Đâu chỉ có thiên nhiên kỳ thú
Có 2 hướng đi bằng đường thủy được lựa chọn nhiều nhất khi thăm quan, du lịch vùng hồ Hòa Bình. Một hướng đi từ cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình) và một hướng đi từ cảng Thung Nai thuộc xã Bình Thanh (Cao Phong). Dù đi từ hướng nào thì chỉ cần bước xuống tàu, bắt đầu vào cuộc hành trình "du sơn, ngoạn thủy", bạn sẽ cảm nhận luồng sinh khí trong lành, thong dong thưởng ngoạn, phóng tầm mắt về chân trời xa tít tắp, đi qua những đảo nhỏ, đảo to mọc lên giữa sông nước bao la, hay những dãy núi trùng điệp, nhấp nhô phía trước. Suốt dọc chiều dài hồ Hòa Bình hơn 100 km, chuyến tàu sẽ đưa du khách đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi lòng hồ hiển hiện tới hơn 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi và 36 đảo núi đất. Vẻ đẹp của núi đá vôi kết hợp cùng nước hồ xanh biếc, chính là điểm nhấn vùng hồ.
Hộ dân làm du lịch cộng đồng bản Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - xã Tiền Phong (Đà Bắc) không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến thăm quan, lưu trú.
Đâu chỉ có vậy, trong hành trình khám phá Khu du lịch hồ Hòa Bình, có nhiều điểm đến khiến du khách khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn. Đó là xã Thung Nai (Cao Phong) với nhiều địa danh nổi tiếng như đền Chúa Thác Bờ - địa điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến thăm quan, vãn cảnh hồ Hòa Bình, hang Trạch, chợ nổi... Ngoài ra còn có các điểm đền Bờ, động Thác Bờ, đảo và nhà nghỉ Cối Xay Gió... Cảnh quan ở đây toát lên vẻ đẹp hoang sơ với những đảo đá trên hồ, những khu rừng rậm rạp. Lên đây dịp cuối tuần, đi sâu vào những trải nghiệm, bạn sẽ thấy tâm hồn như được lấp đầy bởi những cảm xúc ngọt ngào, những mệt nhọc, ồn ào của nhịp sống sôi động chốn thị thành dường như tan biến.
Một điểm đến dành cho những ai ưa thích khám phá tại xã vùng hồ Suối Hoa (Tân Lạc) là di tích động Hoa Tiên thuộc bản Ngòi. Động được người dân trong bản gọi bằng tên gọi khác là "Hồ tiên tắm". Đặc biệt, động nằm giữa lòng dãy núi đá vôi, có hồ nước rộng, trong vắt tới độ nhìn được sâu tận đáy. Bên trong động có vô vàn khối nhũ đá lớn, nhỏ, có khối nhũ khổng lồ "mọc" từ dưới lên như Phật tọa tòa sen, lại có cả những nhóm tượng Phật nhỏ hơn nhấp nhô bên cạnh. Tiến sâu hơn về bên trái động là hồ nước phẳng lặng, trong xanh. Các dải nhũ mềm mại buông xuống hang vô cùng đẹp mắt và khi gõ vào nó, không gian xung quanh vang lên như cả thế giới âm thanh với tiếng cồng, tiếng chiêng từ thuở hồng hoang vọng về. Bên cạnh hồ nước, còn cả một dải các hòn đá cuội xinh xắn, trơn bóng nhiều màu trải vào tận vách hang giúp động Hoa Tiên càng thêm huyền diệu.
Đến với vùng hồ Đà Bắc, du khách tìm thấy nơi yên tĩnh để tận hưởng giây phút thảnh thơi đúng nghĩa. Hang Sưng - xã Cao Sơn, hang Hoàng Cung Nước Ngọc - xã Nánh Nghê hay suối Ké - xã Hiền Lương sẽ giúp có thêm những cảm xúc đẹp về cảnh sắc vùng hồ. Tại đây, còn có các điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn như đảo Dừa - xã Vầy Nưa, đảo Sung - xã Tiền Phong là nơi tổ chức các loại dịch vụ, sản phẩm du lịch có chất lượng, đáp ứng nhu cầu du khách muốn khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, văn hóa khu vực hồ Hòa Bình. Đền Thác Bờ ở xóm Săng Trạch, xã Vầy Nưa cũng là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo khách đến thăm, vãn cảnh.
Hòa mình vào không gian văn hóa trong cộng đồng các dân tộc
Cùng với nền văn hóa Hòa Bình, văn hóa trong cộng đồng các dân tộc vùng hồ Hòa Bình chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận mới mẻ và độc đáo. Muốn tìm hiểu đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người Dao tiền ra sao, mời bạn đến với bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc). Bản Sưng cũng là bản người Dao duy nhất trên địa bàn tỉnh chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp thuần túy sang làm du lịch. Ở đây, bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà trệt vách đất hoặc làm bằng cán gỗ dựng lên giữa lưng chừng đồi. Đặc biệt, bản cực kỳ thu hút khách quốc tế nhờ cảnh vật núi rừng còn nguyên vẻ hoang sơ, chưa có sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Nhiều phong tục, tập quán của đồng bào Dao tiền vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Thêm vào đó là sự thân thiện, dễ mến của người dân bản xứ. Theo chị Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty Du lịch cộng đồng Đà Bắc tại xóm Sưng, chính những yếu tố này đưa bản Sưng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên hành trình khám phá các bản làng du lịch cộng đồng vùng hồ Hòa Bình. Trong thời gian lưu trú ở bản Dao, ngoài thưởng lãm cảnh sắc tự nhiên, du khách còn có những trải nghiệm tuyệt vời khi khám phá hang Sưng, cùng bà con hái chè, lội suối, cấy lúa, trồng rừng, chăn nuôi, xem các hộ làm ẩm thực như nấu rượu hoẵng, làm thịt chua, dệt thổ cẩm, nhuộm chàm... Khi trời nhập nhoạng tối, du khách trở về nghỉ ngơi tại các homestay với lối kiến trúc truyền thống của người Dao được bày trí tối giản, dùng bữa tối và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc để hiểu thêm về văn hóa cộng đồng người Dao tiền.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền kayak trên vùng hồ Hòa Bình.
Một trải nghiệm văn hóa khác mà du khách khó lòng bỏ qua là không gian văn hóa tại các bản làng Mường vùng hồ. Cũng tại huyện Đà Bắc có bản Đá Bia (nay là xóm Đức Phong), một bản của người Mường Ao Tá phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán so với đồng bào dân tộc Mường nói chung, bản Đá Bia mang đến cho du khách cảm nhận riêng về vùng hồ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, cởi mở. Ở đây, bà con còn bảo tồn được nếp nhà sàn truyền thống, khôi phục mô hình "quán tự giác"- nét văn hóa đẹp đã tồn tại lâu đời, hoạt động dựa trên sự tin tưởng, được ví như loại hình siêu thị đầu tiên của người Mường Hòa Bình. Chính lẽ đó, quán tự giác có ý nghĩa giáo dục về đạo đức, phép tắc ứng xử, nói không với các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, đồng thời giáo dục ý thức mỗi người biết trân quý công sức của những người đã vất vả làm ra sản phẩm.
Trên Khu du lịch hồ Hòa Bình (KDL) trải dài dọc các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình, bạn cũng có cơ hội khám phá nét văn hóa độc đáo của người Mường Hòa Bình khi ghé thăm các bản làng du lịch cộng đồng, như bản Tiện, bản Giang Mỗ (Cao Phong), bản Ngòi (Tân Lạc), bản Ké, Mó Hém (Đà Bắc)... Tại các bản làng Mường, du khách như được trở về cội nguồn, sống trong không gian văn hóa, nơi còn lưu giữ được nguyên bản ngôi nhà sàn cổ của dân tộc Mường, đắm say trong những lời ca, điệu múa và thưởng thức ẩm thực xứ Mường với "cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui", tìm hiểu thuần phong, mỹ tục, đời sống sinh hoạt và có những trải nghiệm đáng nhớ, như tour đi bộ trekking xuyên rừng, khám phá bản làng...
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Thị Niềm, phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi rừng thơ mộng hòa cùng không gian văn hóa đa sắc màu đưa KDL trở thành điểm đến thăm quan du lịch nổi tiếng vô cùng thu hút. Trên vùng hồ, nhiều đảo đã và đang được đầu tư xây dựng thành các KDL sinh thái hấp dẫn như đảo Dừa, đảo xanh, đảo Cối Xay Gió... Bên cạnh những hoạt động trải nghiệm, khám phá hang động nguyên sơ, các điểm du lịch cộng đồng gắn với hệ du lịch sinh thái của hồ Hòa Bình và cảnh quan thiên nhiên đem đến những trải nghiệm vô cùng thú vị. Những giá trị tài nguyên du lịch nổi bật này đã, đang được tỉnh phát huy, thúc đẩy đưa KDL hồ Hòa Bình trở thành KDL quốc gia, trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, 1 trong 12 KDL quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ. Chính những giá trị du lịch độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mang đến ấn tượng khó quên về KDL hồ Hòa Bình - nơi hội tụ của tinh hoa non nước.
Lạc Bình