(HBĐT) - Chỉ từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ tai nạn điện, 4/5 vụ gây hậu quả chết người. Trước đó, theo số liệu tổng hợp từ Sở Công Thương, năm 2017, trong tỉnh xảy ra 4 vụ làm 4 người chết, 1 người bị thương nặng. Năm 2018 xảy ra 2 vụ tai nạn điện làm 2 người chết. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn điện do người dân bất cẩn, mất an toàn trong sử dụng điện.


Hộ sử dụng điện xã Ba Khan (Mai Châu) mở cầu dao khi sử dụng và ngắt cầu dao sau khi ngừng sử dụng điện.

Vào khoảng 17h45' ngày 15/7/2019, tại vị trí cột số 5 đường dây 0,4 kV trạm biến áp Bo 2, lộ 472TG Hạ Bì, nạn nhân Bùi Văn Lộc (34 tuổi), xã Kim Bôi (Kim Bôi) tự ý trèo lên cột, chạm vào dây đèn đường bị tai nạn dẫn đến tử vong. Được biết, nạn nhân Lộc là hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng với Điện lực Kim Bôi, không phải công nhân do Công ty Điện lực Hòa Bình ký hợp đồng lao động. Cùng ngày, vào 9h20', một vụ tai nạn điện làm chết người cũng được ghi nhận tại thao trường huấn luyện Ban Chỉ huy quân sự xã Đồng Bảng (Mai Châu). Trong lúc tiến hành công tác chuẩn bị thao trường diễn tập chiến đấu phòng thủ xã Đồng Bảng năm 2019, chiến sĩ dân quân tự vệ Lò Văn Tùng được giao vận chuyển cây luồng dài 9 m, khi đi dưới đường điện 110 kV tuyến Hòa Bình - Sơn La đã bị tử vong do vi phạm khoảng cách phóng điện.

Nhận định về tình hình tai nạn điện trên địa bàn, đồng chí Lê Xuân Thu, Trưởng phòng Quản lý điện (Sở Công Thương) cho rằng, nguyên nhân, diễn biến của các vụ tai nạn phần nhiều do sự chủ quan trong sử dụng điện. Minh chứng cụ thể bằng các vụ việc xảy ra trong vài năm gần đây: Vào 9h ngày 11/7/2017, nạn nhân Phạm Văn Đảo và Phạm Văn Chính,lao động tự do, thường trú xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) trong khi đưa thanh sắt hộp dài 9,7 m lên mái tôn nhà cấp 4 để hàn đã để thanh sắt vi phạm khoảng cách phóng điện. Hậu quả bị điện phóng dẫn đến nạn nhân Đảo chết, nạn nhân Chính bị thương nặng; vào 19h10' ngày 11/8/2017, nạn nhân Khà Văn Khanh, 21 tuổi, lao động tự do,thường trú xã Vạn Mai (Mai Châu) trong quá trình lau sàn nhà do sơ xuất đã cầm phải dây điện bị hở dẫn đến bị điện giật chết; vào 8h20' ngày 27/5/2018, tại cột 123-124, lộ 373E19.1, nạn nhân Dương Văn Nghiệp, lao động tự do, thường trú xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) tự ý trèo lên cột điện loại cột LT 18 m. Trong quá trình trèo lên cột đã vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây 35 kV và bị điện phóng chết;vào 20h10' ngày 8/6/2018, ông Bùi Văn Thực ở xóm Riệc I, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) trong khi cắm quạt điện vào ổ cắm đã chạm vào dây ổ cắm bị hở, bị điện giật chết.

Từ đầu năm đến nay, ngoài 2 vụ tại nạn điện xảy ra cùng 1 ngày dẫn đến chết người nêu trên còn có thêm 3 vụ khác, gồm 1 vụ tại ao cá của gia đình nạn nhân Quách Văn Tài, 32 tuổi, ở xóm Hổ, xã Ngọc Lương (Yên Thủy). Nạn nhân dùng tuốc nơ vít điều chỉnh lỗ cắm của ổ cắm điện để cắm máy bơm nước đánh bắt cá. Quá trình điều chỉnh lỗ cắm do bất cẩn không cắt điện trong nhà đã bị điện giật chết. Một trường hợp khác là Phạm Thanh Tuấn (37 tuổi), lao động tự do, thường trú phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) trong lúc kéo tấm lợp bằng tôn lên để lợp mái công trình đã vi phạm khoảng cách an toàn bị điện phóng gây bỏng nặng. Vụ tai nạn xảy ra mới đây nhất vào 14h30' ngày 6/8. Nạn nhân Bùi Hồng Duyên, 26 tuổi, ở xóm Gò Khánh, xã Kim Tiến (Kim Bôi) trong quá trình bơm nước đổ bê tông công trình trường mầm non tại xóm Mõ, xã Kim Sơn (Kim Bôi) không may bị điện giật tử vong.

Các vụ tai nạn điện xảy ra trong dân có một phần do yếu tố bất thường của thời tiết (lốc xoáy, bão, lũ) làm ảnh hưởng đến hệ thống điện. Đồng thời, nhiều vụ việc diễn biến do sự chủ quan của người dân về an toàn điện, nhất là người dân khu vực vùng sâu, xa. Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn trong sử dụng điện hiện vẫn còn mang tính hình thức, chưa sâu rộng. Ông Đường Hồng Hải, Trưởng phòng An toàn (Công ty Điện lực Hòa Bình) cho biết: Phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn điện trong dân, Công ty vừa triển khai cấp phát trên 30.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng tránh tai nạn điện, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão. Đồng thời, lưu ý người dân khi xảy ra mưa bão, gió giật mạnh cần tắt hết nguồn điện trong nhà, không được đứng dưới chân cột điện hay đường dây điện. Tuyệt đối không thu nhặt dây dẫn bị đứt rơi xuống đất. Khi qua vùng ngập nước cần quan sát kỹ để tránh đi qua khu vực có dây dẫn điện rơi xuống nước hoặc hệ thống công tơ, tủ đấu dây điện bị ngập. Các hộ dân tuyệt đối không dùng điện để bẫy chuột hay đánh cá. Các thiết bị trong gia đình như tủ lạnh, bình nước nóng... cần phải được nối đất để đảm bảo an toàn.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hạikhi có sự cố về điện, cần thực hiện 12 biện pháp đề phòng tai nạn điện:

1. Không chạm vào chỗ đang có điện trong nhà như ổ cắm điện, cầu dao, cầu chì không có nắp đậy, chỗ tróc vỏ bọc cách điện của dây dẫn điện, chỗ nối dây, điện trần... để không bị điện giật chết người.

2. Dây dẫn điện trong nhà phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để có dòng điện cho phép của dây dẫn lớn hơn dòng điện phụ tải để dây điện không bị quá tải gây chạm, chập, phát hỏa trong nhà.

3. Phải lắp cầu dao hoặc áp tô mát, thiết bị ngắt nhanh ở phía sau điện kế, ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt nhanh dòng điện khi có chạm, chập hoặc quá tải, ngăn ngừa phát hỏa do điện.

4. Khi sử dụng các công cụ điện cầm tay như máy khoan, máy mài... phải mang găng tay cách điện hạ thế để không bị điện giật khi công cụ điện bị ròđiện.

5. Khi sửa chữa điện trong nhà phải cắt cầu dao điện và treo bảng "cấm đóng điện, có người đang làm việc" tại cầu dao để không bị điện giật.

6. Không để trang thiết bị phát nhiệt ở gần đồ vật dễ cháy, nổ.

7. Không sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà có chất lượng kém... dễ gây chạm, chập, rò điện ra vỏ gây điện giật chết người cho người sử dụng, gây phát hỏa trong nhà.

8. Không bắn súng hoặc ném đất, đá, thanh, cây kim loại, dây kim tuyến, pháo hoa... vào đường dây điện, trạm điện vì có thể làm chạm, chập, đứt dây gây nguy hiểm.

9. Không lắp đặt ăng ten ti vi gần đường dây, trạm điện vì ăng ten có thể ngã đổ vào dây điện, trạm điện gây chạm, chập, đứt dây, phóng điện rất nguy hiểm, làm chết người đang tháo lắp ăng ten.

10. Không được tới gần đường dây, trạm điện 15 kV, 22 kV trong phạm vi 2 m, đường dây, trạm điện 110 kV trong phạm vi 4 m bằng bất cứ cách gì như xây dựng nhà cửa, xây dựng công trình, leo lên mái nhà, sân thượng, leo ra ban công, lan can, ô - văng...các nhà, công trình gần đường dây, trạm điện, hoặc đưa đồ vật dài, cần cẩu của xe cẩu lên gần đường dây điện để phòng ngừa điện giật hoặc bị điện cao thế phóng chết người.

11. Khi trời mưa, giông, bão... không chạm người vào cột điện, dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao... để đề phòng điện giật do rò điện.

12. Khi phát hiện trụ điện ngã hoặc dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao, hồ... không được đến gần và phải cấp báo cho mọi người xung quanh biết, tìm cách lập rào chắn, dùng mọi phương tiện thông tin báo ngay cho Điện lực khu vực.


Bùi Minh

Các tin khác


Đánh giá quy định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội

Liên quan đến việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính cho hay, Bộ này đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá quy định của pháp luật về hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội đồng hương Thái Bình tại TP Hòa Bình

Ngày 17/3, Hội đồng hương Thái Bình tại TP Hòa Bình tổ chức gặp mặt mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 30 năm thành lập (5/10/1993 – 5/10/2024). Tới dự có các đồng chí: Trần Đăng Ninh, nguyên Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV; Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình; Đặng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình...

Tai nạn do sử dụng thiết bị điện tử không đúng cách

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tiếp nhận cấp cứu cho nhiều nạn nhân với những chấn thương nghiêm trọng như: Bỏng, dập nát bàn tay, thậm chí mù mắt… Nguyên nhân của những chấn thương đó là do thiết bị điện tử (máy tính xách tay, điện thoại di động) phát nổ khi đang sử dụng. Các trường hợp gặp nạn đều vào lúc vừa sử dụng thiết bị điện tử vừa cắm sạc pin.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Thủy lan toả chương trình “Mẹ đỡ đầu”

Thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Yên Thủy xây dựng Kế hoạch số 10/KH-BTV, ngày 17/2/ 2022 về chương trình "Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 triển khai tới các cơ sở Hội. Đồng thời, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên bằng nhiều hình thức giúp cán bộ, hội viên hiểu về ý nghĩa, mục đích của chương trình "Mẹ đỡ đầu”. Tăng cường tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn để có nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình.

Nghề mây, tre đan - điểm tựa cho hộ nghèo xã Văn Nghĩa

Nghề mây, tre đan thủ công ở xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) có từ lâu đời. Những năm qua, xã từng bước khôi phục, phát triển nghề truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Ra mắt Công ty Liên doanh cung ứng nhân lực Glory EPB tại Nhật Bản

Ngày 15/3, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình (TP Hoà Bình) tổ chức lễ ra mắt Công ty Liên doanh cung ứng nhân lực Glory EPB tại Nhật Bản và công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục