(HBĐT) - Mọi thủ tục di chuyển hài cốt liệt sỹ đã hoàn tất ở Phòng LĐ-TB&XH huyện từ chiều hôm qua, sáng nay, anh em Ẻo có mặt tại nghĩa trang liệt sỹ từ rất sớm. Mặt trời lên đến đỉnh núi Chư Prông mới thấy 2 người thanh niên vai vác cuốc xẻng lững thững bước đến. Ông quản trang xem qua giấy tờ rồi ngồi xuống châm điếu thuốc rê phì phèo. Ẻo sốt ruột:          



  - Này bác! Anh em chúng tôi dự kiến tối mai về đến nhà, bác đôn đốc họ làm nhanh cho với.

          Hết một điếu thuốc, ông quản trang ngước lên nhìn anh bằng ánh mắt vô cảm, tay vân vê một điếu thuốc khác đưa lên miệng liếm một vệt, hai ngón tay vuốt đi vuốt lại cẩn thận rồi châm lửa, đợi đến khi làn khói trắng phả ra, ông ta thủng thẳng:

          - Việc này không vội được đâu.

          Ẻo ngồi xổm cạnh ông quản trang tỉ tê:

          - Nếu tiền thuê theo quy định hơi ít, chúng tôi sẽ bồi dưỡng thêm cho mỗi người 200 ngàn nữa được không ạ?

          Ông quản trang lắc đầu nhìn đi chỗ khác.

          - Thế thì mỗi người bao nhiêu, bác mới cho làm?

          Cái đầu ông quản trang vẫn lắc chầm chậm.

          Ẻo vội đi tìm bác Thái và lái xe, 3 người bàn bạc một lúc đành quyết chi thêm 900 nghìn đồng nữa. Vẫn nhận được những cái lắc đầu của ông quản trang, không thể chịu được nữa, ông Thái xăm xăm bước ra:

          - Chúng tôi chiến đấu hy sinh xương máu để bảo vệ mảnh đất này, giờ các anh không những không tạo điều kiện... Để tôi gọi điện cho ông Ban, Chủ tịch huyện ra đây xem các anh có làm không?

          - Ông Ban nghỉ hưu rồi - Ông quản trang thủng thẳng - Mà anh vừa nói cái gì? Anh đã từng chiến đấu ở đây à?

          Ông Thái nhìn kỹ ông quản trang, ngẩn ra một lúc rồi thốt lên:

          - Có phải anh là Sắng, Xa Văn Sắng, người Đà Bắc đúng không?

          - Đúng rồi. Còn anh là... ?

          Ông Thái mắt sáng lên:

          - Tôi là Thái C7 đây.

          Ngày trước, ông Thái có nghe tin vợ chồng Sắng đã bỏ nhau, rồi anh ta chuyển vào Tây Nguyên sinh sống, cứ tưởng là ở trong Đắk Lắk, hóa ra... Ông Sắng đứng dậy, ném mẩu thuốc lá xuống đất, giọng sôi nổi hẳn lên:

          - Nhớ rồi, nhớ rồi. Thôi về nhà tôi uống rượu đã.

          Nhà ông Sắng nép bên sườn đồi cạnh con suối nhỏ, bà H'ben vợ ông đang quét sân, con trai và con dâu đi lên rẫy chưa về. Khi mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm, can rượu ngon mang từ ngoài Bắc được dốc ra một chiếc bát tô. Sau vài ba lần cạch chén, ông Sắng bắt đầu câu chuyện hồi chiến tranh. Lúc đó, quân ta tập trung lực lượng chuẩn bị tấn công căn cứ địch đóng ở phía tây đường 14, cửa ngõ vào thị xã Pleiku, toàn bộ Tiểu đoàn 3 và Đại đội 2 của Tiểu đoàn 1 đóng quân trong rừng. Đêm hôm ấy, mấy cậu bên trung đội trinh sát đi điều nghiên nắm tình hình địch trở về, loạng quạng thế nào một cha dẫm sập đường ống dẫn khói bếp lò. Sáng hôm sau, anh nuôi nhóm bếp, khói từ chỗ ống vỡ bốc lên, đúng lúc thằng OV10 bay qua, thấy nó không bay trở lại tưởng nó không phát hiện ra. Tối đến, Đại đội 7 đang điểm danh và quán triệt phương án chiến đấu, bỗng máy bay B52 gầm rú trên bầu trời, nhiều loạt bom thả trúng đội hình, những tiếng nổ chát chúa rung chuyển lòng đất. Anh em vội tản ra các hầm trú ẩn, có nhiều tiếng kêu la, thậm chí sau tiếng bom nổ nắp hầm và xác người bị hất tung lên không trung.

          Khi loạt bom thứ tư kết thúc, bầu trời tối đen như mực, sự im lặng chết chóc đến ghê rợn. Những người còn sống gọi nhau í ới, ánh đèn pin loang loáng đi tìm xác đồng đội. Sáng hôm sau, kiểm tra lại quân số, anh Huy đại đội trưởng báo cáo lên tiểu đoàn: Đại đội 7 hy sinh 9 đồng chí, nhưng chỉ có 3 đồng chí còn nguyên xác. Anh Huy ra lệnh chia các bộ phận cơ thể tìm kiếm được gói vào 6 túi ni lông ghi rõ danh tính từng người, rồi đem chôn cất cẩn thận. Kể đến đây, ông Sắng trầm ngâm:

          - Trong 3 thằng còn nguyên xác có Bùi Văn Nhượng, Tiểu đội 2, trong 6 người không còn... có Éo, Tiểu đội 1, mà tôi nhớ là mộ không có phần đầu, các bộ phận khác chưa chắc là của Éo.

          Mọi người lặng im, Ẻo như thấy có một tảng đá đè lên ngực, thi thoảng lại có tiếng cạch chén rượu rồi dốc mạnh vào miệng. Ông Sắng còn kể thêm về trận đánh sau đó mấy ngày, ông bị thương bò lết đến bên bờ suối, ngất đi. Khi tỉnh lại thấy nằm trong nhà dân và được một bé gái người Thượng chừng 15 tuổi chăm sóc. Khoảng 1 tuần sau, ông Sắng mới lành vết thương, ông cảm ơn gia đình và tìm về đơn vị.

          Ông Thái đặt chén rượu, trầm ngâm:

          - Trận bom đó thì tôi nhớ, nhưng tôi không được tham gia chôn cất nên không biết tường tận.

          Không khí mâm cơm chùng hẳn xuống, mọi người ai cũng buông đũa mặc dù các đĩa thức ăn gần như vẫn còn nguyên. Từ nãy đến giờ Ẻo cứ ngồi lặng im nghe ông Sắng kể chuyện.

          Quay sang nhìn ông Thái, chắc ông Sắng đọc thấy điều gì còn băn khoăn trong ánh mắt người bạn cầm súng cùng thời, ông kể tiếp:

          - Gia đình cưới vợ cho tôi trước khi đi bộ đội 2 ngày. Tục lệ quê mình thì ông lạ gì, sau 1 tuần mới đón dâu về nhà chồng. Đến khi xuất ngũ trở về, thấy đứa con gái cô ấy sinh ra mới 5 tuổi. Tôi giải thoát cho cô ấy bằng việc ra tòa ly dị, mặc dù khi lấy nhau không đăng ký kết hôn.

          - Còn bác gái bây giờ? - Anh Ẻo thắc mắc.

          Ông Sắng đặt tay lên vai bà H'ben:

          - Sau giải phóng, tôi quay lại tìm gặp để cảm ơn gia đình người Thượng đã cứu chữa cho mình. Ở lại đó đi làm rẫy mấy bữa, thế là phải lòng ân nhân này, rồi chúng tôi có với nhau 2 mặt con. Cuộc sống bây giờ cũng ổn định.

          Không khí bữa cơm có phần bớt nặng nề, ông Thái thì vẫn còn thắc thỏm:

          - Thế bây giờ theo ông nên làm thế nào với ngôi mộ của Bùi Văn Éo?

          Ông Sắng quả quyết:

          - Theo tôi không bốc về nữa. Hồi mới nhận việc quản trang, tôi phát hiện bia mộ họ ghi là Bùi Văn Có, hóa ra lúc làm bia họ sao danh sách chữ E viết hoa giống chữ C, tôi phải lấy đầu ra đảm bảo trên phòng mới cho sửa lại thành Bùi Văn Éo đấy.

          - Nhưng không bốc nữa thì chúng tôi về ăn nói với gia đình và địa phương như thế nào?

          Ông Sắng trầm ngâm một lát, chợt hai mắt ông sáng lên:

          - Theo tôi, các ông về nói là nhờ thầy cúng giỏi xin lễ trước khi đào mộ nhưng lấy âm dương mãi không được. Thầy bảo linh hồn liệt sỹ không muốn về vì muốn ở lại trong nghĩa trang liệt sỹ này còn có đồng đội, nằm đây yên lành rồi.

          Ông Thái gật đầu:

          - Chắc phải vậy thôi - Quay sang anh Ẻo - Ý chú thế nào?

          Ẻo buông đũa đứng dậy, đi ra ngoài sân, bước chân anh chầm chậm đến bên bờ suối, ngồi trên hòn đá nhìn dòng nước trong vắt chảy qua. Tiện tay nhặt những viên sỏi ném xuống nước. Sự thể đã như thế còn cách nào nữa đâu? Kể cũng lạ, công việc đang tiến triển lại gặp phải cái ông Sắng này, nhưng nếu không gặp ông này thì cũng dở... Ngồi ở đó chừng nửa tiếng đồng hồ, Ẻo đứng dậy thất thểu trở vào nhà. Hai ông đồng ngũ ngồi uống nước ôn lại những kỷ niệm xưa, Ẻo gieo mình xuống ghế, ông Sắng rót chén trà nóng đặt vào tay Ẻo an ủi:

          - Thôi chú ạ. Thà về không nhưng lòng thanh thản.

          Trời xế chiều, chiếc xe lao đi vun vút giữa 2 bên rừng cao su bạt ngàn, đất Tây Nguyên đã bừng lên sức sống mới sau vết thương chiến tranh. Cũng như con người, mỗi vết thương đều có một cách tự lành theo năm tháng. Anh Éo đã từng sát cánh cùng đồng đội, máu xương các anh đã hòa lẫn vào nhau, vào đất đỏ Tây Nguyên để giữ mãi một màu xanh ấy.

Truyện ngắn của Nguyễn Tiến Lợi

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục