(HBĐT) - Khi những cánh hoa đào, hoa mận bung nở, đung đưa trong gió, cũng là lúc trên 90 hộ dân ở xóm du lịch cộng đồng - xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) rộn ràng đón Tết. Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc, Tết này, xóm Ké trở thành điểm đến của nhiều du khách ưa khám phá trong và ngoài nước.
Hiện nay, xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) đã trở thành điểm dừng chân yêu thích của những du khách ưa khám phá. Ảnh chụp tại Homestay Sánh Thuấn.
Từ thành phố Hòa Bình, có hai cách để lên xóm Ké. Một là di chuyển bằng đường bộ, theo tỉnh lộ 433, đến thị trấn Đà Bắc rẽ trái, đi thêm chục km nữa, rồi men theo con đường uốn lượn ven hồ là lên đến xóm Ké. Cách thứ hai là di chuyển bằng đường thủy từ cảng Thung Nai. Sau 1 tiếng lênh đênh trên hồ, ngắm những "đảo nổi” lô nhô là đến xóm. Ở cả hai cung đường đều có những thú vị riêng nhưng nhiều du khách chọn di chuyển bằng đường thủy. Còn một đoạn xa chiếc thuyền mới tiến vào "vịnh” Hiền Lương đã thấy những phụ nữ xóm Ké đứng đợi bên bờ, đánh tiếng chiêng chào mừng khách đến chơi nhà. Đi bộ khoảng chừng vài trăm mét là đến trung tâm xóm Ké. Xóm có diện tích khoảng 700 ha, thuộc xã Hiền Lương, nằm sát hồ Hòa Bình. Sau lưng là dãy núi đá vôi cao sừng sừng, che chắn cho "vịnh” Hiền Lương, tạo nên xóm Ké quanh năm êm đềm.
Người dân xóm Ké đón Tết rầm rộ bắt đầu từ 28 tháng Chạp. Công việc mua sắm phần lớn do phụ nữ đảm nhận. Còn đàn ông có nhiệm vụ sửa sang, quét dọn nhà cửa, chờ đón Tết. Đúng giao thừa, mọi nhà đều thắp hương, mở cửa để "lộc” vào nhà và đón khách tới "xông đất”. Trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết, người dân xóm Ké luôn có bánh ống, gà thiến luộc, thịt lợn, mâm ngũ quả... Hiện nay, đã nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán với người Mường xóm Ké vẫn luôn là ngày lễ đầu tiên của năm mới, là dịp để mọi người dẹp bỏ mọi lo toan, vui chơi, an hưởng hạnh phúc.
Đã có nhiều năm làm du lịch cộng đồng, nhưng đón khách vào dịp Tết vẫn khiến anh Đinh Quý Hữu, chủ homestay Hữu Thảo có những bỡ ngỡ. Đưa những chiếc khăn sạch cho khách, mời họ uống nước thảo dược thơm mát, anh Quý nở nụ cười thân thiện như đón người thân trở về. Sau vài phút nghỉ ngơi, hành trình khám phá xóm Ké của du khách thực sự bắt đầu, trong lời giới thiệu dung dị của gia chủ: "Xóm có trên 90 hộ dân, 100% là người Mường với những nét văn hóa từ nếp ăn, nếp ở hầu như còn nguyên bản. Phong cảnh thiên nhiên hữu tình cùng con suối giữa bản quanh năm chảy róc rách, những ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường được bao bọc bởi không gian xanh mát sẽ giúp du khách lựa chọn được nhiều khung hình đẹp để tạo dáng, chia sẻ lên mạng xã hội cho người thân, bạn bè cùng chiêm ngưỡng”.
Hiện nay ở xóm Ké, mới có 3 hộ làm du lịch cộng đồng. Du khách đến xóm Ké chủ yếu là người Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nhóm học sinh, sinh viên trong nước. Du khách rất thích thú tìm hiểu phong tục, tập quán, sinh hoạt của người địa phương. Khách du lịch đến với bản dịp Tết năm nay, ngoài việc thưởng thức những ẩm thực truyền thống như gà đồi, cá hồ, măng chua, rượu cần, rượu hoẵng, còn được tham gia cấy trồng, chăn nuôi, nấu cơm lam, đánh bắt cá, múa sạp, múa xòe; trải nghiệm đi xe đạp quanh xóm, bơi bè, mảng, tắm suối...
