Người Thái vui hội xên bản, xên mường.
(HBĐT) - Đây là lễ hội phổ biến của người Thái ở Mai Châu, cụ thể ở đây là lễ hội của người Thái vùng Mai Thượng, Mai Châu. Lễ xên bản, xên mường chính là lễ cúng bản, cúng mường, thờ cúng thành hoàng bản mường, những người lập nên bản người Thái từ buổi đầu thiên di từ Mường Hước Khà về đây lập nghiệp.
Lễ cúng bản do chá bản tổ chức ở bản mường, mỗi năm một lần vào tháng 8 âm lịch. Lễ cúng mường là lễ cúng có quy mô lớn do tạo phìa cai quản cả một vùng gồm nhiều thôn bản tổ chức. Mục đích của lễ xên bản, xên mường là tạ ơn thổ địa, tổ tiên, cầu mùa, cầu sự bình yên cho dân.
Lễ xên mường được tổ chức tại miếu (thiêng sừn) của mường. Trước khi vào lễ, toàn mường làm cuộc tổng vệ sinh làng bản, sửa sang miếu cho đẹp hơn, sáng sủa hơn. Cả bờ ruộng, bờ mương cũng được be đắp mới. Nhà nào cũng sắp cỗ cúng ma miếu, sau đó về nhà làm lễ hạn cúng thổ công.
Buổi sáng hôm mở hội, đám rước đem mâm cỗ từ nhà tạo mường ra miếu. Đi đầu là tạo mường và các chức sắc khác. Tiếp theo là thanh niên nam nữ khiêng giàn chiêng trống (4 chiêng đồng, 1 trống cái) cùng kèn, sáo. Các già mường bản quấn khăn đỏ, mặc áo tơ vàng, quần màu chàm, thắt dải lưng xanh, vác theo cung theo hai con trâu mộng làm vật hiến sinh. Bộ sừng trâu bọc giấy màu, giữa trán và hai bên mông dán hình hoa cắt bằng giấy trắng. Hai con trâu này, một con để cúng thần hoàng (phi sữa) và một con để cúng thần tổ ở đình gốc. Sau cùng là đoàn quân bảo vệ mường bản mặc quần vàng, áo đỏ viền xanh, đội mũ chóp đỏ, chân đi hài quấn xà cạp tận đầu gối, vai vác súng hoả mai bọc bạc và gươm giáo.
Đám rước dừng lại trước án thư đình một vị đẳm goá (vị mo luông có uy tín) mặc áo thụng xanh, đầu đội mũ đuôi én màu đỏ tiến lên trước án thư. Ông đẳm rung một hồi chuông, hai con trâu mộng lập tức được dắt ra làm thịt. Buổi đầu của ngày hội chủ yếu là làm lễ và múa hát, đánh trống chiêng. Buổi thứ hai có tổ chức thi bắn súng hoả mai và cung nỏ. Hình thức bắn súng là người ta tung quả bưởi lên mái nhà, quả bưởi lăn xuống theo mí dốc, các tay súng thiện xạ lần lượt ngắm đón bắn. Người thắng là người bắn cả ba lần đều trúng, sẽ đoạt được giải của “cần han” (người tài giỏi), được thưởng một mâm cỗ đầy xôi thịt gọi là “pàn han”. Tạo mường đứng ra trao thưởng cho người “cần han” một thanh kiếm chuôi ngà voi khảm bạc, tuyên bố phong chức “tuần mường” (người đứng đầu an ninh phòng vệ) cùng một số ruộng đất.
Trong ngày hội còn có nhiều trò chơi và cuộc thi khác như thi chọi gà, thi chim hoạ mi. Buổi tối thường diễn ra cuộc thi hát “khắt tua” (hát đối đáp), thổi kèn bè, pí khúi... Phần thưởng cho các cuộc thi này là vuông vải thổ cẩm đôi vòng tay bằng bạc, hai chai rượu cất, hai đĩa trầu cau.
Hội xên mường diễn ra từ hai đến ba ngày. Lễ xên bản chỉ tổ chức trong một ngày, chủ yếu là làm lễ. Ngoài ra, người Thái còn có lễ xên hường (cúng nhà) do các gia đình tự tổ chức.
HBĐT tổng hợp
(HBĐT) - Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó điển hình là các dân tộc Mường, Thái, Mông Đen. Đây là những tộc người có quá trình cộng cư lâu đời ở các huyện Tân Lạc, Mai Châu của tỉnh Hoà Bình, đã bảo lưu được những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá dân tộc Việt Nam.
(HBĐT) - Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nền "Văn hoá Hoà Bình" nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ, là vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giầu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc: Mường, Dao Thái, Mông... Là quê hương của những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối"; những trường ca, truyện thơ đậm nét văn hóa dân tộc và chất nhân văn tinh tế… Mời bạn đến với mảnh đất Hoà Bình để cùng khám phá và cảm nhận vẻ đẹp của một miền văn hoá giàu bản sắc.
(HBĐT) - Lễ hội đánh cá suối tháng 3 là lễ hội truyền thống lâu đời của nhân dân xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Hòa Bình là vùng đất nổi tiếng với nhiều lễ hội dân gian mang bản sắc dân tộc. Người Mường có các lễ hội nông nghiệp như: hội xuống đồng, hội cầu mưa, hội đi săn, hội đánh cá, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới, lễ nạ mạ, lễ cầu mát, lễ nhóm lửa, lễ hội chùa kè… lễ hội ở các vùng Mường không mang rõ tính chất hội mà chủ yếu hướng vào lễ nghi.