Thanh niên xóm Thượng Tiến, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) phát triển hiệu quả mô hình nuôi ong lấy mật.
Quan tâm đưa việc thực hiện công tác ủy thác vay vốn NHCSXH là một trong những cơ sở đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên hàng năm. Do đó, để nguồn vốn vay sử dụng hiệu quả, Đoàn xã Hợp Tiến đã phối hợp NHCSXH huyện, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) triển khai các văn bản, chương trình ưu đãi của NHCSXH đến ĐVTN. Thực hiện tốt việc bình xét đối tượng vay một cách công khai, dân chủ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình. Công việc kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng vốn tại các địa phương được thực hiện thường xuyên, chế độ sinh hoạt tổ TK&VV được duy trì. Các chi hội thực hiện đôn đốc thu lãi, tiền gửi hàng tháng có hồ sơ sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ. Các chi hội thực hiện đôn đốc thu lãi, tiền gửi hàng tháng có hồ sơ sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ.
Song song với công tác vay vốn, Ban Chấp hành Đoàn xã phối hợp với các tổ TK&VV vận động tổ viên chấp hành Quy ước hoạt động của tổ, thực hành tiết kiệm, chia sẻ kinh nghiệm trong sử dụng vốn; thanh toán gốc, lãi đúng hạn; ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động khác của NHCSXH. Cùng với đó, Đoàn xã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho ĐVTN tham gia. Cung cấp các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, chọn ngành, nghề, chọn trường cho học sinh, ĐVTN, nhất là học sinh khối 12. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin, thị trường lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động và học sinh sau khi ra trường.
Với vai trò là cầu nối giúp ĐVTN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đến nay, Đoàn xã Hợp Tiến quản lý tổng dư nợ của NHCSXH là 8.475 triệu đồng; có 5 tổ TK&VV với 197 hộ vay. Hỗ trợ nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi, nhiều ĐVTN trong xã từng bước vươn lên làm chủ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững với những mô hình kinh tế hiệu quả như: nuôi ong mật, chăn nuôi gà, vịt, kinh doanh đồ gỗ...
Một trong số đó có anh Bùi Văn Tùng, xóm Vãng. Anh Tùng phát triển kinh tế với trang trại chăn nuôi gà mía. Trước đó, anh được tiếp cận vay vốn NHCSXH huyện với số tiền 20 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, Đoàn xã tiếp tục tạo điều kiện giúp vay thêm nguồn vốn chính sách 100 triệu đồng để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Theo anh Tùng, từ nguồn vốn vay, anh đã mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ đó năng suất sản phẩm tăng lên, đầu ra ổn định, gia đình có thu nhập khá. Đến nay, anh làm chủ 3 trang trại nuôi gà mía với gần 3.000 con gà. Bình quân sau khi xuất chuồng, anh thu khoảng 450 - 500 triệu đồng/lứa.
Ngoài anh Tùng, nhờ nguồn vốn chính sách, trên địa bàn xã đã xuất hiện các điển hình ĐVTN tiêu biểu trong phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp như các anh: Đinh Công Mạnh, xóm Sim Ngoài với mô hình kinh doanh đồ gỗ; Đinh Công Thuần, xóm Thượng Tiến với mô hình nuôi ong lấy mật, sản phẩm của HTX do anh Thuần làm chủ đã được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh...
Anh Bạch Công Thưởng, Bí thư Đoàn xã Hợp Tiến cho biết: Từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã tạo điều kiện và động lực khích lệ ĐVTN mạnh dạn đầu tư, lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo; đồng thời, xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh. Thời gian tới, Đoàn xã Hợp Tiến tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay uỷ thác, giúp ĐVTN trong xã có thêm nguồn lực khởi nghiệp thành công và làm giàu chính đáng...
Thu Hằng