Hướng về cội nguồn để tuổi trẻ có dịp khám phá những giá trị văn hoá - lịch sử tốt đẹp ẩn chứa đằng sau mỗi địa danh.

Hướng về cội nguồn để tuổi trẻ có dịp khám phá những giá trị văn hoá - lịch sử tốt đẹp ẩn chứa đằng sau mỗi địa danh.

(HBĐT) - Mỗi năm một lần vào Tháng Thanh niên, tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc lại có dịp gặp nhau để cùng tham gia chương trình “Hành trình về nguồn”. Năm nay, chương trình do Chi đoàn Báo Bắc Giang đăng cai tổ chức đã thực sự “hâm nóng” trái tim của hơn 100 nhà báo trẻ đến từ 12 cơ quan báo chí trong khu vực

 

Về nguồn để đong đầy nhiệt huyết

 

Đây là lần thứ năm liên tiếp báo Đảng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc tổ chức chương trình “Hành trình về nguồn”. Đơn vị đầu tiên đăng cai là Chi đoàn Báo Bắc Kạn (năm 2006), thu hút sự tham gia của 5 chi đoàn khác đến từ 5 tỉnh Việt Bắc (cũ) là Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Hà Giang. Hoạt động này sau đó nhận được sự hưởng ứng của 13 cơ quan báo Đảng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hoà Bình và Hà Nội Mới. Từ đó đến nay, chương trình được giữ gìn như một giá trị truyền thống tốt đẹp nhằm nối kết những người làm báo trẻ với nhau và sâu xa hơn, nhằm củng cố mối quan hệ tương hỗ thân thiết giữa các báo Đảng trong khu vực.

 

Với chất giọng thâm trầm và lối nói chuyện mộc mạc, có duyên, nhà báo Nguyễn Non Nước, nguyên Tổng Biên tập Báo Bắc Kạn kể lại: “Hành trình về nguồn” khởi phát đúng vào dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ thăm Tổng đội TNXP tại thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Tại đây, vào ngày 28/3/1951, Bác đã tặng lực lượng TNXP 4 câu thơ bất hủ: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Lời dạy của Bác qua hàng chục năm đã trở thành nguồn động viên lớn lao, đong đầy bầu  nhiệt huyết cho biết bao thế hệ trẻ.

 

Xuất phát từ ý nghĩa đó, hoạt động “Hành trình về nguồn” của tuổi trẻ báo Đảng khu vực trung du, miền núi phía Bắc được đều đặn tổ chức vào tháng 3 hàng năm nhằm thiết thực hoà vào bầu không khí sôi động của Tháng Thanh niên cả nước; đồng thời vượt qua khuôn khổ của một hoạt động thường niên để trở thành sân chơi truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc dành cho những người làm báo trẻ, giúp họ “hâm nóng” trái tim mình bằng những giá trị mới mẻ, tốt đẹp ẩn chứa đằng sau mỗi chuyến đi hướng về cội nguồn.  

 

Tạm gác sang một bên những bộn bề và toan tính, những trăn trở và ngại ngần trong cuộc sống mưu sinh thường nhật, trong ba ngày 15-17/3 vừa qua, những người làm báo trẻ tham gia chương trình “Hành trình về nguồn” tại Bắc Giang đã có khoảng thời gian quý báu để ngồi lại bên nhau, để cùng nhau tận hưởng những phút giây hội ngộ hoạt náo và thân thiện. Tại buổi tối giao lưu văn nghệ, niềm vui gặp gỡ đan quyện trong những cái bắt tay siết chặt, giòn giã hơn trong những tràng cười như pháo rang và rồi hào hứng cất lên theo tiếng hát của những người làm báo trẻ.

 

Lịch sử đã “hâm nóng” trái tim tôi!

 

Thật ý nghĩa khi hành trình lần này được tổ chức đúng vào dịp “đất cụ Đề” đang náo nức diễn ra Lễ hội Yên Thế, kỷ niệm 126 năm cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế (1884 – 1913) đã đi vào lịch sử với thế đứng hào sảng của vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Tại đây, các nhà báo trẻ đã hoà mình vào lễ hội truyền thống, cảm nhận hào khí ùa về trong tiếng trống hội tưng bừng và say sưa tác nghiệp khi niềm tự hào dân tộc đã đong đầy cả con tim lẫn khối óc. Trên sân khấu, người diễn viên trong vai Đề Thám sang sảng cất cao câu nói đã in đậm trong trang sử vẻ vang của dân tộc thời kỳ chống thực dân Pháp và giờ đây đang làm súc động tâm hồn hàng nghìn người con tham gia lễ hội: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng”.   

 

Tìm cho mình một góc riêng trong Nhà bảo tàng Khởi nghĩa Yên Thế để khám phá những khía cạnh khác của lịch sử, anh Hoàng Văn Phượng đến từ Báo Lạng Sơn như bị cuốn vào từng hiện vật trong bảo tàng. Lần đầu tiên tham gia “Hành trình về nguồn”, cũng là lần đầu tiên anh cảm nhận được sâu sắc thế nào là sức sống vĩnh hằng của những giá trị lịch sử. Nhìn anh chăm chú ngắm từng bức ảnh và dừng lại rất lâu bên những trang sách đã ố vàng, tôi chợt nhớ lời tâm sự rất chân tình của nhà báo Nguyễn Non Nước: “Lịch sử đã “hâm nóng” trái tim tôi, và tôi tin lịch sử sẽ tiếp tục “hâm nóng” trái tim những người làm báo trẻ khi các bạn tham gia “Hành trình về nguồn” một cách toàn tâm, toàn ý.

 

Rời Lễ hội trong lúc bầu nhiệt huyết đã được đong đầy, các nhà báo trẻ tiếp tục cuộc hành trình về xã Tam Tiến, huyện Yên Thế. Tại đây, đoàn đã trao 60 suất quà cho 30 gia đình chính sách, hộ nghèo và 30 trẻ em nghèo học giỏi của xã, hỗ trợ tiền xây nhà cho 1 gia đình chính sách có hàon cảnh khó khăn. Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, hoạt động an sinh vì cộng đồng luôn được chú trọng triển khai trong “Hành trình về nguồn”, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy và hun đúc trách nhiệm xã hội cho thế hệ những người làm báo trẻ. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn, là giá trị cốt lõi của cuộc hành trình hướng về nguồn cội.

 

Để thắt chặt mối thân tình và khiến cho cuộc gặp gỡ tháng Ba thêm trọn vẹn, các bạn đồng nghiệp Báo Bắc Giang tiếp tục đưa đoàn đến tham quan một số di tích văn hoá - lịch sử nổi bật của địa phương. Đầu tiên là Cây Dã hương nghìn năm tuổi (thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang)  từng được vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (nghĩa là cây Dã hương lớn nhất nước) và năm 1989 được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – thể thao và Du lịch) xếp vào Cụm Di tích Quốc gia, thuộc quần thể văn hoá cổ kính gồm: Chùa Phúc Quang, đình Thuận Hoà, đình Viễn Sơn. Sau đó, đoàn về thăm chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng)  được vinh danh là đất tổ của đạo Phật thời Trần, từng là trung tâm Phật giáo của cả nước, nơi in đậm dấu ấn của ba vị tổ Thiền phái Trúc lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Hít thật sâu hương hoa mộc lan thoang thoảng len vào không gian thanh tịnh và cổ kính, mỗi nhà báo trẻ dường như đang theo đuổi một đề tài riêng, hoặc đơn giản chỉ là buông mình tận hưởng giây phút thanh thản gần như tuyệt đối trong tâm hồn.

 

“Hành trình về nguồn” tại Bắc Giang khép lại bằng những cái bắt tay siết chặt. Vào dịp này năm sau, bàn tay sẽ lại siết chặt bàn tay, và nồng nàn hơn trong câu hát: Hà Giang mến yêu của tôi/ Có đường đi trên mây lên tới cổng trời…

 

Hẹn gặp lại "Hành trình về nguồn" tại tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc! 

 

 

                                                                           Thu Trang

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục