"Ở đâu cái thiện cũng có thể nảy mần nếu mình gieo những hạt giống tốt", Thu nói

(HBĐT) - Mãi cho đến tận bây giờ tôi mới hiểu tại sao và sức mạnh nào đã làm cho một cô gái có vẻ “yếu ớt” lại trở thành một người quản giáo đầy bản lĩnh và lòng nhân ái ở nơi mà đến các đồng nghiệp nam còn có cảm giác ái ngại khi bắt đầu một ngày làm việc. Có lẽ, không đơn thuần là trách nhiệm mà cao hơn đó là sự đồng cảm và trái tim nhân hậu của một cô gái mới ngoài 20 tuổi.

 

“Em đã từng sợ và rất sợ”

 

Dù đã nhiều lần vào công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh, nhưng chẳng mấy khi tôi gặp quản giáo là nữ. Hoạ hoằn lắm mới gặp một vài người làm ở bộ phận văn phòng. Nhưng lần này, chúng tôi được Ban Giám thị Trại tạm giam bố trí gặp Thượng sỹ Xa Thị Hoài Thu. Không quá ngạc nhiên, bởi chúng tôi hiểu đây chính là “của độc” trong đơn vị đặc biệt này. Nhận định đó không lầm khi chính cô cho biết: Ở phân trại quản chế, quản giáo chỉ có em duy nhất là nữ. Mà ở trong toàn đơn vị, cũng chẳng có mấy nữ. Đa phần các chị ấy làm ở bộ phận hành chính chứ không làm công tác quản lý phạm nhân.

 

Phân trại quản chế là đơn vị vất vả nhất Trại. Sức ép về công việc rất lớn, bởi đây là nơi giam giữ phạm nhân có mức án cao, những người phạm tội nguy hiểm cần phải cách ly hoàn toàn với xã hội. Nhưng không vì vậy mà Thu cảm thấy quá sức. Cô bảo: Đến bây giờ, có lẽ do đã quen với công việc ở đây rồi nên em cũng không còn cảm thấy có nhiều áp lực như trước nữa. Mặc dù việc quản lý con người là một công việc được coi là khó khăn nhất. Lại quản lý, giáo dục những người phạm tội càng khó khăn gấp bội.

 

Quả thực, ở Phân trại quản chế, không riêng Thượng sỹ Xa Thị Hoài Thu  mà hỏi về công việc, ai cũng lắc đầu, ngán ngẩm: Nếu nói về khó khăn, vất vả thì có lẽ không ở đâu như ở đây. Công việc khó khăn rủi ro suốt 24/24 giờ. Ngoài ra, đây còn là cái “kho chứa” các loại người xấu và các loại bệnh nguy hiểm ngoài xã hội. Nên lúc nào cũng phải căng mình ra để nghe ngóng, căng mình ra để đề phòng với những hành vi chống đối của phạm nhân. Nhưng điều đó cũng không kinh khủng bằng cái cảm giác mỗi lần cánh cửa phòng giam được mở. Tôi còn nhớ có lần được nghe Thượng tá Va, nguyên là phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh kể về những khó khăn, vất vả của anh em cán bộ quản giáo cũng có nhắc đến chuyện này. Anh kể: Đến bây giờ dù đã chuyển sang nhiệm vụ mới, không còn làm việc ở Trại tạm giam gần chục năm nay nhưng mỗi lần có dịp trở lại, xuống buồng giam phạm nhân mình vẫn còn cái cảm giác ngài ngại như xưa. Trong cái không gian bó hẹp chỉ khoảng 20m2 gần như lúc nào cũng nêm chật người. Không khí như bị dồn, nén lại để khi cánh cửa buồng giam mở ra có cảm giác như một luồng khí đẩy mình sững lại.

 

Tôi chưa từng được cảm nhận cái cảm giác đó. Những khó khăn vất vả của CBCS ở đây là có thật. Nhưng với Thu thì: Em không sự khó khăn, vất vả. Nhưng trước đây em rất sợ tù nhân. Lúc mới về nhận công tác, mới chỉ nhìn thấy bóng áo tù em cũng đã bủn rủn hết cả chân tay rồi hoang mang, không hiểu công việc của mình sẽ làm những gì. Nỗi sợ cùng sự hoang mang chới với của một cô gái vừa chân ướt chân ráo bước ra khỏi giảng đường đã làm cô khóc ròng 3 ngày liền. Được sự động viên của người thân, các anh, các chú trong đơn vị, Thu đã lấy được sự cân bằng. Dù vậy, ngày đầu tiên làm việc tại phân trại quản chế là ngày đáng nhớ nhất. Đã hơn 2 năm nhưng Thu vẫn cảm giác như mới hôm qua. Thu cười ngượng: Dù đã lên tinh thần rất cao, lúc nào cũng tự nhủ đừng sợ, không được sợ nhưng chẳng hiểu sao em vẫn run bắn lên. Vừa thấy bóng áo phạm nhân em gần như chết sững. Chùm chìa khoá phòng giam trên tay rơi xuống từ lúc nào cũng chẳng biết. Em chỉ hoàn hồn và nhận thức mình đang ở đâu khi có một phạm nhân nhặt chùm chìa khoá đang tung tãi dưới chân và hỏi “cán bộ bị làm sao vậy?”. Có lẽ, đấy là lần đầu tiên và chắc cũng là lần duy nhất em có cái giảm giác sợ hãi đến như vậy. Bây giờ thì quen rồi, phải làm quen và thích nghi thôi anh ạ. Nếu không thì mình sẽ chẳng bao giờ hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Nói xong cô cười xoà, một nụ cười vô tư, hồn nhiên và trong sáng. Tôi thầm nghĩ, nụ cười này chắc hẳn đã mang đến niềm vui cho nhiều người. Trong đó có không ít phạm nhân đang chấp án tại đây.         

