Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành công văn chỉ đạo; Chủ tịch UBND tỉnh liên tiếp ban hành 3 công điện chỉ đạo các sở, ngành, địa phương; 100% quân số lực lượng công an, quân đội, xung kích được huy động để ứng phó với bão số 3.


Đoàn viên, thanh niên và dân quân tự vệ thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) tham gia dọn dẹp vệ sinh khắc phục hậu quả sau bão

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua với sức gió cấp 14, giật cấp 17. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có mưa vừa, mưa to đến rất to; lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động đo được lớn nhất đạt 450,8 mm.

Trước nguy cơ tác động của siêu bão, tỉnh Hoà Bình đã hoãn mọi cuộc họp và tổ chức họp khẩn triển khai công tác ứng phó. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có công văn chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh liên tiếp ban hành 3 công điện để chỉ đạo các cấp, ngành triển khai công tác ứng phó với bão. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với phương châm chủ động, tích cực.

Ngay sau cuộc họp triển khai, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã thành lập 6 đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Ban chỉ huy giao trách nhiệm cho lãnh đạo các sở, ngành phụ trách các xã trực tiếp xuống địa bàn, nắm thông tin và tham gia phòng chống bão. 100% quân số lực lượng công an, quân đội và xung kích tại cơ sở đã được huy động ứng phó với bão.

Các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn tổ chức rà soát những trọng điểm xung yếu, các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, ngập úng và các công trình thủy lợi, công trình xây dựng dở dang, tình hình sản xuất nông nghiệp. Với phương châm an toàn tính mạng cho người dân là trên hết, ngay chiều 6/9, các huyện, thành phố đã tiến hành di dời nhiều hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng về nơi an toàn. Đến sáng 7/9, toàn tỉnh di dời hơn 400 hộ dân và đến đêm 7/9, các lực lượng chức năng đã di dời hơn 1.300 hộ dân về nơi an toàn. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hoà Bình thực hiện di dời tạm thời nhiều hộ dân để tránh bão.

Tại thành phố Hoà Bình, địa bàn xung yếu có nguy cơ sạt lở vùng hạ du, ngay từ sáng 7/9, thành phố đã di dời 121 hộ dân, trong đó có 61 hộ ở làng vạn chài, sinh sống dọc tuyến đê Ngòi Dong, phường Thịnh Lang và 57 hộ ở dãy nhà A8, A9 đã xuống cấp thuộc phường Tân Thịnh về nơi an toàn. Đồng chí Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang cho biết: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, UBND phường đã xây dựng phương án và tổ chức di dời toàn bộ hộ dân khu vực làng chài ngay từ tối 6/9 lên nhà văn hoá phường. Đồng thời huy động các hội, đoàn thể bố trí công tác hậu cần nơi ăn ở, ngủ nghỉ cho người dân.

Ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, từ ngày 7/9, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, đứt gãy nghiêm trọng. Để đảm bảo giao thông thông suốt, Sở GTVT đã huy động toàn bộ quân số cử người trực ban và tổ chức kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ. Khi có sự cố đã khẩn trương điều động phương tiện hót dọn đất đá, đảm bảo giao thông thông suốt. "Đặc biệt trên địa bàn có các tuyến đường trọng yếu như Quốc lộ 6 đoạn qua dốc Cun đang thi công, đường 433, đường 435 thường xuyên bị sạt lở, Sở đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các nhà thầu thi công huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, cắm biển cảnh báo, rào chắn, hót dọn đất đá, đảm bảo giao thông. Riêng khu vực dốc Cun đã cho dừng thi công trước khi bão về để đảm bảo an toàn”, đồng chí Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT cho biết.

Cùng với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao các cấp ủy, chính quyền, người dân trong tỉnh đã tích cực tham gia công tác phòng, chống bão. Nhiều hộ gia đình đã chia sẻ nhà ở đối với các hộ bị sạt lở tạm trú trong thời điểm mưa bão. Các hộ đã chủ động gia cố nhà cửa, thu gom vật dụng ngoài trời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ. Các lực lượng dân phòng tích cực tham gia tuần tra, canh gác, hỗ trợ người dân ứng phó với bão số 3.

Bão đã đi qua, tuy không trực tiếp bị bão đổ bộ nhưng do ảnh hưởng mưa lớn, trên địa bàn tỉnh đã có 5 người thương vong, 146 hộ/nhà bị ảnh hưởng; 1.228 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Tổng diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại là 1.488,9ha; sạt lở, sụt lún nhiều điểm trên các tuyến giao thông.

Khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Phi Long chỉ đạo: Các cấp uỷ đảng, chính quyền khẩn trương chỉ đạo khắc phục thông các tuyến đường bị sạt lở, khắc phục hậu quả liên quan đến nông nghiệp, tập trung cứu diện tích lúa đang thời kỳ trổ bông và sắp cho thu hoạch. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ các gia đình bị nạn, hỗ trợ xây lại nhà, các điều kiện để đảm bảo ổn định cuộc sống. Đặc biệt, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn người dân triển khai các phương án đề phòng sạt lở đất, vì hiện nay Hoà Bình là một trong những tỉnh nguy cơ cao về sạt lở đất; tiếp tục lưu trú các hộ dân đã di dời khỏi khu vực sạt lở đến khi đảm bảo an toàn. 

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện nay, các sở, ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại, đồng thời tăng cường cán bộ đi cơ sở, hướng dẫn các biện pháp khôi phục sản xuất - kinh doanh do mưa bão. Trong đó, tập trung dọn dẹp các trường học, cơ sở giáo dục; kiểm tra đảm bảo tình hình cung ứng hàng hoá trên địa bàn và triển khai công tác vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo vệ môi trường.


Đinh Hòa

Các tin khác


Hội LHPN huyện Lương Sơn: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội LHPN các cấp huyện Lương Sơn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá đề ra; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội và tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, hướng tới những nội dung hội viên phụ nữ đang quan tâm.

Cảnh báo lũ trên các sông ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát đi cảnh báo khẩn cấp lũ trên các sông Thao, Lục Nam, Cầu, Thương Hoàng Long; cảnh báo lũ trên các sông Bắc Bộ, Thanh Hóa.

Hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại Sơn La, Điện Biên

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 8/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên.

Ảnh hưởng của bão số 3: Toàn tỉnh có 4 người chết, trên 1.400 hộ dân phải sơ tán

Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai  - Tìm  kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, tính đến 15h00’ ngày 8/9, trong tỉnh có 5 người thương vong, trong đó có 4 người chết, 1 người bị thương do bị sạt lở, vùi lấp đất tại xóm Chầm, xã Tân Minh (Đà Bắc). Các huyện, thành phố đã khẩn cấp sơ tán 1.434 hộ dân ra khỏi 33 khu vực ngập úng, có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục