- Ba ơi, tối nay ba về ăn cơm với mẹ và con nhé!
- Tối nay ba bận. 
- Nhưng con muốn có ba cùng ăn cơm. Lâu lắm rồi, ba…
- Thôi được rồi. Để ba tính.
- Ba hứa nhé! Mẹ và con sẽ đợi ba về.
Tắt điện thoại, Khang sung sướng nhảy cẫng lên, miệng tươi như hoa, líu ríu nhảy chân sáo từ trong nhà ra chỗ chị Lan, mẹ nó đang quét đám lá cây ở cuối sân, sung sướng khoe:
- Mẹ ơi, ba hứa sẽ về ăn cơm. Tối nay, mẹ con mình đợi ba về cùng ăn nhé mẹ!
- Thế hả con? Vậy mẹ sẽ nấu món canh cá chua thật ngon để cả nhà mình cùng ăn. Lòng chị Lan râm ran vui. Kể từ ngày chị thất nghiệp, ở nhà nội trợ, chăm con, bữa cơm gia đình ít khi có anh An, chồng chị cùng ăn. Không khí ấm áp, vui vầy cũng nhạt dần. Thằng bé Khang mới lên 8 tuổi. Nó cần lắm sự quan tâm, yêu thương của cả ba và mẹ. Bữa nào đến trường đón con, chị Lan cũng nghe câu nói quen thuộc:
- Con ước được ba đón như bạn Long, bạn Thiện cùng lớp. Các bạn ấy thật sướng.
Xoa đầu con, chị Lan an ủi:
- Ba bận việc công ty. Nếu không, ba cũng sẽ đón con như ba các bạn.
- Nhưng kể từ ngày ba lên chức phó phòng kinh doanh đến giờ, đã bao giờ ba đón con một lần đâu. Con biết mẹ rất thương con. Nhưng con muốn có cả ba yêu con, dành thời gian cho con như mẹ vậy.
Câu nói của con trai khiến chị Lan nghĩ ngợi. Dù cho chị có lên tiếng bảo vệ chồng trước mặt con thì kỳ thực, lòng chị lúc này cũng rộn lên một ý nghĩ xáo trộn. Sự xáo trộn hay nói đúng hơn là cảm giác cô đơn, một nỗi buồn từ lâu đã chập chờn trong chị nhưng vì muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị cố kìm nén, giấu chặt nơi đáy tim.
Ngày đang yêu, anh An quan tâm, chiều chuộng chị đến từng cái nhỏ nhặt nhất. Ngày cưới, anh còn nói với ba chị: Con hứa sẽ không bao giờ khiến Lan phải buồn, phải rơi một giọt nước mắt nào. Con hứa cả đời này sẽ ở bên cạnh, chăm sóc, yêu thương Lan. 
Nhưng… lời hứa và cả sự yêu thương có khi nào là mãi mãi.
- Hay con ăn cơm trước đi. Cơm canh nguội hết rồi. Chắc việc chưa xong nên ba chưa về.
- Ba hứa về. Con muốn đợi ba về cùng ăn cơ. Gọi điện thêm mấy lần nhưng điện thoại của ba không đổ chuông, thằng bé Khang lộ vẻ sốt ruột. Nó bước ra khỏi bàn ăn, chạy ra cổng. Bóng tối ngập đầy lên đôi mắt thơ ngây mong ngóng, chờ đợi của nó. Chị Lan đậy mâm cơm rồi cũng bước ra cổng, nắm lấy tay con:
- Mẹ con mình sẽ cùng đợi ba về! 
Anh An về, người nồng nặc mùi bia rượu. Tay xách chiếc cặp táp, áo quần xộc xệch, chân đi không vững. Anh loạng choạng bước vào nhà sau khi nói với chị bế con vào đi ngủ kẻo sương xuống lạnh. Anh quay bước, lòng chị càng thêm hẫng hụt, trống trải. Nhưng… biết đâu anh có lý do chính đáng. 
Đêm, khi chồng chìm vào giấc ngủ sâu thì chị lại trằn trọc, trở qua vật lại với vô vàn những ý nghĩ giấu kín. Chị cũng muốn anh thành thật san sẻ về cuộc sống, về công việc của anh với chị… Chị muốn nói, muốn hỏi nhưng lại thôi.
- Ba ơi, dậy đi ba! Cu Khang sau một đêm ngủ đói, sáng ra, nó ăn liền bát bún cá mẹ nó nấu một cách ngon lành. Trẻ con nhớ dai nhưng cũng mau quên lắm. Đặc biệt là khi được chị đưa ra lý do chính đáng việc ba về muộn thì thằng bé liền tin và quên ngay. Nó chạy vào phòng, giọng năn nỉ, rối rít:
- Ba ơi, dậy đi ba! Hôm nay là chủ nhật!
- Ba hơi mệt. Cho ba ngủ thêm chút nữa...
- Công viên trước nhà mình sáng nay tổ chức hội thi đá cầu cho thiếu nhi đó ba! Con cũng tham gia! Ba dậy đi cổ vũ cho con nhé ba!
