"Đây là nhà mình mà”
Ngôi nhà sàn truyền thống của người Khmer cách không xa chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (sau đây viết tắt là Làng). Bà Lâm Thị Hương là nghệ nhân thế hệ thứ sáu, cũng là trưởng đoàn Nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông (ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng) hiện nay. Đoàn nghệ thuật gia đình này được thành lập cách đây hơn 100 năm, truyền từ đời cụ, ông, cha rồi tới bà, với các thành viên hầu hết là người trong nhà. Đoàn chuyên biểu diễn Rôbăm, thể loại kịch múa "sân khấu mặt nạ" cổ điển của sân khấu cung đình, gắn với những tích truyện xưa cũ, mang ý nghĩa tôn giáo và nghệ thuật đặc sắc, phát triển rực rỡ vào thập niên 60, 70 của thế kỷ 20.
Tranh thủ ngày cuối năm vừa trang hoàng nhà cửa, vừa thu dọn đồ về quê, cả gia đình bà Lâm Thị Hương háo hức vì sắp được sum họp với anh em con cháu, bà con chòm xóm sau chín tháng chưa về nhà. Bà chia sẻ: "Hồi mới đến Làng, thấy nhớ nhà lắm. Rồi cả nhà động viên nhau vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương để làm tốt việc giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc mình cho du khách. Nhưng Tết thì tôi về Sóc Trăng, các con cháu mong mình lắm, ai cũng chỉ được về ngày Tết để sum vầy”.
Trước khi về quê, bà sắp hoa quả để thắp hương thờ Phật, thờ Tổ nghề cũng như các vị thần linh của người Khmer. Bà chia sẻ, "Ở lâu rồi gắn bó với nơi đó, mình làm lễ tạ ơn thần linh, thờ tổ. Nhà mình ở đây mà”. Trước khi về, ông Sơn Đel cũng tới những "nhà” như nhà Khmer, nhà Tày, nhà Mường… để chào và chúc Tết mọi người. Cả năm tối lửa tắt đèn có nhau, tâm trạng ông không tránh khỏi cũng lưu luyến vì không ở lại Làng đón tết cùng những cộng đồng dân tộc đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc.
Từ lần đầu tiên đặt chân tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào tháng 4-2016, đến bây giờ, gia đình ông bà Sơn Đel và Lâm Thị Hương đã gắn bó cùng mảnh đất này gần hai năm với nhiều kỷ niệm đẹp, mà cũng không ít khó khăn. Quên đi sự xa cách hơn nghìn cây số, cũng không còn nhớ những ngày co ro trong cái lạnh tê tái ngoài Bắc, những nghệ nhân kịch Rôbăm chỉ còn những kỷ niệm thật đẹp khi được biểu diễn nghệ thuật truyền thống của cha ông với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Làng.
Bà Lâm Thị Hương tự hào kể: "Ở không gian nhà Khmer này, khách lên thăm quan rất đông. Họ đến nhà thì mình biểu diễn. Trong nhà dành hẳn một không gian làm sân khấu nhỏ, có nhạc cụ hai bên, trên đó có những mặt nạ nàng Sê Đa, hoàng tử Phrés Riem, Khỉ thần Hanuman, Chằn tinh…”. Có những khi đón tiếp những đoàn học sinh, đoàn khách đi tour mấy trăm khách, cả nhà lại mang mặt nạ, trống chiêng, đạo cụ ra khoảng sân rộng trước nhà hay sân cỏ rộng để phục vụ du khách. Ông Sơn Đel chia sẻ: "Không chỉ có du khách Việt Nam mà nhiều người nước ngoài quan tâm, họ xem rất chăm chú và bày tỏ sự thích thú”.
Nghệ nhân Lâm Thị Hương, thứ hai từ trái sang, cùng đoàn nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh giới thiệu nghệ thuật truyền thống, gia đình còn bán nhiều đặc sản như món đồ dừa, xới cơm, bộ ấm chén trà, đũa dừa, đũa thốt nốt, cây sáo. Mỗi tuần bà làm chừng 100 - 120 đòn bánh tét để bán cho du khách. Những lúc rảnh rỗi cũng có làm bánh dừa nhân chuối nhân đậu, cốm dẹp, bánh xèo... để giới thiệu về đặc sản của Sóc Trăng.
Nỗ lực giữ nghiệp cha ông
Trong trí nhớ của bà Lâm Thị Hương, cả tuổi thơ của bà gắn với những ngày theo gia đình đi diễn kịch Rôbăm. Cha của bà, nghệ nhân Lâm Hên, khi đó gom góp hết tài sản trong nhà, bán đi hơn 40 công đất để sắm sửa trang phục, đạo cụ cho đoàn đi biểu diễn. "Tháng Giêng là bắt đầu đi, đi miết tới ba tháng sau mới trở về. Khán giả thích xem kịch Rôbăm lắm. Họ thấy đoàn đi qua làng là giữ bằng được ở lại, họ góp tiền góp gạo nuôi mình”, bà Hương nhớ lại.
Bà Hương cùng các anh trai trong nhà đều học múa, học đàn, học làm trang phục, vẽ mặt nạ từ những ngày đó. Sau này, hoạt động của đoàn kịch Rôbăm Bưng Chông cũng gặp khó khăn do kinh phí eo hẹp, khán giả ít, áp lực kinh tế khiến nhiều người phải ra thành phố hay về làm ruộng mưu sinh. Nhìn thấy đam mê của con gái, ông Lâm Hên trao vị trí trưởng đoàn cho con gái, với lời dặn dò "Nếu cha mất đi, con không đi diễn được thì con đi diễu hành, giương bông…”, miễn sao đừng để mai một bản sắc dân tộc.
Vì tình yêu với nghề, cũng là trọng trách mà cha ông đã tin tưởng giao phó, bà Lâm Thị Hương đã luôn tâm niệm nỗ lực hết mình để bảo tồn những giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc. Những thành viên của đoàn kịch Rôbăm Bưng Chông đều phải kiên trì và cố gắng, có khi vừa phải làm nhạc công vừa phải học múa, vừa làm nghệ sĩ vừa phải tự thêu may phục trang, rảnh thì làm mặt nạ… Trong chuyến đi Mỹ tham gia Lễ hội Smithsonian năm 2007, đoàn kịch múa Khmer của bà cũng chỉ có vài anh em trong nhà hỗ trợ lẫn nhau. Ngay cả ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng vậy, cả gia đình bà chỉ vỏn vẹn năm người, gồm hai người lớn, ba bạn trẻ là con cháu trong nhà, nhưng vẫn diễn hết mình, mang tới cho khán giả những trích đoạn kịch múa đặc sắc nhất.