 

“Ở đâu, cái thiện cũng có thể nảy mầm”

 

Sinh năm 1986, năm nay Thu vừa bước sang tuổi 24. Có nghĩa là cô còn rất trẻ. Nhưng không ít đồng nghiệp đã công nhận cô là người bản lĩnh và trái tim nhân hậu hiếm thấy. Người ta bảo: Nếu thường xuyên đứng trước sự xù xì, gai góc thì trái tim con người ta cũng dần trở nên gai góc và chai cứng. Nhưng Thu lại không vậy. Cô không để cái xù xì, cái gai góc và sự chai lạnh làm cho “biến dạng” tâm hồn. Trong cô vẫn luôn tràn đầy một bầu nhiệt huyết, một tấm lòng bao dung và độ lượng. Điều đó vẫn luôn có trong công việc hàng ngày của cô. “Trong việc quản lý phạm nhân, nếu mình cứ áp các quy định, nội quy của trại thì mình hoàn toàn yên tâm là sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng ở đây là giáo dục, phòng ngừa để phạm nhân nhận ra lỗi lầm và thực tâm sám hối,  hướng thiện thì cần phải có cả cái tình nữa anh ạ! Làm được điều này, có nghĩa là mình đã mở cho họ một lối về tươi sáng”, Thu chia sẻ. Thực tâm với mong muốn trên, Thu đã làm được nhiều hơn người ta tưởng, bằng sự chân tình, cởi mở và cả sự gần gũi thường xuyên, cô đã tạo sự đồng cảm khơi dậy và thổi bùng khát khao hướng thiện cho những tâm hồn mà trước nay vốn chai sạn với thù hận và tội ác. Như trường hợp của phạm nhân Đỗ Thị Lan ở Phường Phương Lâm bị bắt và kết án 4 năm về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý. Là một đối tượng khá đặc biệt bởi thị đã có tiền án về tội danh trên. Do cuộc đời vốn bươn trải lèo lách ở phía mặt trái xã hội, nên tính cách cũng ngang tàng, ương bướng. Dù đã vào trại nhưng tính cách đó vẫn không thay đổi. Thích nói thì nói, thích làm thì làm và luôn có ý định trốn trại. Nhưng sau những tâm tình, trò chuyện như một người em gái, Thu đã dần làm cho Lan bớt xù xì, bớt gai góc để nhận ra lỗi lầm và cố gắng cải tạo tốt, sửa chữa lỗi lầm. Hoặc như trường hợp của Nguyễn Thị Yến ở Bắc Ninh cũng vậy. Bị bắt quả tang khi đang trên đường vận chuyển 2 bánh Heroin về Hà Nội, xác định mức án cao nên khi mới vào Yến rất gan lỳ và thường xuyên gây sự, cãi vã với bạn tù. Nhưng bằng sự chân thành, trái tim nhân hậu, cô quản giáo trẻ Xa Thị Hoài Thu đã dần cảm hoá được Nguyễn Thị Yến. “Mình phải động viên họ và tạo cho họ một niềm tin vào cuộc sống. Nếu cuộc sống mà mất đi niềm tin và hi vọng thì có lẽ người ta không bao giờ gượng dậy được sau những vấp ngã”, Thu cười hiền. Chính suy nghĩ đó, đã mang đến niềm vui cho một người đang sống từng ngày để đợi đến cái chết như tử tù Hà Thị Vân Anh. Thu kể: Vân Anh xinh lắm, từ trước đến giờ em chưa thấy phạm nhân nữ nào xinh như cô ấy. Nhưng tiếc là cô ấy lại là một tử tù vì tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý với số lượng lớn. Trước đây, Vân Anh cũng là một người khó gần, lúc nào cũng chỉ im lặng và tuyệt vọng. Nhưng với Thu thì “nữ quái” Vân Anh đã mở lòng. “Cuộc đời và con đường phạm tội của nữ tử tù xinh đẹp này cứ làm em day dứt mãi. Giá như họ bằng lòng với cuộc sống thì đâu phải chịu cảnh tù tội như ngày hôm nay”, Thu trải lòng. Với Thu, Vân Anh là một tử tù đặc biệt nhất, cô cảm thấy gần gũi nhất. Ngày nào đi làm, không ghé qua chô Vân Anh cô cảm thấy nhớ. Từ khi về làm ở đây, năm nào cũng vậy đến ngày sinh nhật Vân Anh, cô đều mua quà tặng. Dù chỉ là món quà nhỏ, nhưng nó đã trở thành động lực, niềm tin, khát khao sống cho một người đang từng ngày đối mặt với cái chết. Ngày sinh nhật của Thu Vân Anh cũng luôn tặng Thu một bài hát như một món đầy ý nghĩa. Nói về tử tù Vân Anh, khuôn mặt Thu rạng ngời: Mừng quá anh ạ! Ngày 19/11/2009 vừa rồi, Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân xá và giảm án cho Vân Anh từ án tử hình xuống án chung thân.

 

Cuộc đời vốn có những cái kết cục có hậu cho người có niềm tin hướng thiện. Và chính cô Thượng sỹ có nụ cười rất duyên đã gieo niềm tin hướng thiện cho những con người lầm lỗi. “Ở đâu cái thiện cũng có thể nảy mầm nếu mình gieo những hạt giống tốt”, Thu nói rồi cười.

 

                                                                                         Mạnh Hùng  

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục