Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở).
Theo Bộ Nôi vụ, để bảo đảm thực hiện chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, hoàn thiện hệ thống chức danh, vị trí việc làm, giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức.
Luật Cán bộ, Công chức hiện hành đang quy định cơ chế quản lý riêng đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng.
Tại Luật Cán bộ, Công chức và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã có quy định về việc liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, tuy nhiên còn phát sinh nhiều thủ tục hành chính khi thực hiện.
Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật là việc sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở).
Theo đó, dự thảo Luật không tiếp tục quy định về khái niệm cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời quy định cán bộ, công chức thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Đồng thời dự thảo Luật bỏ Chương V về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật Cán bộ, Công chức hiện hành. Dự thảo Luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng rà soát các quy định về thẩm quyền để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đề xuất bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành) với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính liên tục trong công tác cán bộ để không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp ngay khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp...
Sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.
Cụ thể như: Bổ sung Chương III quy định về riêng nội dung về Vị trí việc làm gồm 4 điều (từ Điều 11 đến Điều 14) về khái niệm vị trí việc làm, phân loại vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; thay đổi vị trí việc làm và nội dung quản lý về vị trí việc làm.
Bổ sung quy định phân định các vị trí việc làm phải thực hiện tuyển dụng và các vị trí việc làm có thể được phép ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài (khoản 7 Điều 14; khoản 3 Điều 23).
Bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, "tình trạng công chức suốt đời", cơ chế đào thải không đủ mạnh; bảo đảm xây dựng đội ngũ tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài để phục vụ Đảng, đất nước và Nhân dân (Điều 13, Điều 14, Điều 26).
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng tiếp tục hoàn thiện quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ đáp ứng yêu cầu; các quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến công tác cán bộ (bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, kỷ luật, đánh giá) giao Chính phủ quy định hoặc phân cấp việc quy định bảo đảm phù hợp với sự phát triển trong từng giai đoạn.
Theo Bộ Nội vụ, khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực thi hành sẽ đổi mới toàn diện công tác quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Theo VTV.VN
Chiều 26/3, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025).
Ngày 24/3, Ban Quản lý Quỹ "Vì người nghèo”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình quyết định phân bổ nguồn quỹ cho các xã, thị trấn của huyện Kim Bôi để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Theo Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ ngày 20/3/2025, việc sinh con thứ ba không còn được xem là hành vi vi phạm để xử lý kỷ luật Đảng.
Các hãng hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch tăng chuyến trên nhiều đường bay phục vụ hành khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm Hè 2025.
Bộ Nội vụ khuyến khích đặt tên đơn vị cấp xã mới theo tên của đơn vị cấp huyện trước sắp xếp, có gắn số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu.
Chiều 25/3, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 9 (25/3/2016 - 25/3/2025) và chương trình "Gian hàng 0 đồng - Kết nối yêu thương”.