(HBĐT)-Tháng 7, miền Trung nắng và nóng nhưng không quá khó chịu khi có làn gió mát rượi thổi từ biển. Cũng vì thế, thời điểm này, du khách các nơi đổ về đây đông hơn dịp khác. Đưa du khách đi thăm thành phố Quy Nhơn (Bình Định) trong đêm trăng mờ ảo, anh Đức Tiến, người lái xe điện chuyên chở khách chia sẻ: Các anh, chị vào dịp này là đẹp nhất đó. Mùa này, sóng êm và xanh trong hơn. Còn phía tây kia, nhiều thắng cảnh du lịch cũng không kém phần hấp dẫn. Đến Bình Định cần cả lên rừng và xuống biển…



   Một góc danh thắng Hầm Hô(Tây Sơn-Bình Định)


Danh thắng Hầm Hô - viên ngọc xanh giữa đại ngàn

Qua thị xã An Nhơn, theo đường 19 ngược phía Gia Lai, cách thành phố Quy Nhơn chừng 50 km, du khách có thể được trải nghiệm nhiều điều thú vị trên đất võ Tây Sơn. Trong đó, danh thắng Hầm Hô ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú (Tây Sơn) là sự lựa chọn của du khách phương xa. Hầm Hô được bao bọc bởi 2 ngọn núi thuộc nhánh của đại ngàn Trường Sơn. Dòng Hầm Hô do hạ lưu sông Kút trên đường chảy ra sông Côn tạo thành. Trên dòng sông dài 3 km là vô vàn những tảng đá hoa cương lớn, nhỏ với các hình thù kỳ thú như hòn Đá Đôi, hòn Đá Thành, hòn Gõ, đá Bàn Cờ, hòn Chuông, thác Cá Bay… gắn với các sự tích.

Thăm quan Hầm Hô, du khách có thể lựa chọn hình thức đi bộ và đường sông. Nhưng hầu hết du khách đều chọn lúc đi ngồi thuyền, lúc về bến cũ bằng đường bộ. Nếu đi đường bộ, du khách được đi dưới những tán cây rợp bóng, nghe được cả tiếng chim lích chích chuyền cành, được ngắm sông nước và những con thuyền khua nhẹ mái chèo, thì người đi thuyền lại thấy được hòa mình với dòng nước trong xanh, mát rượi. Người lái thuyền vui tính, có gương mặt rám nắng cho biết: Các anh chị à, Hầm Hô từng là nơi mang dấu ấn lịch sử, từ thời phong trào Cần Vương. Trong các cuộc kháng chiến, đây là nơi bám trụ của các chiến sỹ. Họ sống và chiến đấu nhờ vào nước, cá, ốc và rau rừng. Từ năm 2005, dịch vụ chèo thuyền đưa khách du ngoạn trên Hầm Hô được hình thành. Dịp này, mực nước lên vừa phải, khách đông hẳn lên. Mỗi ngày riêng tôi cũng chèo 5 - 7 chuyến…

Vừa len lỏi qua các ngách đá, tảng đá khổng lồ, vừa ngắm nước, ngắm rừng dưới nắng vàng và nghe câu chuyện của người dân bản địa còn gì thú bằng… Khi biết đoàn chỉ thăm quan trong ngày, người chèo thuyền có vẻ tiếc: Đến Hầm Hô mà các bác chưa chèo thuyền kayak, đi câu cá, xem biểu diễn trống trận Quang Trung và nhạc võ, chương trình "Đêm giữa đại ngàn Hầm Hô” cùng đốt lửa trại, uống rượu Bầu Đá ngắm trăng, nghe bài Chòi…. thì cũng hơi tiếc. Ừ, cũng thật đáng tiếc vì quỹ thời gian không nhiều. Nhưng vẫn ngân mãi trong lòng những âm thanh kỳ diệu của dòng nước, tiếng chim hót líu lo sau vòm lá, cùng hình ảnh trùng điệp của những tảng đá kỳ thú giữa non xanh nước biếc, những chòi lá nhô ra mép nước và nụ cười hiền hòa dễ mến của người dân bản địa…



 
Vòng cung bãi biển Quy Nhơn nhìn từ Ghềnh Ráng Tiên Sa. 

Biển xanh, cát trắng, nắng vàng Quy Nhơn

Anh Nguyễn Văn (TP Hồ Chí Minh) lần đầu đến thành phố biển đầy nắng và gió này hồ hởi cảm nhận: Tôi đã dành 3 buổi sáng, chiều và đêm để hòa mình vào vòng cung bãi biển Quy Nhơn dài đến 5 km này để nhận ra rằng nơi đây thật tuyệt, khó đâu sánh bằng. Nước biển xanh ngắt, hiền hòa và sạch. Bãi cát vàng thoai thoải dẫn du khách dần đến đại dương xanh và không có sự hẫng hụt. Ra biển mà lòng không vướng bận điều chi vì các dịch vụ "ăn theo” ở bãi biển không nhiều. Du khách không bị mời mọc chèo kéo. Tất cả: con người, thiên nhiên và biển cả đều chiều lòng du khách. Đến và hòa mình một cách tự nhiên không khiên cưỡng. Anh bảo: Tôi đã đi nhiều vùng biển trong nước, nhưng thích sự hiền hòa của không gian biển Quy Nhơn. Cũng vì điều đó mà anh quyết định đổi vé để cả gia đình ở lại thêm 2 ngày để khám phá thêm nhiều vùng biển khác ở Bình Định…

Chiều, nắng tắt dần trên những hàng dừa ven biển, theo chân anh bạn lên phía cuối đồi Ghềnh Ráng Tiên Sa để ngắm vòng cung biển bãi biển Quy Nhơn. Cả một không gian biển rộng bao la hút tầm mắt hiện ra. Phía xa là hòn đảo có tượng đài Trần Hưng Đạo, nơi có những con tàu ra vào cảng. Gió từ ngoài khơi thổi vào như vỗ về, làm nhẹ bớt nỗi mệt mỏi của thành phố sau một ngày lao động. Bãi biển không quá đông và mọi người thư thái vui đùa với sóng. Bãi biển Quy Nhơn uốn cong như vầng trăng khuyết ôm thành phố hoàng hôn… Cũng vì muốn trả lại sự vẹn nguyên của bãi biển này, Bình Định đang có phương án di dời một số khách sạn cao tầng sát bờ biển đến địa điểm thích hợp. Người dân Quy Nhơn thấy vui vì động thái này…

Nếu bãi biển Quy Nhơn được xếp là số 1 ở Bình Định, thì nhiều bãi biển khác nơi đây cũng hấp dẫn không kém, lại hơn ở sự hoang sơ, phóng túng của thiên nhiên hoang dã, chưa bị con người can thiệp như: bãi Hoàng Hậu (trong khu vực Ghềnh Ráng Tiên Sa), bãi Xép, bãi Cát Tiến, bãi Vĩnh Hội (huyện Phù Cát), bãi Bàu, bãi Nhổm (huyện sông Cầu), bãi Lộ Diêu (huyện Hoài Nhơn)… Đang hút du khách sau bãi biển Quy Nhơn hiện nay chính là bãi Kỳ Co - Eo Gió, thuộc bán đảo Phương Mai, thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) là một eo biển xanh được những rặng núi đá cao uốn quanh ôm gọn tạo thành. Chị Thu Hà, hướng dẫn viên du lịch nói như khẳng định: "Nếu đến Quy Nhơn mà chưa đến Kỳ Co là thiếu đi một phần thú vị của chuyến đi, bởi sự thú vị vì bãi tắm được nối với đồi núi, thiên nhiên hoang sơ, nước biển xanh ngắt trải dài. Gió thổi miên man như mời gọi du khách…”.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Bình Định 134 km đường bờ biển, cùng nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình. Hiện, nhiều điểm du lịch biển đang tiếp tục được đầu tư, xây dựng. Nhiều resort, homestay… ven biển đã hình thành. Năm 2018, Bình Định đón 4 triệu lượt du khách, trong đó, du khách nước ngoài đạt 300.000 lượt người, tổng doanh thu du lịch đạt 3.301 tỷ đồng. Năm 2019, Bình Định hướng tới đón trên 5,1 triệu lượt du khách… Quy Nhơn - Bình Định đang là điểm đến "Thiên đường du lịch” mới, là sự lựa chọn của nhiều du khách. 

Rời Quy Nhơn vẫn còn cảm nhận được nắng, gió, cát trắng cùng nước biển xanh trong lành đầy quyến rũ khiến lòng tự nhủ: "Sẽ trở lại, bởi biển Quy Nhơn đẹp, hấp dẫn, yên bình”.
              

Bùi Huy


Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục