Thi thổi kèn trong lễ hội Mẫu Sơn (Lộc Bình). Hội Lồng tồng diễn ra từ đầu tháng Giêng và kết thúc trong tháng
tư, đều được các địa phương trong tỉnh tổ chức một lần trong năm và chỉ diễn
ra một ngày từ sáng đến tối. Lễ hội Lồng tồng gồm các hoạt động tế lễ đất, trời
cầu cho mưa thuận gió hòa; dâng hương, cúng lễ theo nghi thức truyền thống tại
các đền, chùa... nơi thờ cúng thần thánh và những vị tiền nhân đã có công
đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ biên cương Tổ quốc. Sau đó là phần hội, thường
được tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: hát Sli, lượn, hát then,
hát dân ca và tổ chức các trò chơi dân gian như: múa sư tử, biểu diễn võ dân
tộc, tung còn, kéo co, đẩy gậy... thu hút đông đảo khách thập phương đến xem.
Nhà nghiên cứu văn hóa Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca
các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ðến ngày hội ở làng nào thì sáng hôm đó,
mọi người đều ăn cơm từ rất sớm, khoảng từ bốn đến năm giờ sáng, sau đó vào
khoảng 10 giờ, mọi người mang mâm tồng (mâm cúng) ra nơi sân đình hoặc hội
trường xã, thôn để cúng. Ðồ cúng gồm: gà trống thiến luộc béo vàng ươm và nhiều
sản vật tự chế biến từ lúa gạo như khẩu si, bánh khảo, bánh phồng đường... Ðến
khoảng 12 giờ trưa, các mâm cỗ bày xong. Mọi người từ các ngả đổ về mỗi lúc một
đông. Ở những làng có đội múa sư tử sẽ mời đến góp vui. Các đội sư tử đến
chào từng mâm tồng, chúc cho gia chủ của mâm đó một năm an khang thịnh vượng.
Tiếp theo là nghi thức xuống đồng, Ban tổ chức chuẩn bị một thửa ruộng ở gần
nơi diễn ra lễ hội, sau một hồi trống, chiêng nổi lên, đại diện người dân các
thôn xuống ruộng và cùng cấy những cây lúa đầu tiên của vụ xuân năm mới. Phần
hội diễn ra từ trưa với các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động văn
nghệ, thể thao mang đậm nét dân tộc. Lễ hội tan, người dân và các đội sư tử tỏa
đi chúc Tết các hộ gia đình trong bản, sau đó chào thổ công (miếu nhỏ) được lập
ở đầu bản, hẹn năm sau trở về lễ hội.
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn
Hoàng Văn Páo cho rằng, lễ hội độc đáo và đặc sắc nhất phải kể đến Lễ hội Lồng
tồng Bủng Kham ở thôn Nà Phái, xã Ðại Ðồng, huyện Tràng Ðịnh, có từ xa xưa. Ðể
tưởng nhớ các vị Thần nông, Thần thổ địa và các vị thần tiên đã bảo vệ cuộc sống
thường ngày và sản xuất nông nghiệp của người dân, hằng năm cứ đến ngày 12
tháng Giêng, người dân xã Ðại Ðồng lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Bủng Kham quy
tụ người dân ở 24 thôn, bản về dự, dâng lên các vị thần linh những hương hoa,
sản vật quý mà người dân làm ra và tổ chức các trò chơi văn hóa, thể thao dân
gian. Lễ hội chỉ diễn ra trong một ngày nhưng chứa đựng nét văn hóa đặc sắc
truyền thống của các dân tộc qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, ở mỗi vùng quê xứ Lạng đều có những lễ hội riêng rất
đặc sắc như Lễ hội Lồng tồng ở xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, mở vào ngày 28
tháng Giêng; Hội chợ Hang Ðắp, huyện Lộc Bình, mở vào ngày 30 tháng Giêng; Lễ
hội chợ Ba Xã, Tân Ðoàn, huyện Văn Quan, mở vào ngày 27-2 âm lịch. Người đến
lễ hội cốt để được gặp gỡ nhau và thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng ở từng
vùng quê và mua về làm quà cho gia đình.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều lễ hội ở một số nơi
trong tỉnh Lạng Sơn đã và đang dần bị mai một. Ðể bảo tồn và gìn giữ những
nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc, tỉnh đã thực hiện bảo tồn 26 hạng mục lễ
hội. Cụ thể như phục dựng Lễ hội Ná Nhèm, ở Trấn Yên, huyện Bắc Sơn; Lễ hội
Háng Ví, huyện Chi Lăng; Lễ hội Nàng Hai, huyện Tràng Ðịnh... và bảo tồn phục
dựng một số lễ hội tại các điểm di tích lịch sử, di tích cách mạng, góp phần
gìn giữ bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo dục truyền thống đấu tranh
anh dũng của các thế hệ cha, ông. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã được
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể
cấp quốc gia, với bốn di sản gồm: Lễ hội Trò Ngô làng Giàng, xã Yên Thịnh,
huyện Hữu Lũng; Lễ hội Bủng Kham của huyện Tràng Ðịnh và lễ hội Phài Lừa, xã
Hồng Phòng, huyện Bình Gia. Ngoài ra, còn có Lễ hội múa sư tử của người Tày,
Nùng ở các huyện trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đều thực hiện
đúng quy chế, quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo tinh
thần bảo đảm tiết kiệm, không phô trương hình thức, tạo không khí vui tươi,
lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác tổ chức và quản
lý lễ hội ở một số địa phương trong tỉnh còn buông lỏng, tình trạng lộn xộn,
ùn tắc giao thông, mất vệ sinh nơi công cộng; tình trạng tổ chức các trò chơi
mang tính đánh bạc; hoạt động mê tín dị đoan vẫn còn diễn ra, gây dư luận xấu
trong xã hội.
Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động lễ hội theo đúng quy định của
Nhà nước, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc
Hà khẳng định: Mỗi năm, khi vào mùa lễ hội, ngành văn hóa, thể thao và du lịch
đều tăng cường chỉ đạo, quản lý và tổ chức hoạt động các lễ hội bảo đảm an
toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các huyện đẩy mạnh
công tác tuyên truyền quy định của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, lễ hội;
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về
quản lý văn hóa. Nhờ đó, các lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra bảo đảm an ninh
trật tự, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, góp phần khơi dậy, bảo tồn phát huy
nét đẹp truyền thống văn hóa.
|
TheoNhandan