"Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày Hội An thu 1 tỉ đồng tiền vé thì trong tuần vừa rồi, chúng tôi chỉ bán được 30 triệu đồng. Có nhiều ngày, thậm chí chỉ bán được 2 vé, đều được giảm 50% theo chương trình kích cầu du lịch, trong đó một vé cho khách nước ngoài”, ông Tống Quốc Hưng - Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An nói về thực trạng du lịch.


Phố cổ Hội An những ngày này vắng bóng du khách. Ảnh: Thanh Chung

Đìu hiu khách, cửa đóng then cài

Người đàn ông chúng tôi gặp ở đầu đường Trần Phú, một trong những tuyến phố cổ của thành phố Hội An, vẫy vẫy tay chào khách. "Tôi ở ngay đây”, ông chỉ tay vào ngôi nhà cổ ở đầu đường, vốn là một cửa hiệu nhưng hiện đang cửa đóng then cài, và ông từ chối tiết lộ về danh tính cũng như lời đề nghị phỏng vấn. Chúng tôi ngỡ ngàng, bởi trước đây, ngày thường cũng như cuối tuần, phố cổ Hội An góc nào cũng khách du lịch đông chật như nêm, có khi phải chen lấn nhau để bước. Còn bây giờ, đang là 7h30 tối nhưng cảm giác như đang nửa đêm về sáng, bởi đường Trần Phú gần như không có người đi lại. 2 bên đường, chỉ một vài ngôi nhà, cửa hiệu mở cửa, còn lại đều im lìm. Những cây đèn lồng vốn là đặc trưng nhận diện của Hội An giờ cũng tắt ngúm, nhường không gian sáng lại cho ánh trăng non.

Đi bộ đến một ngã tư thì thấy một người đạp xích lô (sau mới biết tên là Nguyễn Toàn) ngồi gác chân bất động trên chiếc xe trên vỉa hè, vẫy tay. Chuyện vãn một hồi, ông gợi ý "hay là tui chở 2 chú dạo một vòng phố cổ, đi bao lâu tùy thích với giá 100 ngàn”. Thấy chúng tôi ngần ngừ, ông nài nỉ: "Phố cổ giờ chẳng có khách nên thú thật là đã 3 hôm nay tui chẳng có trăm ngàn nào, giờ 2 chú là niềm hy vọng duy nhất”. Ông Nguyễn Toàn là thành viên của Nghiệp đoàn xích lô Hội An với 102 người. "Trước đây, nếu đạp xe tới giờ này, trung bình mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 15 triệu đồng. Giờ thì như đã kể với mấy chú, lâu lâu như hôm nay, gặp may mới kiếm được 100 ngàn. Còn lại anh em chúng tôi đều đạp xe chở... gió”, ông Toàn kể.

Lang thang một hồi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được một nhúm khách đang tụ tập loanh quanh khu vực chùa Cầu và bờ sông Hoài, đoạn cầu nối qua khu chợ đêm bên kia sông. "Khách có mặt ở Hội An thời điểm này chủ yếu đến từ Đà Nẵng và Hội An. Họ đến để check-in chụp ảnh là chính nên địa phương gần như không thu được gì từ dịch vụ ngoài một vài quán cà phê ở khu vực này”, ông Tống Quốc Hưng cho biết: "Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày Hội An thu 1 tỉ đồng tiền vé thì trong tuần vừa rồi, chúng tôi chