Một trong những ngôi nhà sàn cổ đang được khách hàng lựa chọn tại xã Tân Pheo, huyện Đà Bằc

Một trong những ngôi nhà sàn cổ đang được khách hàng lựa chọn tại xã Tân Pheo, huyện Đà Bằc

Bài I: Nhà sàn - Sản phẩm văn hoá và thực tế “giã bản”

(HBĐT) - Nhà sàn được coi là một trong những nét đẹp truyền thống của người Mường tỉnh ta. Nó đã gắn bó bao đời và chứng kiến nhiều sự đổi thay của quê hương. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhà sàn của người dân tộc Mường, Thái, Tày đã và đang “giã bản” về xuôi. Nhiều làng bản số nhà sàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…

 

 

Nhà sàn, sản phẩm văn hóa của người Mường, Thái, Tày

      

Cố dành cho mình một góc nhỏ không gian để dựng nên ngôi nhà sàn trên phố; cố giữ cho chiêng cổ có không gian trưng bầy theo đúng nghĩa; cố giữ cho giá trị văn hoá truyền thống của quê hương, dân tộc không bị phai nhạt, ông Ông Bùi Tiến Xô (quê gốc Mường Vang, đang được biết đến là người sưu tầm, biểu diễn và cảm nhận âm nhạc cồng chiêng, âm nhạc dân tộc tiêu biểu) ở thôn 168, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi đã quyết tâm dựng lại ngôi nhà sàn truyền thống trước sự phản đối của các thành viên trong gia đình. Ông nói: “Chiêng cổ phải được treo ở không gian nhà sàn mới “ thiêng”. Là người Mường, phải biết giữ lấy nếp nhà, giữ lấy “nếp chiêng”, giữ lấy bản sắc dân tộc!” 

    

Câu chuyện của ông Xô hay nhiều người con quê Mường dù đi đâu cũng muốn lưu giữ lại nếp nhà sàn truyền thống. Tôi lại nhớ đến những cuốn sách đã đọc, những câu chuyện người già kể và cũng ngẫm rất nhiều về “sự tích” ra đời của ngôi nhà sàn Mường. Trong truyền thuyết mang tính chất sử thi thần thoại, diễn xướng trong các bài mo “Đẻ Đất, Đẻ Nước” …. con rùa đã giúp ông Đá Cần (đại diện cho người Mường cổ) làm nhà và trong nhiều lĩnh vực lao động, xây dựng cuộc sống… từ đó con cháu người Mường yên ổn làm ăn, phát triển cho tới ngày nay. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nghệ sỹ sáng tác trong loại hình nghệ thuật như: hội họa, thơ, văn, nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh đều khai thác hình ảnh ngôi nhà sàn với đặc trưng văn hóa gắn với cuộc sống độc đáo của dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc anh em Thái, Tày nói chung.

 

Sản phầm văn hóa - ngôi nhà sàn là sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Ngôi nhà ấy là nơi che chở, nuôi dưỡng và phát triển cộng động Mường. “Một cảm giác thú vị: trên các con đường vào xóm, nhìn lên phía chân núi, ẩn hiện trong làn cây xanh, những mái nhà sàn trông tựa như những cánh chim khổng lồ đang bay liệng … Một làng Mường, nhiều ngôi nhà sàn nhìn tựa như một đàn chim đang tung cánh. Thoáng vậy thôi đã gợi cho ta sức sống của cộng động. Sẽ thiếu hụt nếu thiếu những mái nhà như những cánh chim đang bay liệng ấy… Và phía chân núi ấy, không phải là những mái nhà sàn mà là những mái nhà đất thì sẽ không có được sự hài hòa mà chỉ gây cảm giác thật vụn vặt. Ngôi nhà sàn đặt trong một khung cảnh trữ tình, trong vườn xum xuê cây trái, không khí trong trẻo bốn mùa. Ngôi nhà sàn còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng…" Đó không chỉ là cảm nhận của tác giả Đặng Văn Tư về ngôi nhà sàn Mường trong cuốn “Người Mường ở Hòa Bình” mà bất cứ ai đã một lần được nhìn ngắm, được bước lên bậc thang, được ngả lưng trên sàn nhà trong những buổi trưa hè sẽ đều cảm nhận được điều đó!

   

Thực tế về nhà sàn “giã bản”!

    

Theo một người bạn ở Hà Nội về các xã vùng cao của huyện Đà Bắc để tìm mua nhà sàn, tôi mới giật mình vì thực trạng bán nhà sàn ở đây đang rất “nóng”. Từ trung tâm thị trấn ngược về các xã chỉ khoảng 20km, chúng tôi đã nhận thấy rõ nhu cầu bán nhà của nhiều người dân. Chỉ cần dừng xe hỏi thăm là chúng tôi đã có ngay một danh sách những nhà muốn bán. Nhà sàn đủ loại, nhà cổ, nhà mới, nhà 1 tầng, 2 tầng, hay nhà cột vuông, cột tròn… Muốn xem loại nào chúng tôi cũng sẽ được đáp ứng ngay.

     

Công việc đầu tiên là chúng tôi tìm người dẫn đường, tư vấn để chọn nhà. Công việc này không khó chút nào, chỉ cần ngồi vào các quán nước hoặc những khu nhiều nhà sàn mới dựng ở ven đường là dẽ dàng tìm được người dẫn đường ngay (Những ngôi nhà này cũng được dựng lên để chờ được giá là bán). Những người này rất “am hiểu” về nhà sàn, cách lựa chọn, các thủ tục mua bán, vận chuyển rồi tháo lắp… nói chung là từ “A đến Z” rất nhanh gọn mà công cán với họ lại không thành vấn đề, “tùy tâm” khách mua đưa họ bao nhiêu tiền cũng được. Theo những người chỉ đường này thì muốn mua được nhà sàn “chuẩn” phải chịu khó đi xa một chút, đến các xã như Giáp Đắt, Mường Chiềng, Đồng Nghê… ở những vùng này thường có nhà to, gỗ tốt, giá cũng “mềm” hơn. 

     

Một trong những người dẫn đường ở xã Tân Pheo cho biết: Từ đầu năm đến nay đã dẫn khách tìm nhà, không dưới 30 chiếc đã “giã bản”. Ông cũng giới thiệu và đưa chúng tôi đi xem rất nhiều nhà có nhu cầu bán. Nhà đẹp từ 100 - 500 trăm triệu đồng hay nhà bình thường 30 - 40 triệu đều có cả. Đến mỗi ngôi nhà, ông  còn “giới thiệu” hoàn cảnh gia đình và lý do cần bán nhà của họ rất chi tiết. 

      

Những người mua nhà ngoài việc tìm được ngôi nhà ưng ý thì việc lo thủ tục, giấy tờ, vận chuyển và tháo lắp cũng là những việc được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc này cũng lại được thu xếp nhanh gọn. Chủ nhà chỉ cần xin xã cấp giấy phép bán nhà với lý do nhà xuống cấp là có thể bán. Vậy là các thủ tục bán nhà sàn càng nhanh gọn bao nhiêu, nguy cơ nhà sàn "giã bản" càng nhiều bấy nhiêu.

      

Để nâng cao giá trị nhà sàn ở khu vực huyện Đà Bắc, người hướng dẫn cho chúng tôi còn phân tích “thị trường” nhà sàn của toàn tỉnh như một chuyên gia: “Chỉ có Đà Bắc chất lượng nhà còn phong phú và giá cả phải chăng”. Chúng tôi cũng đi đến nhiều xã của huyện Kim Bôi, Cao Phong, Lạc Thủy, Yên Thủy...  nhà sàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.  Một số vùng còn giữ được nhà sàn nhiều như Bản Lác, Pom Coọng (huyện Mai Châu), Bản Giang Mỗ (Bình Thanh - Cao Phong) hay các xã vùng cao của huyện Lạc Sơn, Tân Lạc lại là những điểm du lịch, những khu dân cư đang được bảo tồn.

 

Bài II: Lưu giữ giá trị của nhà sàn

 

 

                                                                                      Hồng Duyên

 

Các tin khác

Cây cà phê phát triển trên vùng cao Lạc Sơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Lương nuôi nhím, lợn rừng cho thu nhập cao.
Cụ Nguyễn Văn Hậu, lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBHC tỉnh giở trang hồi kí, ôn lại kỷ niệm về những ngày khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Gia đình ông Bùi Văn Hiện có tới 3 đời chăm sóc chùa Khánh và Khu di tích cách mạng

Người thương binh làm theo lời Bác

(HBĐT) - Hơn 4 năm chiến đấu tại mặt trận miền Tây Nam Bộ, 3 lần bị thương vào chân, cột sống, đầu với thương tật 65%, nhưng thương binh Nguyễn Văn Tún ở xóm Dụ, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) đã vươn lên làm giàu chính đáng đạt thu nhập 110 triệu đồng/năm. “Có được thành quả đó là do lúc nào tôi cũng thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ - thương binh tàn nhưng không phế.” – ông Tún tâm sự.

Tìm lại ký ức sông Đà

(HBĐT) - Không rõ tại sao người Pháp lại dùng cụm từ sông Đen để chỉ sông Đà. Nhưng đó cũng không phải là điều quan trọng. Bởi có gọi như thế nào thì sông Đà vẫn là một dòng sông kỳ vĩ, mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực như một dũng sỹ giữa núi rừng miền Tây Bắc hoang sơ và bí ẩn.

Nơi cột mốc đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển

(HBĐT) - Qua cuộc trao đổi học tập kinh nghiệm hoạt động của BCH Hội Nhà Báo tỉnh ta với Hội Nhà Báo Hải Phòng mà chúng tôi được hiểu thêm về một địa danh mà tiếng tăm đã vượt qua biên giới quốc gia: Cảng quân sự bí mật K15- nơi xuất phát của những con “Tàu không số” thời chống Mỹ.

Mở lối cho những nẻo đường thiện

(HBĐT) - Thị trấn Cao Phong chỉ nhỏ hẹp qua vài khúc cua trên quốc lộ 6. Nhưng có thời điểm, số người nghiện ở đây lên đến 25 người. “Người nghiện gia tăng đột biến đã làm cho tình hình ANTT, TTATXH của địa phương trở nên phức tạp...”, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ phòng chống TNXH thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong Dương Đức Định cho biết.

Hạnh phúc khi trở về là chính mình!

(HBĐT) - “Dòng chảy đen” rồi “cơn lốc trắng” quét qua những vùng quê nghèo lam lũ ở huyện Lạc Sơn đã để lại sau nó nỗi đau tột cùng cho nhiều gia đình nông thôn. Giờ đây, những người một thời lầm đường lạc lối đang tìm lại cuộc sống mới của mình trong tình yêu thương của gia đình và cộng đồng.

Ngư phủ bến Lanh

(HBĐT) - Mới bước vào tuổi 25, thế nhưng suốt dải từ bến Lanh thuộc xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc đến những nơi dân cư trù phú, đông đúc ai cũng biết đến Xa Văn Đức, một ngư phủ có cái “đầu” và cái “tâm” với sông nước trên hồ Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục