Khu du lịch Laguna Lăng Cô từ trê cao nhìn xuống. (Nguồn:
lagunalangco)
Tính đến tháng Năm này, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô ở tỉnh Thừa
Thiên-Huế, đã thu hút 21 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng nguồn vốn
trên 67.000 tỷ đồng.
Chỉ riêng 5 tháng đầu năm nay, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đã thu
hút 8 dự án đầu tư; trong đó có 4 dự án nước ngoài có tổng vốn đăng ký trên 60
triệu USD.
Đáng chú ý, Khu du lịch Laguna Lăng
Cô của Tập đoàn Banyan Tree, được điều chỉnh tăng vốn lên 2 tỷ
USD, hướng đến trở thành một trong những khu nghỉ dưỡng biển lớn nhất của cả nước
trong tương lai.
Laguna Lăng Cô được bao quanh bởi bờ biển dài 3km, trải rộng trên
diện tích 280ha tại Chân Mây, nối liền với vịnh Lăng Cô hướng ra Biển Đông.
Cùng đó là dự án Khách sạn
Banyan Tree Lăng Cô với 229 phòng nghỉ mang phong cách đương đại
độc đáo với khu dịch vụ Spa có phương pháp trị liệu và dịch vụ độc đáo đã đoạt
nhiều giải thưởng quốc tế. Ở đây còn có sân golf 18 lỗ, trung tâm hội nghị và
hàng loạt các hoạt động giải trí cho khách hàng ở mọi lứa tuổi.
Tiếp đó, Khu du lịch quốc tế Minh Viễn cũng đang gấp rút hoàn
thành, đưa vào khai thác khoảng 200-300 phòng lưu trú giai đoạn 1 của dự án vào
cuối năm nay.
Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Lăng Cô-Cảnh Dương đến năm
2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt cũng định hướng phát
triển xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch nổi
bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa-thể thao, cảng quốc tế.
Việc hình thành thương hiệu Khu du lịch quốc gia Lăng Cô-Cảnh
Dương góp phần nâng cao sức cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du
lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cụ thể, đến năm 2025, Khu du lịch
quốc gia Lăng Cô-Cảnh Dương đặt mục tiêu đón trên 1,5 triệu lượt
khách; trong đó, có khoảng 600.000 lượt khách quốc tế.
Đến năm 2030, khu này đón trên 2,5 triệu lượt khách; trong đó có
khoảng 950.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt
khoảng 3.400 tỷ đồng và đạt khoảng 7.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Các sản phẩm du lịch chủ yếu được định hướng phát triển gồm nghỉ
dưỡng biển và đầm phá kết hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái
biển, đảo, du lịch sinh thái đầm phá và du lịch sinh thái rừng; các sản phẩm du
lịch golf: thể thao golf gắn với các trung tâm huấn luyện golf và các giải thi
đấu golf quốc gia, quốc tế.
Bên cạnh đó còn có các sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải
trí công nghệ cao, các hoạt động thể thao nước và trên bãi biển, công viên
chuyên đề, vui chơi giải trí có thưởng casino, đua ngựa; phát triển các sản phẩm
du lịch phụ trợ khác./.
TheoVietnamplus