Những điểm trường vùng cao có thêm phòng học kiên cố, con đường đất được thảm bê tông… Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đang chuyển mình. Thực hiện Đề án 03, ngày 9/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hòa Bình về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025, hơn 1.350 tỷ đồng đã được lồng ghép từ nhiều nguồn lực để đầu tư cho vùng cao của tỉnh. Không chỉ là con số ngân sách, từ đây đã tạo nên những chuyển động tích cực, bền vững ở nơi vẫn được xem là "lõi nghèo” của tỉnh.
Những năm qua, Sở Dân tộc và Tôn giáo đã lồng ghép nhiều nguồn lực để triển khai hiệu quả Đề án 03. Ảnh: Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã có truy xuất nguồn gốc, tạo uy tín với người tiêu dùng.
Trong hơn 1.350 tỷ đồng được tỉnh lồng ghép, huy động để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có gần 1.000 tỷ đồng là vốn đầu tư phát triển. Không chỉ là quyết tâm chính trị, đây còn được xem là "liều thuốc mạnh” giúp gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, từ giao thông đến điện, nước, trường học, nhà ở…
Theo đồng chí Đinh Duy Chuyên, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, từ nguồn vốn này, hàng trăm công trình đã được khởi công, hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại, giao thương thuận tiện hơn. Các điểm trường lẻ được nâng cấp, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng mới, hàng ngàn hộ dân được hỗ trợ làm nhà ở theo đúng chuẩn "ba cứng”. Không chỉ hạ tầng dân sinh, hạ tầng phục vụ sản xuất như đường nội đồng, kênh mương thủy lợi, điểm tập kết nông sản… cũng được đầu tư bài bản hơn.
Đề án 03 còn mở ra những cơ hội mới về sinh kế cho người dân vùng cao. Hàng loạt dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã được triển khai tại các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với phương châm: hỗ trợ thiết thực – tổ chức sản xuất – bao tiêu đầu ra.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 15 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, người dân được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tham gia mô hình trình diễn và kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã để đảm bảo đầu ra. Một số mô hình bước đầu mang lại kết quả tích cực như: chăn nuôi bò, dê sinh sản tại các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn; nuôi cá lồng trên hồ Thủy điện Hòa Bình; trồng cây ăn quả, dược liệu bản địa tại các huyện Tân Lạc, Mai Châu, Kim Bôi...
Từ ngày tham gia mô hình chăn nuôi dê sinh sản, gia đình ông Đinh Văn Mẹo, xóm Sơn Lập, xã Cao Sơn (Đà Bắc) như có thêm một "nguồn sống” mới. Là nhóm trưởng của tổ nuôi dê, ông Mẹo được hỗ trợ 12 con giống ban đầu và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh. Đàn dê hợp đất, ăn khỏe, lớn nhanh; mỗi năm sinh đều đặn 2 lứa, mỗi lứa 1 - 2 con. "Mình chỉ cần chăm tốt là năm sau có con để bán, có con để nuôi tiếp. Lúc trước chỉ trông vào ít ruộng nương, giờ đã đỡ vất vả hơn nhiều” - ông Mẹo cười hiền.
Điểm sáng của các mô hình này là không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, mà còn làm thay đổi cách nghĩ, cách làm. Trong trồng trọt, bà con bắt đầu làm nông theo kế hoạch mùa vụ, đơn hàng, biết đặt câu hỏi về năng suất, chất lượng, thị trường. Đặc biệt, việc lồng ghép nội dung xây dựng thương hiệu, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, OCOP hóa sản phẩm cũng đang được chú trọng, tạo bước đệm để nông sản vùng cao vừa "được mùa”, vừa "được giá”.
Bên cạnh hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật…, thực hiện Đề án 03, Sở Dân tộc và Tôn giáo còn tập trung khơi thông một nguồn lực đặc biệt - nguồn lực con người, từ chính lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 3 năm, ngành đã tham mưu UBND tỉnh triển khai 35 dự án đào tạo nghề và hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Người dân được dạy nghề theo hình thức "cầm tay chỉ việc”, gắn chặt với điều kiện thực tế và nhu cầu địa phương như chăn nuôi, trồng trọt, thủ công truyền thống, chế biến nông sản, làm du lịch cộng đồng… Nhiều hộ sau khi học nghề đã mở được xưởng nhỏ, tổ hợp tác, thậm chí đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, nhưng quá trình định danh nông sản và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thể "bứt tốc” như kỳ vọng. Đồng chí Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo thẳng thắn chỉ rõ: Thiếu mặt bằng sản xuất, quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư và thiếu lực lượng doanh nghiệp đồng hành đang là những nút thắt khiến nhiều mô hình còn dừng ở mức "thí điểm”.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, nông dân vẫn chưa thực sự chủ động với thị trường; sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu riêng, khó cạnh tranh. Việc xây dựng mã số vùng trồng, tem truy xuất, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… vẫn chưa được chú trọng, nhất là tại một số xã vùng sâu, vùng xa. Công tác xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Một số mô hình hiệu quả chưa được nhân rộng do thiếu sự gắn kết giữa các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp.
Ngành Dân tộc và Tôn giáo đang tập trung khắc phục những hạn chế nêu trên để Đề án 03 ngày càng được cụ thể hoá, với kỳ vọng sẽ tạo nên những bước chuyển động rõ nét từ hạ tầng đến sinh kế, từ vật chất đến tư duy nơi rẻo cao.
Minh Vũ
Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 0h23’ ngày 22/4 đã xảy ra vụ cháy quán ăn 1999 tại tiểu khu Mu, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc), diện tích khoảng 200 m2. Chủ quán là anh Nguyễn Thành L, sinh năm 1999, trú tại tiểu khu Tày Măng, thị trấn Đà Bắc.
Tháng Tư này, 15 đại biểu người có công (NCC) tiêu biểu tỉnh Hoà Bình là cán bộ, chiến sỹ, người trực tiếp tham gia làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có hành trình về nguồn đầy cảm xúc, cùng chuyến thăm các di tích lịch sử, văn hóa tại TP Hồ Chí Minh. Qua các điểm đến: Khu di tích lịch sử quốc gia Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà hát thành phố, Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh… đã làm sống lại ký ức về những ngày tháng oanh liệt của 50 năm trước, đồng thời lan tỏa thông điệp về hòa bình, đoàn kết và phát triển.
Hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, đặc biệt là đợt cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Cao Phong đã, đang triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, góp phần hiện thực hóa ước mơ về những mái ấm kiên cố, an toàn cho hội viên phụ nữ nghèo và người dân trên địa bàn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các đơn vị: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện; Thanh tra Bộ về việc triển khai Công điện số 40/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả.
Chiều 21/4, cùng đoàn công tác của Huyện ủy Lạc Sơn, chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa phố Re, xã Ân Nghĩa. Tại đây, công tác chuẩn bị cho Hội nghị lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được hoàn tất. Từ khu vực niêm yết các bản đồ liên quan, đến 2 hòm phiếu đặt ngay chính giữa nhà văn hóa cũng đều đã sẵn sàng.