(HBĐ) - Ngày 14/6/2019, Quốc hội thông qua Luật Thi hành án hình sự với nhiều thay đổi lớn trong công tác thi hành án. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Xin giới thiệu những điểm mới cơ bản được luật quy định:
1. Phạm nhân được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm:
Điều 27 của Luật Thi hành án hình sự bổ sung các nhóm quyền của phạm nhân, như: Được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu; được bảo đảm hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; được lao động, học tập, học nghề; được gặp, liên lạc với thân nhân, tiếp xúc lãnh sự; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; được yêu cầu trả tự do khi có quyết định trả tự do của người có thẩm quyền; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được hưởng chế độ, chính sách nếu thuộc đối tượng được hưởng...
2. Về việc tiếp nhận người chấp hành án phạt tù:
Điều 28 quy định như sau: Khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, trại giam, trại tạm giam… phải tiếp nhận người chấp hành án phạt tù. Khi tiếp nhận, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin, khám sức khỏe cho người chấp hành hình phạt tù.
Đặc biệt, phải kiểm tra cơ thể của người chấp hành hình phạt tù để xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam. Việc kiểm tra thân thể nam giới do cán bộ nam thực hiện, thân thể nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và phải kiểm tra tại nơi kín đáo.
3. Có 8 đối tượng được giam giữ riêng:
Điều 30 về việc giam giữ phạm nhân quy định có 8 đối tượng có thể được giam giữ riêng, bao gồm: Phạm nhân nữ; phạm nhân là người dưới 18 tuổi; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào nhà giam; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính.
4. Về xếp loại chấp hành án phạt tù:
Luật bổ sung Điều 35 quy định về việc phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, 1 năm dựa trên căn cứ việc thực hiện kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua, nội quy cơ sở giam giữ.
5. Người được tạm đình chỉ vì lý do bị bệnh nặng hoặc có dấu hiệu bị bệnh tâm thần phải trưng cầu giám định y khoa:
Tại Điều 37 về thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có quy định về thi hành quyết định tạm đình chỉ. Trong đó, quy định người được tạm đình chỉ có dấu hiệu nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức sẽ được đề nghị trưng cầu giám định pháp y tâm thần: Nếu đã phục hồi sức khỏe thì đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ; nếu chưa phục hồi thì người đó tiếp tục được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; nếu bị xác định là mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì được đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc.
6. Tái hòa nhập cộng đồng:
Luật bổ sung Điều 45 quy định về tái hòa nhập cộng đồng. Trại giam, Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù có thời hạn có điều kiện. Nội dung tái hòa nhập gồm: tư vấn tâm lý; định hướng nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí.
7. Phạm nhân được nhận tiền qua đường bưu điện:
Tại Khoản 4, Điều 52 quy định phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi vào không quá 2 lần trong 1 tháng bằng đường bưu chính. Trước đây, phạm nhân chỉ được nhận quà là tiền khi được gặp trực tiếp thân nhân. Trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận, bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm. Riêng đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quản lý, và không được sử dụng tiền mà chỉ sử dụng sổ lưu ký để mua lương thực, thực phẩm và các hàng hóa khác.
8. Về bổ sung quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện:
Trên cơ sở quy định của Điều 66, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật bổ sung Mục 3, Chương III, gồm 16 điều, từ Điều 57 đến Điều 72 quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện.
9. Người bị án treo có thể được rút hết thời hạn thử thách:
Tại Điều 89 quy định chi tiết về việc rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo. Theo đó, tại khoản 3 quy định trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo, có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này thì Tòa án có thể rút hết thời gian thử thách còn lại.
10. Quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại:
Luật dành toàn bộ Chương XI, gồm 12 điều quy định thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Quy định mới này nhằm thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, khi nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của mình và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh.
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)
(HBĐT) - Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC) của công dân nhằm góp phần ổn định tình hình ANCT - TTATXH tại cơ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
(HBĐT) - Theo Cục Thi hành án dân sự, 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thi hành án dân sự đã thụ lý 3.571 việc, giảm 41 việc, tương đương 1,14% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số cũ chuyển sang 806 việc, số thụ lý mới 2.765 việc, giảm 97 việc so với cùng kỳ năm 2018. Số việc ủy thác là 39 việc, số việc phải thi hành 3.532 việc.
(HBĐT) - Thực hiện đợt cao điểm hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma tuý năm 2019 và Phương án số 1078/PA-C41-C47 của Bộ Công an, trong tháng 6, lực lượng chức năng Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã phát hiện, bắt 35 vụ, 39 đối tượng phạm tội về ma tuý. Thu giữ 8 bánh và 57,5 gr heroin, 2.658 viên và 10,88 kg ma tuý tổng hợp cùng nhiều tang vật có liên quan.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã xác lập nhiều chuyên án đấu tranh, triệt phá 150 vụ, bắt 575 đối tượng phạm tội đánh bạc. Thu giữ tổng số tiền 922,37 triệu đồng. Trong đó, cơ quan chức năng đã hoàn thiện hồ sơ xử lý hình sự 33 vụ với 217 đối tượng; xử lý hành chính 117 vụ với 358 đối tượng.
(HBĐT) - "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng mà cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực thực hiện trong thời gian qua. Thông qua tuyên truyền, phổ biến góp phần nâng cao tư tưởng, nhận thức và kiến thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, giúp người dân yên tâm sinh sống, lao động và sản xuất” - đồng chí Xa Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (Đà Bắc) khẳng định.
(HBĐT) - Ông Nguyễn Văn Hải (Đà Bắc) hỏi:
Đề nghị cho biết pháp luật quy định việc gửi giữ di chúc như thế nào?