- Chào bác Lương. Bác định đi đâu đấy ạ?

- Chị Tâm đấy à! Tôi chuẩn bị lên xã ủng hộ phòng, chống dịch Cô - vít. Mấy ngày nay, báo chí, ti vi rồi thì loa truyền thanh xã phát suốt ngày về việc phòng, chống dịch. Mình là người trong một nước, chẳng thể xông pha nơi tuyến đầu như các y, bác sỹ, bộ đội thì cũng nên góp chút tấm lòng để ủng hộ Nhà nước vậy.

- Ôi, bác nghèo khó thế, ai mà chả biết. Không ủng hộ thì cũng chẳng ai trách đâu bác ạ.

- Biết là vậy. Nhưng bà cháu tôi cũng muốn chung tay, những mong dịch bệnh nhanh đi qua để người dân mình lại được an ổn trở lại.

- Dạ… bác nói cũng phải. Giọng chị Tâm ngập ngừng rồi chuyển sang chuyện xin nước:

- À bác… bác cho cháu xin gánh nước. Giếng nhà cháu mấy bữa nay cạn ráo rồi, vớt vát cũng chỉ được vài chậu, chẳng đủ dùng.

- Chị cứ tự nhiên.

- Bác Lương cho cháu xin 2 thùng nước với ạ. Chị Hằng quảy đôi thùng tôn cách đó năm, sáu cái cổng ngõ thoăn thoát bước tới, miệng đon đả. Bà Lương mở rộng cái cửa cổng tre để mọi người ra vào cho tiện. Bà nói với hai người hàng xóm của mình cứ tự nhiên, rồi đội lên đầu cái nón lá, bảo thằng cu Hoàn đội cái mũ vải, đeo khẩu trang vào. Thằng bé Hoàn nhường cái khẩu trang cho bà nó nhưng bà không chịu. Rồi hai bà cháu đi bộ lên xã. Đoạn đường cũng chừng hơn một cây số. Nắng sớm đã trải dài khắp con đường trước mặt, chiếu thẳng xuống đôi bóng của hai bà cháu đang rảo bước trên đường làng.

- Chào cán bộ Luân!

- Dạ. Cháu chào bác Lương. Anh cán bộ xã tên Luân mới chừng 30 tuổi, niềm nở chào bà Lương. Anh chưa kịp hỏi lý do hai bà cháu bà đến thì thằng cu Hoàn đã sốt sắng lên tiếng:

- Chú ơi, bà cháu muốn ủng hộ phòng, chống dịch Cô - vít. Anh Luân sau phút ngạc nhiên rồi nhìn hai bà cháu Hoàn, mỉm cười:

- Bác… bác muốn ủng hộ việc phòng, chống dịch Cô - vít ạ? Nhưng mà… Hiểu ý của cán bộ Luân muốn nói, bà Lương gượng cười, xua tay:

- Tôi hiểu ý chú. Nhưng… bà cháu tôi có ít thì ủng hộ ít, miễn là được chung tay cùng với mọi người. Bà Lương lôi từ trong túi áo ra một cái túi vải kẹp kim băng, bên trong có một xấp tiền lẻ toàn tờ 1 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn đồng, lác đác mấy tờ mệnh giá 10 nghìn. Bà cẩn thận đếm đủ 200.000 đồng rồi khiêm tốn:

- Bà cháu tôi có chừng này… Mong chú thay mặt nhận cho.

- Bác khó khăn… Vậy nên…

- Không. Chú nhận lấy cho bà cháu tôi vui. Số tiền này, tôi tiết kiệm được từ tiền bán rau quả trong vườn. Tôi còn khỏe, còn làm được mà! Nhận số tiền bà Lương trao tận tay, cán bộ Luân xúc động không biết nói sao, chỉ biết đứng nhìn bà Lương và thằng bé Hoàn. Mãi sau khi hai bà cháu chào ra về rồi, anh mới cảm ơn và cứ đứng tần ngần dõi theo cho đến khi bóng hai bà cháu khuất sau con đường nối ủy ban xã với thôn Thượng.

Bà Lương, miệng móm mém nhai trầu, xếp từng bó rau vừa hái vào cái rổ và bưng ra đầu cổng chợ làng. Mùa dịch, ai nấy đều khẩu trang che kín miệng và cũng muốn mua nhanh mớ cá, bó rau, nải chuối, hay một vài thứ lặt vặt khác để nhanh về nhà. Rổ rau gồm mấy loại: mồng tơi, rau đay, mùi tàu, húng quế, dọc mùng bà Lương ngồi bán chẳng mấy chốc đã hết nhẵn. Bà ghé hàng cá, mua mớ cá đồng, thêm thanh bỏng gạo cho thằng Hoàn rồi cũng trở về nhà khi mặt trời mới trải những tia nắng đầu ngày trên mấy ngọn cau trong vườn.

- Sao mình về trễ thế? Chị Tâm vừa bước tới đầu ngõ, anh Minh, chồng chị từ trong nhà bước ra đã hỏi.

- Tôi đem cái áo mới may xong đến cho cô Mai ở xóm Hạ, tiện thể ghé vào tiệm vải bác Nương mua về ít vải. Chưa đợi anh Minh tò mò hỏi mua vải làm gì thì chị Tâm lại tâm sự:

- Mình này, bác Lương, bác ấy nghèo thế mà cũng ủng hộ phòng chống dịch Cô - vít đấy. Sáng nay, tôi sang xin nước, thấy bác ấy lên xã ủng hộ. Đã thế, hai bà cháu có mỗi cái khẩu trang, lại nhường nhau, thấy tội lắm. Rồi câu chuyện về hoàn cảnh của bà Lương và thằng cu Hoàn lại được kể lại trong cuộc trò chuyện của vợ chồng anh Minh.

Chồng bà Lương mất sớm. Bà có mỗi cô con gái tên là Dung. Nhà nghèo, Dung không được theo học đầy đủ. Năm 18 tuổi, Dung lấy chồng, sinh được cu Hoàn. Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, Dung ẵm bồng con trai về nhà mẹ đẻ, không may bị ốm nặng, qua đời khi thằng cu Hoàn mới tròn 1 tuổi. Gạt nước mắt đau khổ vì mất con, bà Lương một mình chăm sóc đứa cháu tội nghiệp bằng số tiền chắt chiu kiếm được hàng ngày từ mấy luống rau tự trồng trong vườn nhà.

- Trộm vía, thằng cu Hoàn nó lớn nhanh, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Thế nên bác Lương cũng được đỡ đần. Chị Tâm vui vẻ.

- Đâu chỉ có thế. Thằng bé còn thật thà lắm. Anh Minh nhớ lại chuyện cách đây 1 năm, khi thằng cu Hoàn mới lên 9 tuổi.

Hôm đó cũng trong dịp hè, đang mùa dỡ lạc, Hoàn ra đồng đi mót lạc. Về đến đoạn chợ làng, nó nhặt được chiếc ví màu đen của ai đó làm rơi, trong ví có một số giấy tờ và số tiền khá lớn. Nó đem về cho bà ngoại. Sau đó, hai bà cháu lại đem lên Công an xã nhờ tìm người làm rơi, để cho nhận lại. Sau 1 ngày, người ở làng bên đến nhà cảm ơn thằng bé Hoàn, để vào phong bì một chút tiền. Thế mà Hoàn kiên quyết không nhận. Nó bảo, bà ngoại đã dạy nhặt được của rơi thì phải trả lại cho người đánh mất. Đó là việc nên làm chứ không phải muốn người khác trả ơn.

Anh Minh còn kể lại bao nhiêu là chuyện về tấm lòng của bà Lương và thằng bé Hoàn với người dân xóm Thượng. Dù nghèo khó vậy mà hai bà cháu đã tham gia hưởng ứng nghĩa cử cao đẹp, làm ai cũng cảm động, khâm phục. Chị Tâm thủng thẳng nói với chồng:

- Thế nên tôi cũng học tập bác Lương. Tôi sẽ mua vải về may khẩu trang phát cho mọi người, để mọi người ra đường, ai cũng có khẩu trang đeo trong mùa dịch này. Nghe vợ nói vậy, anh Minh vui vẻ, ủng hộ liền:

- Mình nói phải đấy. Trong thời buổi nước sôi lửa bỏng như thế này, cần lắm những hành động sẻ chia mình ạ!

Vợ chồng anh Minh, người cắt, người may. Rồi đem giặt sạch, là phẳng từng cái khẩu trang đem phân phát cho mọi người trong xóm, trong làng. Tự nhiên chị Tâm thấy trong lòng vui lạ. Đúng là được giúp đỡ mọi người, dù là món quà không mấy giá trị nhưng tinh thần thấy thoải mái hẳn.

- Bác Lương ơi!

- Chị Tâm đấy à?

- Cháu có mấy chiếc khẩu trang mới may, đem tặng cho bác và cu Hoàn. Mùa dịch này, ai cũng cần phải đeo để phòng bệnh bác ạ.

- Ôi, cảm ơn chị... Bà Lương thấy trên tay chị Tâm đưa cho mình cả đến gần chục cái khẩu trang nhưng bà chỉ nhận 2 cái.

- Bà cháu tôi chỉ cần từng này là đủ rồi. Còn lại, chị đem tặng cho mọi người. Còn rất nhiều người ở làng mình chưa có khẩu trang mà đeo đấy. Chị Tâm nghe bà Lương nói vậy càng thêm trân trọng tình làng nghĩa xóm.

Truyện ngắn của Thu Đình

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục