(HBĐT) - Cũng đã nhiều lần hành hương lên Lạng Sơn, nhưng lần nào cũng có cảm xúc vẹn nguyên như lần đầu năm nào. Lòng ngân nga câu thơ của tác giả khuyết danh: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/ Ai lên xứ Lạng cùng anh…”. Đi qua mỗi địa danh lịch sử, gặp các miền quê văn hóa giàu bản sắc càng thấy Lạng Sơn gần gũi thân tình. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, sau những cố gắng không ngừng nghỉ, Lạng Sơn nay thanh bình, tạo ấn tượng mạnh trong lòng du khách bởi nét đẹp hiếm có với nhiều danh thắng, di tích lịch sử đi vào lòng người…
Một góc động Tam Thanh huyền ảo.
Kỳ thú… động Tam Thanh
Bước chân đến chân động Tam Thanh, từng có sự hình thành trên 300 triệu năm, mỗi du khách như muốn đến nhanh hơn một phần vì sự dịu mát, trong lành từ lòng hang phả tới, mà còn bởi phần giới thiệu thật hấp dẫn của hướng dẫn viên Chu Hồng Như. Quả thật, đúng như lời anh Hoàng Tuấn, công dân thành phố biên giới này: "Bất cứ ai đã đến Lạng Sơn đều muốn ghé thăm động Tam Thanh với quần thể 3 động: Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh với mệnh danh "Đệ nhất bát cảnh” xứ Lạng”. Động cũng nằm trong quần thể di tích văn hóa - lịch sử: Động Tam Thanh - núi Tô Thị - thành nhà Mạc. Bên cạnh yếu tố tâm linh, yếu tố lịch sử (nơi đây từng diễn ra các trận đánh ác liệt cùng sự hy sinh quả cảm của nhiều chiến sỹ trong các cuộc chiến tranh) thì cảnh quan động với không gian kỳ vĩ, nhiều màu sắc và ấn tượng đã khiến du khách mê say. Các khoang động kết nối, liền nhau theo chuỗi đều có hình vòm cuốn, càng vào sâu càng bắt gặp các nhũ đá với hình thù đa dạng, đặc sắc gắn bó, liên tưởng đến sinh hoạt của con người, cùng mây trời, muông thú… Càng vào sâu, du khách còn gặp Giếng Trời lồng lộng thênh thang nắng, gió, tiếng những đàn dơi vỗ cánh, cùng giếng Âm Ty nước mát lạnh được thêu dệt bởi bao câu chuyện huyền thoại… Vào động Tam Thanh, du khách còn bị cuốn hút bởi dấu tích cha ông xưa với tấm bia, khắc chữ từ thời Lê Vĩnh Trị năm thứ 2 (năm 1677), bia khắc thơ của quan đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ (năm 1777)… Bao thế hệ đã đến đây chiêm bái, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm linh, cùng không gian động tuyệt mỹ, rồi cùng lên lầu cao ngóng hướng về ngọn núi có nàng Tô Thị bồng con chờ chồng cùng bao tâm trạng về người xưa.
Đỉnh Mẫu Sơn lộng gió ngàn phương…
Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn, ngược núi đồi tầm gần 30 km, len lỏi trên những con đường nhỏ uốn lượn… Đỉnh Mẫu Sơn ập đến khiến lòng du khách choáng ngợp và ngỡ ngàng. Mát rượi, gió núi, gió đồi hào phóng thổi không ngớt. Những bông hoa Cẩm Tú Cầu xanh lam, hồng phớt, tím nhạt cuối vụ vẫn còn lấp ló bên đường, bên mỗi ô cửa sổ. Ngày hè, dòng người lên Mẫu Sơn tấp nập, rộn ràng…
Từng được thưởng thức rượu Mẫu Sơn tại Hà Nội, nhưng vào hầm rượu và nhấp chút rượu trong làn gió mát lành hào phóng ở chính nơi đây thấy thật tuyệt vời. Mẫu Sơn… là gió, là nắng vàng, mây trắng. Mùa hè mà nhiệt độ chỉ tầm 16 - 17 độ, ngồi trong nhà, không cần điều hòa, quạt… mà tóc vẫn bay, mát rượi.
Anh Nguyễn Hoàng Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Đặc sản” nơi đây nhiều lắm: Khu du lịch Mẫu Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2030. Với độ cao từ 1.200 - 1.541 m so với mực nước biển, Mẫu Sơn tạo ấn tượng đặc biệt đối với du khách gần xa bởi nhiều yếu tố độc đáo về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo, khí hậu, thảm thực vật, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa dân tộc… Mùa nào, đỉnh Mẫu Sơn cũng đều có sức cuốn hút du khách đến thăm. Mùa đông… mùa của "hoa băng tuyết” quyến rũ cùng Lễ hội mùa đông (trước đây), còn mùa hè, Lễ hội mùa hè thường được gắn với các hoạt động khá phong phú và đa dạng (khám phá danh thắng núi Phặt Chỉ, thi thả diều, thi leo núi, đua xe đạp, chạy việt dã cùng các trò chơi dân gian), giao lưu nghệ thuật (hát Sli, lượn, kèn Pi lè, khám phá các sản vật địa phương chè Sơn Tuyết, mật ong rừng, chanh rừng), khảo sát tuyến leo núi dã ngoại linh địa cổ Mẫu Sơn - đỉnh núi Cha - khu du lịch Mẫu Sơn… được tiếp cận với nếp sinh hoạt văn hóa của người dân tộc Dao (tắm lá thuốc, rượu ngon do chính họ chưng cất)…
Vẫn theo một "thổ công” xứ Lạng, "Nếu lên đây, chưa có một lần thưởng thức ẩm thực Mẫu Sơn cũng coi như chưa đến”. Bởi vì, các món ăn chỉ có ở Mẫu Sơn như gà nhiều ngón, ếch hương, cá tầm, cá hồi, lợn quay… Vì thế, bữa trưa ở Nhà hàng mang một cái tên lãng mạn "Xứ hoa Đào” khiến du khách nhớ mãi… Nhiều năm gần đây, mỗi năm, Khu du lịch Mẫu Sơn đón trên 200.000 lượt du khách gần xa. Nếu được đầu tư thỏa đáng, Mẫu Sơn sẽ có thể sánh ngang với một Sa Pa, một Đà Lạt nổi tiếng bởi là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng từng được người Pháp phát hiện, khai thác, xây dựng từ đầu thế kỷ XX… Mẫu Sơn vẫn như một cô gái mới lớn, đang từng bước được đánh thức…
Chia tay xứ Lạng, câu hát "Hương hồi xứ Lạng” do nghệ nhân Ánh Tuyết cất lên da diết, đắm say như lời chia tay, cùng lời ước hẹn trở lại: Lạng Sơn, Lạng Sơn ơi/ Ta sinh ra từ nơi rừng hồi/ Ta lớn lên trong hương hoa hồi/ Đất này đất Chi Lăng trang sử vàng lấp lánh/ Đất này đất Bắc Sơn niềm kiêu hãnh tự hào…
Bùi Huy