- Ừ… được rồi. Anh An miễn cưỡng ngồi dậy với tay lấy cái điện thoại trên bàn để xem giờ, cũng vừa lúc đồng nghiệp gọi:
- Alô! Mình nghe…
- Ra cà phê Đồng Văn đi An! Nay sinh nhật cái Hoài, thư ký phòng mình này.
- Mình…
- Ra đi! Thiếu cậu là thiếu tất cả đấy.
- Ba… ba đi đâu vậy ba?
- Bạn ba vừa gọi. Ba đi đây một chút. Ba sẽ về liền.
- Anh nhớ về sớm đi cổ vũ cho con. Đây là hoạt động hè do Đoàn thanh niên tổ chức. Cả tháng nay, con chăm chỉ luyện tập và háo hức tham gia lắm. Giọng chị Lan tha thiết. Anh ừ một tiếng rồi lên xe phóng đi.
Chị Lan phơi xong chậu đồ cũng là lúc Linh, bạn của Khang chạy đến đầu cổng giục Khang ra công viên. Nó quay sang mẹ, buồn bã:
- Mẹ ơi, chắc ba lại không về. Vừa nói, mắt Khang vừa dớn dác ngó ra phía cổng đầy vẻ thất vọng.
- Con đi cùng bạn Linh đi! Lát nữa mẹ sẽ ra cổ vũ con! Khang dạ một tiếng rồi lững thững bước ra cổng.
Chị Lan thấy người mệt rã rời. Cảm giác gợn gợn, chán ăn, chân tay mệt mỏi tự dưng xuất hiện đến cả tuần nay. Chị nghĩ chắc do mình suy nghĩ nhiều nên mới thế. Đang đứng, bỗng nhiên chị thấy xây xẩm mặt mày, phải ngồi xuống nghỉ một lúc sau đó mới lật đật đứng dậy ra công viên.
Khang đoạt giải nhì cuộc thi đá cầu nhưng vẻ mặt nó chẳng hề vui. Nó bảo, nó muốn ba nó tự hào về nó. Nó tham gia vì muốn có ba nó đến xem, cổ vũ và vỗ tay khi nó đá hay. Vậy mà… vắng ba, thắng hay thua có ý nghĩa gì đâu.
- An này, mình thấy vợ cậu dạo này xanh xao quá! Hôm qua gặp cô ấy đi chợ, thấy cô ấy mệt mỏi, gầy hơn trước nhiều đấy.
- Vợ cậu thuộc típ người phụ nữ truyền thống. Lo mà giữ và trân trọng. Bây giờ tìm đâu ra người mẹ, người vợ tốt như thế.
- Nghe nói, mấy lần công ty mời cả gia đình họp mặt, cậu không nói với vợ mà đi một mình?
Cả nhóm đang từ chuyện sinh nhật Hoài bỗng quay sang chất vấn An khiến anh khó xử.
Về nhà, thấy con trai ngồi buồn thiu dưới mái hiên, anh nhớ ra mình đã quên mất lời hứa với con. 
- Ba… ba xin lỗi con trai. Thằng bé Khang nhìn chằm chằm vào ba nó, chẳng buồn trả lời. Sự thất vọng, buồn tủi khiến hai hàng nước mắt nó ròng ròng. Nó vùng đứng dậy chạy vuột vào phòng và đóng sầm cửa lại. Suốt buổi trưa và chiều hôm ấy, Khang bỏ cơm nằm lì trong phòng mặc cho ba, mẹ ra sức năn nỉ.
Chỉ làm chức phó phòng, chỉ vì vợ thất nghiệp, không đẹp, không phấn son, áo váy lượt là như bao người đã gặp mà mình đã thay đổi cách nghĩ về vợ, thay đổi tình cảm với vợ con, thay đổi cách sống? An nằm gác tay qua trán, tự phân thân, trách móc. Chắc vợ buồn vì mình lắm. Chỉ có điều, vợ không nói ra. Anh nhẹ nhàng kéo chăn lên đắp cho vợ rồi khe khẽ bước sang phòng con trai. Ngắm con ngủ say, anh bần thần. Lâu nay, mình đã quá vô tâm, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Thiếu chút nữa, mình có thể sẽ đánh mất đi tổ ấm, mất đi người vợ đảm và đứa con ngoan. Sống mũi anh tự dưng cay xè.
- Ở nhà ăn cơm trưa chưa em? Anh chuẩn bị về. Gần trưa, An gọi điện cho vợ.
- Mẹ con em đang chuẩn bị. 
- Thật không ba? Khang hỏi ba nó như muốn khẳng định. Nó sung sướng khi nghe ba nó ừ một tiếng chắc nịch từ đầu dây bên kia. Nó lăng xăng dọn chén đũa. Chị Lan múc thức ăn ra đĩa bày sẵn lên bàn ăn. Một tay xoa đầu Khang, một tay chị nhẹ đặt lên bụng, mỉm cười:
- Ba mẹ con mình sẽ cùng đợi ba về!

                                                                                              Truyện ngắn của Thanh Ba

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục