(HBĐT) - Bước qua cổng thành Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội), tôi ngỡ mình đang ngược dòng lịch sử với những truyền thuyết "Thục phán An Dương Vương định đô xây thành”, "Chiếc nỏ thần Kim Quy”, hay chuyện kể về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ… Ra khỏi cổng thành, tôi ngỡ ngàng về một vùng quê trù phú, văn minh, nhưng vẫn giữ nét cổ kính, giàu bản sắc.
Thành Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội) là một trong những quần thể di tích có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử.
Theo mạch dẫn chuyện của hướng dẫn viên du lịch Chu Thị Nương được biết: Khu di tích Cổ Loa có diện tích bảo tồn gần 500 ha, được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III trước công nguyên) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X). Di tích thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ". Đến với mỗi di tích lịch sử trong quần thể di tích như: đền thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu, giếng Ngọc hay chùa Bảo Sơn…
Theo lời giới thiệu: Thành Cổ Loa được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành). Tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước chỉ thuyền bè đi lại được. Ngày nay, ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất, dài tổng cộng 16 km: Vòng ngoài (thành ngoại) chu vi 8 km, vòng giữa (thành trung) hình đa giác có chu vi 6,5 km và vòng trong cùng (thành nội), hình chữ nhật, chu vi 1,6 km.
Trong quần thể khu di tích lịch sử Cổ Loa, đền Thượng (đền Thục Phán An Dương Vương) là điểm thăm quan đáng chú ý nhất. Nhưng với riêng tôi, lần đầu được đến với Khu di tích, tôi đã chọn am thờ Mỵ Châu là điểm dừng chân lâu nhất. Đó là một am nhỏ nằm khiêm tốn dưới gốc đa với vẻ u tịch như muốn gợi về câu chuyện tình ngang trái. Phía sau am thờ có căn phòng nhỏ bao bọc một hòn đá tự nhiên có hình người con gái không đầu - đó là tượng công chúa Mỵ Châu. Truyền thuyết kể rằng: Trước khi bị chém đầu, công chúa Mỵ Châu quỳ xuống chân vua cha và nguyện rằng: "Oan cho con lắm. Nếu con là kẻ bất trung có lòng hại cha, khi chết, thân xác con sẽ biến thành tro bụi. Bằng không hóa thành ngọc, thành đá trôi về hầu cha”. Quả nhiên, vì Mỵ Châu là người vô tình bị mắc mưu kế của Trọng Thủy nên khi chết, máu của nàng chảy xuống biển, các loài trai, sò ăn vào biến thành ngọc, còn thân thể của nàng biến thành một tượng đá không đầu trôi ngược về vùng đất Cổ Loa. Thấy sự lạ, các bô lão làng Cổ Loa cử một nhóm thanh niên lực lưỡng khiêng võng đào ra làm lễ xin được rước tượng đá về thờ. Khi khiêng về đến đền "Ngự triều Di quy” bỗng nhiên tượng tuột xuống, không di chuyển được nữa, dân làng thấy vậy liền lập am thờ, ngày đêm hương khói…
Là tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, bằng chứng về sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ, đến nay, thành Cổ Loa giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa của người dân. Được biết, hàng năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một nghi lễ trang trọng để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành và nhất là để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.
Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và lịch sử, năm 1962, di tích Cổ Loa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012, di tích Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Dẫn chúng tôi thăm quan Khu di tích Cổ Loa, ông Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Đông Anh giới thiệu: Cổ Loa được coi là "vùng đất đặc biệt", bởi còn lưu giữ được nét đặc trưng nông thôn truyền thống Việt Nam với nhiều sản vật quý như: bún Mạch Tràng (món ăn có gốc tích từ truyền thuyết An Dương Vương), bỏng Chủ - một loại bánh được làm từ thóc nếp rang trộn với mật, gừng, cùng với mít, trám đen, chè xanh là những món ngon nổi tiếng.
Nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch, những năm gần đây, huyện Đông Anh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ xã Cổ Loa khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa từ Khu di tích Cổ Loa để xây dựng chương trình giáo dục di sản. Hỗ trợ xã xây dựng thương hiệu bún Mạch Tràng, quy hoạch để khôi phục và bảo tồn nguồn gen của các loại cây đặc sản như: mít, trám đen, chè xanh… để phát triển thành những sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Một mặt, giữ cảnh quan đẹp, tất cả hướng tới mục tiêu xây dựng Cổ Loa vừa cổ kính, giàu bản sắc, vừa văn minh và trù phú.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Cao Phong - Mường Thàng là vùng đất tươi đẹp, trù phú, còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều danh thắng, điểm du lịch được du khách biết đến. Huyện Cao Phong đang khởi động chương trình phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên cơ sở khai thác những tiềm năng riêng có về điều kiện thiên nhiên, văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo.
Khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 đạt 8.480.993 lượt khách, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 6.658.268 lượt khách (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018); khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 139.164 lượt khách (giảm 19,9% so với cùng năm 2018); khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt 1.683.561 lượt khách (tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2018).
(HBĐT) - Khu phố cổ Hội An thuộc thành phố Hội An (Quảng Nam) có diện tích khoảng 2 km2, cách thành phố Đà Nẵng gần 30 km về phía Nam. Khu phố cổ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch đến với Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ tháng 7/2019, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chọn ngày thứ Bảy tuần đầu tiên của mỗi tháng làm "Ngày vì môi trường Phú Quốc”, với phương châm "mỗi tổ chức, cá nhân một hành động vì môi trường đảo ngọc Phú Quốc thêm xanh, sạch, đẹp và an toàn”.
Hàm Thuận Nam nổi tiếng với mũi Kê Gà và ngọn hải đăng trăm tuổi nhưng ít ai biết đến Vịnh Thanh Long (vịnh Hòn Lan) gần đó. Vẻ đẹp của vịnh biển này là sức hấp dẫn khó cưỡng cho bất kỳ ai đến đây dù chỉ một lần.
(HBĐT) - "Chưa đến chùa Chuông coi như chưa về phố Hiến”- câu nói của đồng nghiệp Đoàn Dũng, hiện đang công tác tại Đài PT- TH tỉnh Hưng Yên thôi thúc chúng tôi tìm đến chùa Chuông.