(HBĐT) - Hè năm thứ nhất, khi biết tin cha sẽ có chuyến đưa hàng ngược sông ở phía thượng nguồn, tôi đã nằng nặc đòi theo. Không chối nhưng cũng chẳng hẳn đồng ý, cha tôi thủng thẳng: Có mang vác được đồ đạc của mình thì hẵng đi. Cũng trèo đèo, lội suối đó… Không dễ đi đâu. Còn mẹ tôi, một mẫu phụ nữ ít giao du, cằn nhằn giao nhiệm vụ cho cha: "Anh làm thế nào cũng phải thu dóc nợ đi. Mấy triệu đồng… hàng tháng nay rồi… Để ngân hàng là đẻ lãi ròng đó”. Kèm theo đó có tiếng thở dài... Mắt mẹ buồn nhìn đi chỗ khác…


Cũng nhiều năm rồi, nhà tôi duy trì một lúc mấy việc: mẹ làm ruộng, bán đại lý tại thị trấn, còn cha thỉnh thoảng đưa hàng lên vùng thượng nguồn. Đủ thứ. Toàn nhu yếu phẩm. Không đi định kỳ, chỉ lúc nào cha muốn đổi gió thì cha đi. Biết tính vậy, nên khi biết tuần này cha sẽ ngược sông, mẹ lại đi gom hàng, đóng gói, thuê thuyền để cha giong thuyền… Cha làm nghề nông, nhưng lại có chất nghệ sĩ. Cũng đàn ca, sáo nhị và có chút duyên viết lách, nên thỉnh thoảng lại thấy bảo có nhuận bút vì có thơ, tản văn đăng ở một tờ báo nào đó… Những hôm đó, cha vui lắm. Uống rượu và cười rõ tươi. Chưa bao giờ cha to tiếng với mẹ (dù mẹ cũng hơi nhiều ý kiến quý báu), nhưng luôn nghiêm khắc chuyện học hành của 3 anh em chúng tôi. Có lần cha rầu rầu: Ôi ngày ấy, nhà mình mà có kinh tế khá, chắc ông bà cho cha đi học đại học đấy… 

Ngày hè nên chuyến ngược sông lần đầu đúng là thật tuyệt. Gió mát, nước trong, núi non xanh ngắt, điệp trùng. Có đêm, thuyền đậu bến, cha đem sáo trúc ra thổi, khiến cả vùng sông nước như sóng sánh, chuyển động. Ngày thứ 3, cha con tôi tới bến Thời. Khác mọi lần, cha đích thân vác mấy thùng hàng lên. Qua con dốc khá dài là tới một ngôi nhà gỗ nhỏ hướng mặt về lòng sông.

- Cô Hơn à, cô Hơn… Cha cất tiếng. 
Một người phụ nữ tầm 40 tuổi, khuôn mặt tròn, phúc hậu chạy ra đón, mừng rỡ. Phía sau lấp ló một cậu bé tầm 8 tuổi. Nó cũng chạy ra xà vào lòng cha tôi như đã thân quen lâu lắm rồi. Nó liến thoắng:
- Bác mua được hết bộ  "Tý quậy" cho cháu không?

- Đây… đây… Cha tôi rối rít đưa cho nó bọc truyện và một bọc quần áo mới. Tôi nhìn mà bối rối, ngỡ ngàng. Sao "họ” lại thân thiết đến vậy. Phải chăng mấy triệu đồng tiền hàng bị "ách” lại ở đây?
Để cho cha và cô Hơn phân hàng, giao hàng, ký sổ, nó chạy đi lấy nước và chủ động bắt chuyện với tôi:
- Em là Tùng. Học lớp 3. Anh là thứ mấy con bác?

Lúc này, tôi mới để ý: một thằng bé dễ thương, thông minh. Khá béo, chỉ tội da hơi đen. Tóc thì dày, chắc lâu lâu chưa cắt tỉa. Theo như nó nói: chưa lần nào xuôi phố huyện chơi. Nghe nói dưới đó có nhiều trò chơi và hy vọng một lần được xuôi thuyền xuống. Nó cũng kể, may đã kéo được điện nên dạo này được xem hoạt hình và phim thoải mái. Nó còn bảo lớn lên, nó cố gắng học hành, kiếm tiền để đưa mẹ đi chơi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nghe nói biển cũng có nước của dòng sông này hợp về. Nước biển thì xanh mà mặn, sao nước sông đây lại ngọt và mát lành. Rõ là một cậu bé "mọt sách báo”, phía chái nhà có đến mấy chồng sách cũ. Nó bảo, ngày nghỉ, nó hay đi loanh quanh các xóm để xin sách, báo cũ để đọc. Nó hỏi: dưới đó có cả "siêu thị sách” cơ à? Tôi cũng vui lây và hứa: hè sau, anh sẽ lên đưa em xuống thị trấn chơi và dong thẳng lên thị xã tỉnh lỵ. Vì nhà anh không xa thị xã mấy… Thị xã đẹp lộng lẫy đèn hoa, sẽ đưa em đi mua đồ dùng học tập và sách truyện trong khu mua bán nhé. Tha hồ mà chọn… Nhìn ánh mắt ngời sáng của nó mà tôi cũng thấy hào hứng… Mất vài tiếng ở nhà chú nhóc mà tôi lại thấy nhanh quá thể. Lúc xuôi dốc, cha đăm chiêu nhìn ra dòng nước:

- Cuộc sống ở đây họ khó khăn và vất vả hơn dưới mình nhiều. Đấy con xem, đống sách, báo của thằng bé kia có cái nào là mới đâu. Đồ đạc họ dùng đều từ hàng cũ, đã mòn… Bố biết, làm ăn mà dễ trắc ẩn là khó giàu… Nhưng biết làm sao…

Nghe cha nói thì cô Hơn trước là công nhân lâm trường, sau về quê bám vào vùng sông nước này để làm ăn, kiêm thêm cả nghề thuốc nam. Cách đây vài năm, trong chuyến đưa hàng lên vùng này, sau một trận rượu trong bản, cha bị trúng gió và nằm bất động trên đường xuống bến. Phúc đức thế nào, mẹ con cô Hơn từ trong bản đi ra bắt gặp. Đường rừng vắng, không biết gọi ai, người đàn bà quên hết ngại ngần cõng người đàn ông lạ mặt 70 kg là cha tôi vào nhà. Còn thằng bé, lúc đó chỉ 5-6 tuổi, cầm bó đuốc đùng đùng cháy, chạy tìm ông bác họ cách đấy nửa cây số. Ơn giời gặp thầy, gặp thuốc, cha dần tỉnh. Người ấm dần. Khi trời sáng, ông ngạc nhiên thấy mình nằm trong chiếc giường xa lạ và đắp chiếc chăn thổ cẩm to sụ. Ông bác họ của cháu bé cất tiếng:

- Anh bị cảm hàn… Em gái tôi sợ mang tiếng có đàn ông lạ trong nhà nên cho thằng Tùng gọi tôi đến. Cũng là để đánh gió, bóp thuốc cho tiện nữa…
Cha ái ngại những vẫn phải nằm đó hơn một ngày thì chia tay gia đình cô Hơn. Đúng là "một ngày nên nghĩa”, vì thế, lần nào lên đây cha cũng đến thăm và có chút quà cho gia đình. Việc cha chưa lấy được tiền hàng lần trước, chính là muốn giúp mẹ con cô Hơn có chút vốn để mở quán hàng tạp hóa lưng chừng dốc và kéo được điện về nhà. Cha tôi nhìn sang tôi và hỏi: Con thấy cha làm thế có điều gì không ổn không? Mặc dù cô Hơn nằng nặc đòi thanh toán gọn luôn, nhưng bố biết, cô phải đi vay họ hàng…

Cha tôi đã âm thầm làm điều đó vì ân nghĩa, chỉ tội là lần đó, số tiền đưa cho mẹ thâm hụt khiến mẹ cáu, càu nhàu. Tôi nhìn ra ngoài sông đang dềnh nước và nhìn cha đang nằm ngủ ngon lành mà chợt thấy điều gì đó rất ấm áp, thiêng liêng. Ngoài tình cha con, vợ chồng… còn những tình cảm giữa con người - con người tự nhiên vẫn hiện hữu đâu đó trong cuộc đời. Ngày mai, cha con tôi xuôi dòng.

Truyện ngắn Bùi Văn

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục