Đồng chí Lường Thị Thơ, Chủ tịch UBND xã Trung Thành, huyện Đà Bắc (người đứng) tiếp dân, giải đáp ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
Trung Thành là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc. Đồng chí Lường Thị Thơ, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: "Xã có địa hình đồi núi cao, nhiều hộ sống dưới chân núi, vào mùa mưa bão tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Do đó chúng tôi thường xuyên đi khảo sát thực tế, nắm tình hình để có phương án xử lý. Hộ nào có nguy cơ bị ảnh hưởng xã có phương án tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di dời ngay".
Vừa dứt câu chuyện, chị Thơ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trực tiếp tiếp dân, nghe và giải đáp những ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ở huyện vùng cao Đà Bắc, ngoài chị Thơ còn có những Chủ tịch UBND xã là nữ khác cũng rất năng nổ, trách nhiệm trong công việc như chị Đinh Thị Cúc, Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn…
Từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm giữ những vị trí quan trọng, qua thực tiễn công tác đã khẳng định và phát huy được vai trò của mình. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ngày càng cao.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 19/05/2008 của Bộ Chính trị về "công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐHđất nước”, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản của T.Ư, của tỉnh về công tác cán bộ nữ thông qua việc đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo tỷ lệ nữ đúng theo quy định.
Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay cán bộ nữ diện Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy quản lý chiếm 18%, thuộc diện BTV Huyện ủy quản lý chiếm 21%. Cán bộ nữ tham gia Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh chiếm 17%, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện chiếm 18%, cấp cơ sở chiếm 20%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 22%, cấp huyện 28%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo UBND cấp huyện chiếm 6,5%, cấp xã 8,3%.
BTV Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, phấn đấu có 25% cán bộ nữ trở lên. Quan tâm, chú trọng phát hiện cán bộ nữ trẻ có năng lực, đảm bảo sự kế cận cho nguồn quy hoạch các chức danh giai đoạn 2025 - 2030 và ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đặc biệt, ngày 20/06/2022, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 10-ĐA/TU và Nghị quyết số 11-NQ/TU về "xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, với quan điểm là cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ xây dựng và tạo nguồn, cũng như mạnh dạn lựa chọn sử dụng cán bộ nữ. Mục tiêu đến năm 2030, cán bộ nữ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý chiếm trên 20%, thuộc diện BTV Huyện ủy quản lý chiếm trên 22%.
Để hoàn thành mục tiêu đó, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng gắn với quy hoạch cán bộ nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn tiếp theo. Tỷ lệ nữ cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ do T.Ư, tỉnh mở chiếm 33%. Cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng, quan tâm bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo đảm bảo đúng quy trình, quy định; phát huy được vai trò lãnh đạo, khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao của cán bộ nữ. Giai đoạn 2018 - 2023 đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 12/97 đồng chí cán bộ nữ cấp tỉnh, 125/595 đồng chí cán bộ nữ cấp huyện. Công tác phát triển đảng viênnữ được các cấp ủy quan tâm, hiện tổng số đảng viên nữ trong toàn đảng bộ chiếm 38,5%.
Đồng chí Bùi Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cán bộ nữ của tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn như: tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí chủ chốt còn thấp; vẫn còn một bộ phận phụ nữ sống ở nông thôn, miền núi, là người dân tộc thiểu số còn tự ti, mặc cảm, còn nhiều thiệt thòi do hạn chế khả năng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách; còn tồn tại định kiến giới… Trước thực tế đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu BTV Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo các cấp ủy, địa phương chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ; tạo mọi điều kiện để phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý để tránh sự thiếu hụt về số lượng cán bộ nữ. Chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt; quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện tham gia các hoạt động chính trị - xã hội.
Dương Liễu