thắng trong ngày 30/4 của 35 năm trước. Trong số hơn một vạn người con ưu tú của dân tộc ngã xuống vì chiến thắng có 85 người con của quê Mường vẫn còn nằm lại với đồng đội giữa Trường Sơn và còn có hàng nghìn người đã đóng góp xương máu, tuổi thanh xuân cho ngày vui đại thắng của dân tộc. Trong câu chuyện của mình, chị Bé xúc động: Ở NTLS Trường Sơn, dù các liệt sỹ ở miền quê nào thì ở đây chúng tôi vẫn luôn quan tâm chăm sóc các phần mộ. Đó là sự tri ân của chúng tôi - những người lính còn sống trở về sau cuộc chiến với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên đường hành quân. Tôi hiểu đó là tấm chân tình của người đồng chí, đồng đội của các anh sau khi trở về từ bom đạn chiến tranh. Ở nơi đó, giữa núi rừng Trường Sơn, trên ngọn đồi Bến Tắt, bên các anh vẫn luôn ấm tình đồng chí, đồng đội. Giữa màu trắng tưởng như vô tận, ký ức của một thời gian khó nhưng tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của một người lính khi xưa có lẽ giống như một cuốn phim quay chậm như làm cho ánh mắt của đồng chí Đồng Thế Hưng, Phó Tổng biên tập Báo Hòa Bình cứ rưng rưng, nghẹn ngào bên từng ngôi mộ, bên từng đồng chí, đồng đội. Cũng dễ hiểu khi tại sao người CCB này cứ lầm rầm tìm đọc từng dòng tên của 84 người con quê Mường được khắc trên bia đá đài tưởng niệm. Xót xa và tiếc nuối, anh nói với chúng tôi: Những người con của Hòa Bình khi ngã xuống còn trẻ quá, có người mới chỉ 18 tuổi. Nếu họ còn sống, chắc rằng họ sẽ tự hào về một thời binh lửa mà họ đã sống, chiến đấu và sẽ có nhiều đóng góp cho xây dựng quê hương, đất nước. 

 

Có một điều bất ngờ thú vị và cảm động ở NTTS Trường Sơn mà chúng tôi đã được chứng kiến là có những em nhỏ, cứ những ngày nghỉ đều đến để thắp hương trên các ngôi mộ liệt sỹ. Trong số đó có em mới chỉ 6 tuổi. Tất cả các em đều đến làm với tinh thần tự nguyện. Tôi đồ rằng, có ai đó vẫn còn nghi ngờ cho đây là cách mưu sinh của lũ trẻ ở vùng đất khô cằn nắng nóng. Nhưng hãy xem cách chúng thắp hương một cách thành kính mới thấy rằng, hành động đó xuất phát từ trái tim. Xin đừng nghĩ oan cho những trái tim chung một nhịp đập non nớt, bởi chúng đâu có hiểu chiến tranh là gì. Chúng đâu có nghĩ, hơn một vạn ngôi mộ liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là một phần của những đau thương, mất mát của chiến tranh. Trong số hơn chục đứa trẻ làm việc tự nguyện cao cả này, tôi để ý đến một cậu bé, chắc cũng chỉ cao hơn bia mộ liệt sỹ một chút mà đám bạn gọi là cu Tý. Cu Tý năm nay học lớp 1, nghĩa là mới chỉ 6 tuổi nhưng đã 3 năm nay thứ bảy, chủ nhật nào cũng theo các anh, các chị vào thắp hương cho các chú, các bác nằm lại giữa Trường Sơn. Trả lời rành rọt câu hỏi của tôi bằng chất giọng trúc trắc của người miền Trung gió lào, cát trắng, cu Tý bảo rằng: Để có tiền mua hương thì hàng ngày sau giờ đi học, cháu đi kiếm ve chai về bán lấy tiền để mua hương mang vào thắp cho các bác. Đứa trẻ nào chúng tôi gặp ở NTTS Trường Sơn dù còn lam lũ, khó nhọc nhưng chúng chẳng quản. Ngày cắp sách đến trường ê a con chữ, khi rời sách vở, chúng lại lao đi chắt bóp từng đồng lẻ để mua hương về thắp tại nghĩa trang Trường Sơn. Sau giờ học, đương nhiên NTLS Trường Sơn vẫn luôn là nơi chúng đến để chơi, đến để tỏ lòng tri ân với các anh hùng liệt sĩ và cảm nhận nỗi đau của chiến tranh mà chúng chỉ còn biết đến qua những trang sách. Hãy nghĩ, hơn một vạn nấm mộ trải rộng trên một khu vực gần 40ha, nếu đi bộ thì cũng mất cả buổi nhưng với những đứa trẻ thì chúng cứ cần mẫn như những con ong thợ sau mỗi buổi học lại vào thắp hương trên những nấm mộ trắng để thắp lên ngọn lửa yêu thương và chân tình. Nhìn về màu trắng trải dài bất tận, tôi chợt nghĩ những đứa trẻ này còn may mắn hơn tôi và hơn nhiều người bởi chúng luôn nghĩ việc thắp hương lên những nấm mộ là niềm tự hào. Và cứ ngày này qua tháng khác, những trái tim nhỏ bé ấy đã góp thêm ngọn lửa ấm áp sưởi ấm cho nơi mà tưởng chừng như chỉ có sự lạnh lẽo giữa núi rừng Trường Sơn. Nếu có hỏi chúng cũng chỉ ngơ ngác chẳng biết người nằm dưới mộ là ai.

                        

Bài 3 - Dọc đường chiến thắng

 

 

                                                                                   Mạnh Hùng

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục