Thiếu tướng Bùi Đình Phái, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh tưởng nhớ đồng đội giữa núi rừng Trường Sơn huyền thoại.

Thiếu tướng Bùi Đình Phái, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh tưởng nhớ đồng đội giữa núi rừng Trường Sơn huyền thoại.

(HBĐT) - Có lẽ đã rất lâu rồi tôi mới có cái cảm giác háo hức trước một chuyến đi. Háo hức đến kỳ lạ. Bởi cuộc hành trình về lại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn lần này tôi sẽ thực hiện lời hứa mà cách đây hơn 3 năm tôi đã tự nhủ nếu có dịp quay lại, nhất định sẽ mang theo một nắm đất quê hương gửi lại cho những người con của xứ Mường còn nằm lại giữa Trường Sơn...

 

Bài I: Trường Sơn - huyền thoại một con đường

Bài II: Huyền thoại tuổi 20

 

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...!?

 

“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im”.  Hoà Bình về trên quê hương đã được tròn 35 năm. Thời gian đủ để mọi nỗi đau lắng dịu. Nhưng có ai dám chắc sẽ không nghẹn lòng khi nghe câu hát đó. Đã có biết bao cuộc chia ly, bao cuộc tiễn đưa của những người mẹ, người vợ... Và có biết bao cuộc chia ly người đi không trở về. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? (Xưa nay khi ra chiến trận có mấy ai về), câu thơ cổ ấy chợt làm tôi thắt nghẹn.  

 

Trong suốt 20 năm trường chinh giành độc lập, tự do cho dân tộc đã có hàng vạn người con ngã xuống. Riêng trong 16 năm khai mở và phát triển con đường Trường Sơn huyền thoại đã có gần 20 nghìn người đã ngã xuống. Giờ đây vẫn còn không ít người nằm lại giữa ngút ngàn núi rừng Trường Sơn. Còn ở nơi cuộc chiến tranh diễn ra vô cùng khốc liệt như ở Quàng Trị, 35 năm sau cuộc chiến, người ta vẫn còn cảm thấy nhói đau khi trên dải đất này vẫn hoang hoải nỗi nhớ thương.

 

Anh Trần Hữu Hạnh, giảng viên môn tiếng Anh của Trường Trung cấp Y Quảng Trị tôi gặp ở giữa mênh mông bia mộ liệt sỹ ở Nghĩa trang Quốc gia đường 9 bảo: Không sinh ra trong chiến tranh nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được nỗi đau, sự tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát vô cùng lớn. Tính bình quân trong chiến tranh, mỗi người dân Quảng Trị phải “gánh” trên vai 7 tấn bom đạn. Tính tổng số bom đạn dội xuống Quảng Trị bằng sức công phá của 8 quả bom nguyên tử được thả xuống 2 thành phố của Nhật Bản. Khi nghe ai nói hoặc đọc những thông tin này tôi vẫn còn cảm thấy nổi da gà lên vì sợ. Còn anh Nguyễn Xuân Minh, Bí thư Đoàn DCĐ tỉnh Quảng Trị cũng không giấu được sự xúc động: Sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ là ở sự tàn phá khủng khiếp mà nó còn là những nỗi đau tột cùng. Chỉ cần nhìn vào số lượng những ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên mới thấy sự khủng khiếp này đến nhường nào.

 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngoài 2 nghĩa trang quốc gia quy tập hơn 20 nghìn ngôi mộ liệt sỹ thì trong số 10 huyện, thị, thành phố với 141 xã phường, thị trấn thì cũng có đến 72 nghĩa trang liệt sỹ. Nhưng vẫn còn Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng... Những người con đã về với đất mẹ, sống mãi ở tuổi thanh xuân, linh hồn, xương máu của những người con hi sinh cho quê hương đã hoà vào sông núi trở thành bất tử.  

 

Lần này trở lại Nghĩa trang Trường Sơn, tôi vẫn còn vẹn nguyên ký ức, cảm giác lần đầu đặt chân đến đây. Giữa một màu trắng mênh mang chừng như vô tận, từng tâm linh thanh xuân, trinh nguyên dội về nghe tha thiết đến nao lòng. Với 10.263 ngôi mộ, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn như một dấu lặng giữa đại ngàn xanh ngút. 10.263 ngôi mộ cũng là chừng ấy người con mãi mãi ở tuổi thanh xuân.     

 

Những linh hồn bất tử

 

Nghe gió hú Trường Sơn nghìn dặm/Tưởng quân đi rầm rập chiến trường” có lẽ cái cảm nhận đó không chỉ có ở cố Nhà thơ Tố Hữu khi ông đến viếng Nghĩa trang Trường Sơn, thắp nén tâm nhang cho những người còn nằm lại sau cuộc chiến. Mà điều đó dường như vẫn luôn hiển hiện trong tâm thức những người còn sống, những người đã đi qua cuộc chiến mỗi lần đến đây.

 

Đến Nghĩa trang Trường Sơn lần nào tôi cũng thấy Thiếu tướng Bùi Đình Phái, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, vị tướng con dân đất Mường cứ lặng người đi bên những bia mộ trắng, lần đọc từng dòng tên. Có người là bạn thủa thiếu thời khi còn chăn trâu cắt cỏ ở miền quê Địch Giáo (Tân Lạc) còn nằm lại đây giữa đồng đội, giữa núi rừng Trường Sơn. Giờ chỉ còn lại cái tên trên bia mộ trắng. Và tuổi thanh xuân của họ Với mười sáu năm trời thương nước/ Hai triền núi chúng mình xẻ dọc/Bây giờ còn đậm mỗi dòng tên.

 

Cùng với hàng nghìn đồng chí, đồng đội hy sinh trên con đường Trường Sơn huyền thoại, có 85 người con của xứ Mường Hoà Bình nằm lại ở nghĩa trang Trường Sơn giữa tiếng vi vút thông reo. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngay từ năm 2005 tỉnh đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng một đài tưởng niệm liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn. Và với tâm nguyện góp phần làm cho nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn trở thành một công trình tưởng niệm, đền ơn đáp nghĩa, một công trình văn hóa, tâm linh, một di tích lịch sử. Bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, được sự giúp đỡ của tỉnh Quảng Trị, BQL Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, vừa qua tỉnh ta đã tổ chức tu bổ tôn tạo mộ phần xây dựng đài tưởng niệm liệt sỹ tại khu mộ liệt sỹ của tỉnh tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Bao gồm các hạng mục sửa chữa mộ phần, xây dựng nhà bia ghi tên các liệt sỹ, mở rộng khuôn viên, xây tường bao… Đài tưởng niệm liệt sỹ với biểu trưng và nét văn hóa truyền thống đặc trưng, cái bản sắc riêng của quê hương Hoà Bình với công trình Thuỷ điện bên dáng núi, nếp nhà sàn gần gũi. Không giấu được sự xúc động, tại lễ khánh thành đài tưởng niệm, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CSNCC tỉnh nhấn mạnh: Việc tu bổ tôn tạo mộ phần các liệt sỹ của tỉnh tại nghĩa trang Trường Sơn là việc làm và tình cảm thiêng liêng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đồng thời để bày tỏ lòng tri ân và tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đối với những người con thân yêu đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.

 

Nghĩa trang Trường Sơn, ai đã một lần đến, thẳm sâu trong tâm thức sẽ đọng mãi những xúc cảm thiêng liêng, tha thiết trước hàng vạn ngôi mộ trắng xoá mênh mang, trải dài trên những vạt đồi tĩnh lặng. Nhưng trong đó vẫn luôn ẩn chứa một sự sống trường tồn của những linh hồn trinh nguyên bất tử. Chị Nguyễn Thị Bé, người quản trang có thâm niên lâu nhất trong số hơn 20 anh chị em trong Ban quản lý kể chị đã nhiều lần được thấy linh hồn các anh hùng liệt sỹ hiển linh. Trước đây cứ mỗi khi mình nằm xuống ngủ là lại nghe thấy tiếng bước chân như của những người còn sống, rồi họ gọi mình dậy giúp họ nổi lửa nấu cơm. Nhưng khi mở mắt lại chẳng thấy gì cả, chỉ giống như một giấc mơ. Nhưng khi nằm xuống nhắm mắt lại, tiếng bước chân hành quân cứ mỗi lúc một rõ, cứ trải dài mãi không hết. Nói về sự linh thiêng của nghĩa trang Trường Sơn, chị Bé cho biết thêm: Ở nghĩa trang Trường Sơn thì câu chuyện về cây Bồ Đề thiêng tự mọc đẹp kỳ lạ ở phía sau đài tưởng niệm và mạch nước ngầm tự phun rất mạnh không bao giờ cạn ở giữa vùng đất nắng lửa này là những sự tích mang tính huyền thoại, tạo nên sự bất tử của những con người, những linh hồn còn nằm lại nơi đây. Điều này cũng đã được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn khẳng định: Đây là những sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sỹ an nghỉ nơi đây ban tặng.     

 

Đến nghĩa trang Trường Sơn, dù không nói nhiều nhưng ai cũng hiểu, cũng cùng một tâm trạng, một ước nguyện về nghĩa tình và những tâm tưởng sâu xa. Trước vong linh của các liệt sỹ, tôi lại nhớ đến những sự chí tình đầy cảm kích của Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Xin chân thành biết ơn các chiến sỹ Trường Sơn vì sự nghiệp cách mạng cao cả của tổ quốc đã phải nằm xuống hoặc để lại một phần thân thể của mình, đã chịu đựng và vượt qua mọi gian lao để hoàn thành nhiệm vụ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Toàn Đảng và nhân dân không bao giờ quên ơn các đồng chí đã gắn với những thắng lợi trọn vẹn”.

 

                                                             Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục