Di tích lịch sử quốc gia Động Thác Bờ - điểm đến hấp dẫn và thu vị của du khách trong hành trình khám phá hồ Hoà Bình.

Di tích lịch sử quốc gia Động Thác Bờ - điểm đến hấp dẫn và thu vị của du khách trong hành trình khám phá hồ Hoà Bình.

(HBĐT) - Du lịch vùng hồ Hoà Bình - một trong các khu du lịch trọng điểm quốc gia được xác định với vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch của vùng, bước đầu đã xuất hiện những tín hiệu vui khi các dự án đầu tư phát triển du lịch bắt đầu được triển khai, đưa “thương hiệu” du lịch hồ Hoà Bình đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

 

Nhạy cảm trong quản lý – khó khăn trong đầu tư

 

Quần thể ghềnh Thác Bờ vốn đã rất nổi tiếng về sự linh thiêng kết hợp với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình của lòng hồ Hoà Bình đã tạo thành một tiềm năng du lịch vô cùng quí giá. Nhưng hiện nay, phát triển du lịch đền Thác Bờ đang vấp phải một số vấn đề nhạy cảm trong công việc quản lý cũng như khó khăn, hạn chế trong đầu tư. Cả hai đền Thác Bờ thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc và xã Thung Nai, huyện Cao Phong đều được xây dựng trên diện tích đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Hoàng Hữu Tới và gia đình ông Quách Công Nhật và do hai ông này trực tiếp làm chủ nhang, quản lý.

 

Theo Quyết định số 223/QĐUB, ngày 02/05/1994 của UBND tỉnh đã đưa khu di tích Đền Thác Bờ thuộc xã Thung Nai vào danh sách những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh được bảo vệ. Ngày 20/01/1999, UBND huyện Kỳ Sơn đã ra Quyết định số 19/QĐUB-VHTT về việc thành lập Ban quản lý Đền Bờ xã Thung Nai, huyện Kỳ Sơn. Quyết định giao cho ông Quách Công Nhật là trưởng ban, ông Bùi Văn Dùng, Phó Chủ tịch UB MTTQ xã là phó ban, 4 thành viên còn lại là đại diện các ban, ngành của xã. Quyết định ghi rõ: “Ban quản lý có nhiệm vụ quản lý bảo vệ di tích Đền Thác Bờ dưới sự chỉ đạo của UBND xã Thung Nai. Giao UBND xã Thung Nai tổ chức chỉ đạo BQL theo qui định của pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế những điều khoản ghi trong Quyết định đã không được thực thi nghiêm túc.

 

Nếu như ông Hoàng Hữu Tới, chủ nhang của Đền Thác Bờ xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc đã có sự phối hợp, giúp đỡ tích cực để ngành VH-TT-DL mà cụ thể là Bảo tàng Hoà Bình tiến hành việc lập hồ sơ di tích để Đền Thác Bờ sớm được xếp loại di tích lịch sử cấp tỉnh và đang tiếp tục làm hồ sơ trình lên Bộ Văn hoá - Thể thao và Ddu lịch để xin công nhận cấp Quốc gia, thì Đền Thác Bờ thuộc xã Thung Nai, huyện Cao Phong vẫn đang chỉ dừng lại ở giai đoạn lập hồ sơ trình cấp tỉnh với nhiều vướng mắc chủ quan. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quang Huy, Phó phòng VH-TT&DL huyện Cao Phong cho biết: “Đền Thác Bờ là tiềm năng du lịch duy nhất và lớn nhất của huyện Cao Phong, nhưng vẫn chỉ là do gia đình ông Nhật quản lý. Đền chưa hoàn thiện được hồ sơ di tích, giá trị của Đền chưa được các cơ quan Nhà nước công nhận là điều vô cùng đáng tiếc và có ảnh hưởng không nhỏ đến việc quảng bá cho di tích”. Hiện nay, hai đền vẫn do hai ông quản lý và mỗi đền đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 30 – 40 triệu đồng/năm.

 

Ngoài việc nhạy cảm trong quản lý thì việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đền Thác Bờ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kinh phí. Ông Hoàng Hữu Tới, chủ nhang Đền Thác Bờ khẳng định: Ông sẵn sàng hợp tác, phối hợp với chính quyền huyện Đà Bắc trong việc mở rộng khuôn viên đền, xây dựng đền mới. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng VH-TT huyện Đà Bắc cho biết: “Tại khu vực Đền Thác Bờ, huyện đã chuẩn bị sẵn hai khu đất là khu đất thuộc Trạm thuỷ văn cũ để phục vụ cho việc xây mới Đền, các công trình phục vụ hoạt động của Đền. Dự kiến, sau khi xây dựng sẽ chuyển bia Lê Lợi từ Bảo tàng Hoà Bình về đây. Nhưng khó khăn lớn nhất đặt ra là chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng”. 

 

Thực tế hiện nay cho thấy, việc quản lý Đền Thác Bờ ở cấp độ “đền gia đình” đã bộc lộ nhiều hạn chế như qui mô đền chưa được mở rộng để có thể kịp thời đón tiếp lượng khách đổ về ngày càng tăng, trong đền còn tồn tại các hoạt động mang tính mê tín dị đoan….dẫn đến lượng khách có dấu hiệu sụt giảm. Một tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được quản lý, đầu tư tương xứng và đang có những dấu hiệu dần mất đi chỗ đứng trong lòng du khách là thực tế vô cùng đáng tiếc đang diễn ra tại Đền Thác Bờ!

 

Những tín hiệu vui đầu tiên của du lịch lòng hồ Hoà Bình

 

Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống của người dân đang ngày càng được nâng cao, nhu cầu tâm linh ngày càng phát triển thì du lịch văn hoá tâm linh đầu xuân cũng ngày càng được nhiều người lựa chọn. Điều này thể hiện qua sự đông đúc, quá tải của các điểm du lịch văn hoá tâm linh khắp trên cả nước trong những ngày đầu xuân. Từ đó, ngoài những địa điểm văn hoá tâm linh cổ truyền thống thì đã có nhiều địa điểm văn hoá tâm linh được xây dựng, mở rộng, cơi nới. Ngay trên địa bàn tỉnh, Hoà Bình Phật Quang tự tuy chưa mới đang ở giai đoạn đầu tiên của việc xây dựng nhưng đã thu hút hàng ngàn lượt người đến hành hương lễ Phật trong những ngày đầu xuân. Như vậy, có thể thấy du lịch văn hoá tâm linh có một sức hút đặc biệt đối với người dân Hoà Bình nói riêng và cả nước nói chung. Và đầu tư vào du lịch văn hoá tâm linh là một hướng đầu tư mới và mang lại hiệu quả cao.

 

Du khách thập phương đến với Lễ hội Đền Bờ năm Canh Dần sẽ có ấn tượng tốt đẹp ban đầu ngay tại bến cảng Thung Nai. Hợp tác xã vận tải du lịch Thung Nai được thành lập đầu năm 2010 là kết quả sau cái “bắt tay” phối hợp của Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Hoà Bình và chính quyền xã Thung Nai. Hợp tác xã được thành lập với các hoạt động cụ thể như: Quản lý, vận hành cảng Thung Nai; tập hợp các hội viên là chủ thuyền để phân công, sắp xếp, quản lý khách… Ngay khi Hợp tác xã đi vào hoạt động, tình trạng chèo kéo, “lơ khách” tại bến cảng Thung Nai hoàn toàn biến mất. Thuyền bè ra vào bến an toàn, thuận lợi và trật tự theo sự sắp xếp, điều hành của HTX, an ninh trật tự bến bãi được đảm bảo. Hệ thống nhà chờ khang trang với sức chứa trên 200 người và bãi đỗ xe hơn 1.000m2, cùng hệ thống cầu cảng kiên cố, đường đi lên xuống bến được xây dựng theo tiêu chuẩn đã tạo cho du khách cảm giác vô cùng yên tâm và thoải mái khi bắt đầu hành trình du lịch lòng hồ từ bến cảng Thung Nai.

 

Tại quần thể Đền Thác Bờ, Động Thác Bờ có thể coi là một trong những di tích đang được quản lý, bảo vệ và có hướng đầu tư phát triển du lịch hợp lý nhất. Ban quản lý Động Thác Bờ được thành lập năm 2001, do ông Hồ Xuân Trữ làm trưởng ban và đại diện các ban, ngành, đoàn thể của xã là thành viên đã nhanh chóng đi vào hoạt động có hiệu quả. Hồ sơ di tích khẩn trương được hoàn thiện, ngày 03/08/2007, di tích Động Thác Bờ của xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc đã vinh dự được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Hoạt động quảng bá cho di tích được chú trọng như đầu năm 2010 xây dựng tập san “Một số hình ảnh của Động Thác Bờ” với nội dung hấp dẫn, hình ảnh sắc nét về giá trị của Động Thác Bờ để gửi tặng du khách. Cùng với việc quảng bá thì hoạt động bảo tồn, giữ gìn động cũng được Ban quản lý hết sức chú trọng. Toàn bộ những truyền tích quí giá ở tầng một của động được giữ lại nguyên vẹn. Hệ thống điện, đường đi trong động được xây dựng hợp lý, kiên cố phục vụ du khách. Hướng bảo vệ, trùng tu và đầu tư hợp lý của Ban quản lý Động Thác Bờ đã góp phần khẳng định, bảo vệ và nâng tầm cho di tích. Và góp phần thiết thực vào việc xây dựng vùng lòng hồ Hòa Bình trở thành vùng phát triển du lịch trọng điểm quốc gia.

 

Từ Động Thác Bờ, đi thuyền ngược theo lòng hồ khoảng 15 phút về phía Sơn La, quý khách sẽ được đến với Đảo Sung (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) nơi dự án “Khu du lịch thiên nhiên hoang dã Robison” do Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hồ Sông Đà làm chủ đầu tư, đang bắt đầu được triển khai. Khu du lịch sinh thái dự kiến được xây dựng trên diện tích 50 ha và bảo tồn trông coi 83 ha. Dự án sẽ có tổng số vốn đầu tư dự kiến là 3 triệu USD (khoảng 53 tỷ đồng) bao gồm các hạng mục: Khu vui chơi giải trí, khu lưu trú, khu ẩm thực, khu thể thao, công viên nuôi động vật hoang dã… Sau khi khai trương đón khách du lịch, dự kiến khu du lịch sẽ có doanh thu hàng năm từ 15 – 20 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước từ 1 – 1,5 tỷ đồng. Khu du lịch sẽ giải quyết việc làm cho 110 lao động địa phương trực tiếp làm việc trong khu du lịch và tạo việc làm cho khoảng 207 lao động gián tiếp ngoài xã hội phục vụ du lịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương.

 

Theo đánh giá của ông Thái Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch đầu tư Hồ Sông Đà thì hồ Hòa Bình có tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên tương đối phong phú với nhiều bản làng có văn hoá đặc trưng của các dân tộc như Mường, Dao…, hai bên hồ có cảnh quan đẹp, có Vịnh ngòi Hoa thích hợp khai thác loại hình vui chơi giải trí dưới nước, hai bên hồ có nhiều hang động đẹp... Cơ sở hạ tầng tương đối tốt khi đã có cảng du lịch Thung Nai, đường nhựa nối từ TP Hòa Bình đến Cảng Thung Nai, hệ thống thông tin liên lạc thuận lợi, lượng khách du lịch đến Hoà Bình tăng trưởng đều qua các năm nên nếu có phương án kinh doanh tốt thì việc khai thác du lịch vùng lòng hồ là hoàn toàn khả thi. Nếu các nhà đầu tư đầu tư nhiều vào hồ Hòa Bình chắc chắn trong tương lai vùng hồ sẽ là một điểm nhấn về du lịch của địa phương.

 

                                                                                Dương Liễu

                                                                             

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục