Tôi có một người bạn ở tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) đã sưu tập hàng chục đĩa CD, VCD về Hà Nội làm hành trang cho những ngày ra trường, xa Hà Nội, vậy mà chẳng an lòng. Hơn 15 năm công tác ở miền sơn cước, tháng nào bạn cũng phải về Hà Nội. Bài hát của Phú Quang (thơ Thảo Phương): “Nỗi nhớ mùa đông” vang lên trong căn phòng ở xứ núi bao lần vẫn không làm cô bớt đi nỗi nhớ quay quắt về nơi này. Vậy là lại xuôi tàu để gặp lại gió sông Hồng trong ngày nước cạn mùa đông...

 

Bây giờ, mỗi lần gặp lại những người bạn đồng môn cũ, “người yêu Hà Nội” đó bao giờ cũng dẫn bạn bè lòng vòng với những khu phố cổ, con đường Cổ Ngư heo may trong bài hát “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa”; cầu Long Biên với những thanh đường ray xưa cũ cùng làn gió mang theo hơi nước lạnh của mùa đông phả tới. Chiều về, đám bạn bè tạt vào quán cóc ven đường nhâm nhi chén nước chè nóng hổi hay ghé qua một quán nhạc nào đó trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du để chờ nghe “Đêm mùa đông Hà Nội” (nhạc Hoàng Phúc Thắng) qua tiếng hát Thùy Dung... “ơi, đêm mùa đông, Hà Nội buông hơi thở, ơi đêm mùa đông Hà Nội thức trong mơ...”. Trôi theo dòng người ở phố Quang Trung mùa lá rụng, cả đám men theo dòng ký ức cùng trong giai khúc “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”: - “Chiều đông, sương giăng phố vắng, hàng cây lặng câm, tháp cổ mặc trầm… Chợt nhớ ngày ấy, khi em qua phố”. Những người con xa quê đã lấy Hà Nội là miền đất thứ 2 làm nơi “trú ngụ” cho những khát vọng của mình. Cũng có người không lấy Hà Nội làm quê hương cư trú mà chỉ là một miền nhớ trong ký ức, để mỗi dịp trở về được “thưởng thức” trọn vẹn tâm trạng của người con xa quê...

Một người bạn khác trải lòng, Hà Nội của năm 14 tuổi, đứng ở phía tây cầu Hà Đông (quận Hà Đông bây giờ) nhìn về phía quầng sáng lung linh ấy và ước vọng. Ranh giới thì mong manh, sao không thể bước qua làn ranh giới đó trong một lần “gặp gỡ” đầu tiên với Hà Nội vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Do thấy mình quá “bé nhỏ” trước Hà Nội rộng lớn hay cơn mưa phùn đầu đông đó làm người buốt giá không thể vượt qua 10 km đường để thỏa nguyện: một lần đến Hà Nội? Màn sương khói trong hư ảo đó, chỉ được khám phá vào năm 17 tuổi... Quãng thời gian 3 năm, là những nỗ lực và khát vọng khôn cùng để có một ngày đến với Thăng Long trong thỏa nguyện... Sao ngày ấy, đến với Hà Nội cũng là những ngày cuối heo may, chuẩn bị cho những mùa đông rét mướt? Chuyến xe buýt muộn Thanh Xuân - Bác Cổ, mặt nước Hồ Gươm xám nhạt trong gió đông. Bữa cơm đạm bạc của thời sinh viên gian khó. Những người bạn từ mọi miền đất nước về đây, cùng học, cùng chơi và cùng hoà mình với những ngày đông đáng nhớ của những mùa đông Hà Nội - “Những mùa đông yêu dấu”. Điều kỳ lạ là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi này không bao giờ thấy mệt mỏi, chán nản dẫu những cơn đói triền miên kéo dài suốt thời sinh viên sôi nổi (một giảng viên một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội đã từng thốt lên “Ba mươi tuổi giật mình vẫn thèm cơm!”. Điều cắt nghĩa cũng thật giản đơn, vì họ luôn thấy ấm lòng biết bao khi được tựa đỡ vào Hà Nội, được Hà Nội bao dung, che chở và tiếp sức. Tại sao có thể như vậy, chỉ có tuổi trẻ mới cắt nghĩa được những chuyện đó... 25 năm sau đã có thêm những người bạn mới và đã có biết bao chuyến đi, về và tìm lại Hà Nội, vậy mà chiều nay, thăm Phủ Tây Hồ, bước chân như muốn nhanh hơn. Hồ Tây sẫm màu trong gió bấc. Chẳng có bóng dáng những cánh chim sâm cầm mà chỉ nghe đâu đây tiếng chuông vang ngân dài trong sương, trong nước hồ bảng lảng. Có một ông già ngồi câu cá (mà thực ra là ngồi đối diện với Hồ Tây), mắt diệu vời xa xăm như nhìn về hàng trăm năm trước. Vẫn cái lạnh cộng hưởng da diết với hơi nước hồ đông... Gió mà chẳng phải là gió, đó là kỷ niệm của một thời hoang sơ trở về. Bạn bè giờ tóc cũng đã muối tiêu, điểm bạc. Còn những người bạn mới tuổi 7 X, 8 X liệu đã có nhiều kỷ niệm với Hà Nội, với mùa đông Bắc Hà?

 

Mùa đông, sao cứ phải mùa đông để được trần mình trong giá buốt, được đạp xe ngược gió đê sông Hồng hay trên con đường từ ngoại thành về ký túc xá như hàng chục năm về trước. Không phải cái “ngông” của tuổi trẻ một thời mà chính là niềm vui, khát vọng và hạnh phúc vì được sống trọn vẹn với những mùa đông Hà Nội... Để rồi, lại có những ngày cuối đông, đầu xuân hồi hộp chờ về quê đón Tết Nguyên đán. Những náo nức, những đón đợi của một thời đó sao đẹp lạ thường. Sau này, những dư vị đó mất dần đi theo năm tháng, dù lòng chưa có điều gì “cằn cỗi” trước thời gian. Đó là một góc nguyên sơ đáng trân trọng trong đời mỗi con người...

 

                                                                     Tản văn của Bùi Huy

 

 

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục