(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiều thắng cảnh đẹp như: hang đá, đồi chè, suối nước nóng…, ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) từng bước biến những lợi thế, tiềm năng thành động lực phát triển, hứa hẹn trong tương lai là điểm du lịch lý tưởng tại huyện Lạc Sơn.


Các mỏ suối nước khoáng nóng tại xóm Dọi, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) có tiềm năng rất lớn trong phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Xã Quý Hòa cách trung tâm huyện 24 km, có 12 xóm, 1.381 hộ, 6.383 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nằm trong vùng Cộng Hòa (gồm các xã: Miền Đồi, Tuân Đạo, Quý Hòa), thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, có địa thế cao, khí hậu mát mẻ, nhiều xóm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển như Thung 1, Thung 2, rừng già bát ngát, thảm thực vật phong phú được xem là điểm yêu thích để khách du lịch, những người yêu thích phượt khám phá. Đường lên xóm cũng đã được bê tông hóa, đi lại không còn khó khăn như trước. Hang Mụ tại xóm Cáo có vẻ đẹp ấn tượng với nhiều cột thạch nhũ đá vôi rực rỡ, kỳ ảo, được chính quyền và người dân bảo tồn, gìn giữ. Hồ Khả tại xóm Khả có diện tích trên 20 ha, tạo nguồn thủy sinh dồi dào, không gian mát mẻ. Đặc biệt, nhiều mỏ nước khoáng nóng vẫn tuôn chảy ngày đêm, nhiệt độ từ 40 - 500C tại xóm Dọi, được các chuyên gia đánh giá cao về chất lượng, có tiềm năng phát triển kinh tế từ khai thác sản xuất nước uống đóng chai hoặc dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe. Bên cạnh đó, nơi đây còn là cộng đồng sinh sống của đồng bào dân tộc, đậm đà bản sắc văn hóa, nhiều món ăn dân dã, độc đáo. Với những lợi thế đó, xã đã từng bước khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, đề xuất các cấp chính quyền, kêu gọi nhà đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. 

Đồng chí Bùi Văn Dát, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa cho biết: "Tận dụng thế mạnh, điều kiện tự nhiên, xã đã đề xuất, tham mưu các cấp chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng, kế hoạch thu hút đầu tư để phát triển du lịch. Đồng thời, nâng cao ý thức của bà con trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, nguồn nước khoáng nóng quý giá, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư khai thác các dịch vụ từ tiềm năng của địa phương, tạo nhiều việc làm, xóa đói - giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân”.

Con đường lầy lội từ xóm Thung 1, Thung 2 về trung tâm xã nay đã được bê tông hóa, đi lại thuận lợi, không còn lầy lội, du khách có thể đến thăm quan dễ dàng hơn. Xã có tổng diện tích rừng 2.758,3 ha, trong đó, trên 1.200 ha tại xóm Thung 1, Thung 2, Thêu thuộc diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, nhiều lâm sản quý, cảnh quan đẹp, do đó, người dân đã ý thức hơn trong việc giữ gìn, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Trên địa bàn chưa có dịch vụ lưu trú, nhưng khách du lịch muốn nghỉ lại qua đêm cũng không khó, bởi xã chỉ cách các khu vực đông đúc như chợ Chiềng, chợ Vó vài km, có đủ các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí sẵn sàng phục vụ. 

Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, nhiều công ty, doanh nghiệp đã đặt vấn đề triển khai khai thác sản xuất nước uống đóng chai, xây dựng khu nghỉ dưỡng suối nước nóng tại xóm Dọi, khu nghỉ mát tại xóm Thung 1, Thung 2. Tuy nhiên, đường về xóm Thêu, xóm Dọi còn lầy lội bùn đất, nếu được triển khai đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, bà con đi lại bớt khó khăn. Hy vọng trong thời gian tới, xã tiếp tục được quan tâm đầu tư, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút xây dựng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, tạo nhiều việc làm cho lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

Hoàng Anh

Các tin khác


Tuổi trẻ Hòa Bình: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tuổi trẻ Hòa Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chợ nổi Trà Sư - thương hồ phiên ven rừng

(HBĐT) - Thử một lần khám phá rừng tràm đẹp nhất Việt Nam, khách viễn phương mới thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp trác tuyệt, kiều diễm của nàng thơ Trà Sư.

Mường Bi phát triển du lịch cộng đồng bền vững

(HBĐT) - Có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Tân Lạc đang tận dụng tối đa những lợi thế này để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

(HBĐT) Với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ cùng hệ thống danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh, đã tạo nên sức hút đặc biệt đối với du khách trong nước và quốc tế. Sự phát triển của ngành "công nghiệp không khói” là lợi thế để tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Từ đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP và cải thiện đời sống người dân. 

Chèo thuyền kayak - sản phẩm du lịch hấp dẫn trên hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình cùng những điểm du lịch hấp dẫn đã, đang trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Hòa Bình. Tại đây, khách du lịch không chỉ được đắm mình trong không gian yên tĩnh của sông nước hữu tình, hiền hòa, mà còn được khám phá, thử cảm giác mạnh với các trò chơi trên hồ như chèo thuyền kayak, bè mảng, thuyền tôm…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục