Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bríu Liếc cho biết, từ bao đời nay,
người Cơ-tu sinh sống ở rừng núi. Đối với họ, rừng núi là tài nguyên vô giá,
giúp người Cơ-tu tồn tại và phát triển. Vì thế, Lễ hội khai năm tạ ơn rừng được
tổ chức vào đầu năm âm lịch là dịp để thể hiện lòng biết ơn "Mẹ” rừng năm qua
phù hộ, độ trì dân làng khỏe mạnh, làm ăn sung túc, nhưng thời gian qua, vì
nhiều lý do mà lễ hội này trong thời gian dài đã bị mai một.
Để phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào Cơ-tu, năm nay,
huyện Tây Giang tổ chức tái phục dựng Lễ hội khai năm tạ ơn rừng nhằm khôi phục,
bảo tồn và phát huy giá trị di sản của người Cơ-tu gắn với phát triển du lịch
sinh thái bền vững; đồng thời, thông qua lễ hội góp phần nâng cao ý thức bảo
vệ rừng trong nhân dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng biên giới.
Lễ hội khai năm tạ ơn rừng lần thứ nhất Xuân Mậu Tuất gồm hai phần:
lễ và hội. Trong đó, phần lễ thực hành các nghi lễ liên quan đến phong tục
"cúng rừng” theo truyền thống. Phần hội gồm các hoạt động giao lưu văn hóa,
văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian lành mạnh gắn với du lịch
khám phá, trải nghiệm rừng cây di sản Pơ-mu, rừng hoa đỗ quyên trên đỉnh
K’lang, cùng các điểm du lịch sinh thái như thác R’cung, điểm dừng chân Azứt,
đỉnh Quế…
Huyện Tây Giang nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Nam, tiếp giáp với
nước bạn Lào. Toàn huyện có diện tích rừng hơn 91.368 ha, trong đó rừng tự
nhiên chiếm hơn 70% diện tích, với nhiều cánh rừng quý như khu rừng lim, rừng
đỗ quyên cùng với sự đa dạng của hệ thống động thực vật quý hiếm. Hiện tại, địa
phương đang "sở hữu” khu rừng Pơ-mu cổ thụ, với hơn 2.000 cây có tuổi đời từ
vài trăm năm đến cả nghìn năm, trong đó 725 cây Pơ-mu đã được công nhận là
Cây Di sản Việt Nam.
Phát biểu tại lễ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh
nhấn mạnh, việc khôi phục Lễ hội khai năm tạ ơn rừng là một hoạt động ý
nghĩa, góp phần gắn kết bền chặt hơn nữa giữa văn hóa truyền thống với văn
hóa giữ rừng trong đời sống của đồng bào vùng cao của tỉnh.
|
TheoNhandan
Dù mai anh đào đã nở rộ nhiều tuyến đường tại Đà Lạt và vùng ven nhưng tới cuối tháng 1-2018, Ngày hội hoa anh đào (người dân Đà Lạt gọi là mai anh đào) mới chính thức diễn ra.