Tuy chưa hình thành tour chuyên nghiệp, song bước đầu những hộ dân ở xóm Ké đã liên kết, tạo nên "tuyến du lịch” rất riêng. Từ xóm Ké, du khách có thể đi bộ thăm quan theo hành trình đến xóm Ngù, Mái, xã Hiền Lương, vượt qua núi Biều mộng mơ sang xóm Sưng, xã Cao Sơn - nơi 100% đồng bào Dao sinh sống.
Rời "vịnh” Hiền Lương, trong vấn vương đêm lửa trại, hòa chung điệu sạp cùng dân bản, rồi chìm vào giấc ngủ dưới mái nhà sàn, trong không khí trong lành, bình yên hiếm có. Mỗi chúng tôi đều chung tin tưởng: xóm Ké sẽ níu chân nhiều du khách trở lại thăm. Cùng với những đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương, rồi đây, du lịch xóm Ké chắc chắn sẽ được chắp cánh.
Minh Vũ
(HBĐT) - Kim Bôi - vùng đất chén vàng mộng mơ, tươi đẹp, bản sắc văn hóa đặc sắc, được thiên nhiên ban tặng nguồn nước khoáng nóng dồi dào, là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa.
Có một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ và dường như xem là điều kỳ bí mà hàng triệu năm qua chưa được con người giải mã. Trong khi sơn dân ở các nơi khác chật vật với nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, thì người dân Thiên Cấm Sơn chưa bao giờ han nước. Nước tuôn chảy trong lòng núi, dưới tầng sâu của mặt đất, tưới xanh ruộng nương và là nguồn sống cho muôn loài.
nui-cam-5
(HBĐT) - Cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 30/12/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (NQ 10), UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
(HBĐT) - Những tòa nhà cao vút mọc lên, đã choán hết những khoảng trời của chim chóc, thậm chí nhiều cây xanh bị tỉa cắt thô bạo ảnh hưởng nơi ăn chốn ở của loài vốn dĩ nhạy cảm với tình người. Đó là lý do từng đàn chim trời lũ lượt kéo nhau đi cư về vùng rừng núi. Hữu duyên, rất nhiều loài chim thông minh tìm về Trà Sư, cánh rừng xanh bạt ngàn làm nơi dừng chân lý tưởng để an cư, thỏa sức sải cánh kiêu sa, tiếp tục sứ mệnh làm đẹp cho đời.
(HBĐT) - Rộng ước chừng đến hơn 275ha trên vùng bán sơn địa, công trình Nhà máy điện mặt trời Sao Mai tại huyện Tịnh Biên đang ngày càng "tán xạ” rực rỡ biểu tượng của sự phồn thịnh, của bước chuyển mình sang kỷ nguyên những kỳ quan nhân tạo vĩ đại. Ở đó, bằng lăng kính chiến lược tầm vĩ mô của nhà đầu tư và sự giúp sức nhiệt thành từ cấp Trung ương đến địa phương, một bức họa đồ sơn thủy khô cằn của vùng biên thùy Tây Nam đang dần được thay thế bởi những điều kỳ vĩ, nơi hai dòng "năng lượng” - hiện đại và tâm linh đang song song tồn tại và không ngừng chảy xuyên suốt nội tại của đại dự án quang năng này.
(HBĐT) - Từ trung tâm xã Vân Sơn (Tân Lạc), chúng tôi vượt qua hơn 2km đường liên xã đã xuống cấp, tiếp đó là cẩn trọng "bò” thêm khoảng gần 2km đường bê tông liên xóm khá nhỏ và quanh co mới lên được đến được điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến. Đường lên xóm khá nhỏ, hai bên đường các hộ dân đã xây tường bao kiên cố, xe 29 chỗ khó mà qua được. Đây cũng chính là lý do đã có những đơn vị lữ hành đến khảo sát để đưa khách đến xóm Chiến nhưng rồi thất vọng quay đi.