Lực lượng vũ trang huyện Yên Thủy đóng góp ngày công xây dựng nhà tình nghĩa tại xã Phú Lai.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Bùi Đình Phái, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm của thời kỳ đầu mới nhập ngũ. Ông kể: Năm 1970 lúc nhập ngũ, tôi mới 16 tuổi. Được biên chế huấn luyện tại Sư đoàn 320 tại Yên Trị (Yên Thủy). Sau 4 tháng huấn luyện cấp tốc, chúng tôi được bổ sung cho chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Thời kỳ huấn luyện tân binh là một trong những thời kỳ đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp, được các bố, các mế, anh chị em người địa phương yêu thương, đùm bọc, quý mến như anh em một nhà. Nhiều gia đình có nhà to nhường cả cho bộ đội ăn nghỉ, sinh hoạt. Có những nhà đón cả bộ đội về ở cùng. Đó cũng là thời kỳ vừa huấn luyện vừa nghe tin chiến thắng nên tinh thần anh em, bà con sôi nổi lắm. Ai cũng hăm hở muốn lên đường ra mặt trận ngay để lập công, giết giặc. Ban ngày bộ đội huấn luyện trên thao trường, tối về quây quần với gia đình bà con.
Không chỉ có Thiếu tướng Bùi Đình Phái mà trong giai đoạn sôi sục khí thế chiến đấu đó, còn có nhiều người con ưu tú của đất Mường đã được huấn luyện ở vùng đất Yên Thủy, rồi từ đây, từng đoàn quân đã vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu như đồng chí Hoàng Việt Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Bùi Tuấn Hải, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ. Thời kỳ ấy, những tân binh về Yên Thủy huấn luyện đều được người dân ở Đoàn Kết, Yên Trị, Phú Lai yêu thương, đùm bọc, chở che.
Với vị trí là địa bàn an toàn, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như tích cực tham gia kháng chiến. Bắt đầu từ năm 1965, các xã trong toàn huyện đã tổ chức tiếp nhận đơn vị quân đội về đóng quân và tổ chức huấn luyện. Theo đồng chí Bùi Văn Thập, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trị, từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều địa phương trong toàn huyện đã tổ chức tiếp đón, bố trí các đơn vị quân đội về đóng quân và tổ chức huấn luyện tân binh. Trong đó, xã Yên Trị đã đón 1 tiểu đoàn bộ đội đóng quân, huấn luyện tân binh. Thời kỳ này, do chưa xây dựng được lán trại nên bộ đội đã về ở cùng với dân. Các tân binh huấn luyện 3 tháng, 6 tháng rồi lên đường vào Nam chiến đấu. Đồng chí Bùi Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết chia sẻ: Thời kỳ cao điểm nhất là vào những năm 1970 - 1972, khi đó xã đã tổ chức tiếp đón 8 đợt bộ đội về huấn luyện. Mỗi đợt về hàng nghìn người, mỗi nhà cũng có đến cả tiểu đội ở cùng. Thời kỳ này, bộ đội với gia đình như người một nhà. Bộ đội về đây đều được các gia đình coi như con, cháu.
"Nghe các cụ kể lại, sau mỗi đợt kết thúc huấn luyện, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng lần nào cũng vậy, trước khi lên đường vào Nam chiến đấu các gia đình có bộ đội ở cùng làm bữa cơm chia tay. Cũng chẳng có gì nhiều, chỉ là cải thiện hơn so với bình thường, ấy thế mà bịn rịn, tình cảm lắm. Chẳng vậy mà cho đến nay, thỉnh thoảng vẫn có người trở về tìm đến những gia đình đã từng nuôi dưỡng, đùm bọc trong thời kỳ đầu huấn luyện tân binh” - đồng chí Bùi Văn Thập, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trị chia sẻ thêm.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Yên Thủy đã đóng góp, cung cấp 3.793 tấn lương thực, 1.149 tấn thực phẩm, 672 tấn đậu tương, 379 tấn lạc và 575 tấn thuốc lá; đào đắp 18.812 hầm, hố cá nhân cùng với 80.795 m giao thông hào phòng tránh máy bay; huy động 634.000 ngày công phục vụ nhu cầu quốc phòng.
Phát huy truyền thống anh hùng, thời gian qua quân và dân huyện Yên Thủy đã không ngừng thi đua lao động sản xuất. Đưa mức thu nhập bình quân của huyện đạt 38,24 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 11%. Yên Thủy trở thành một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; hình thành vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng lên.
Mạnh Hùng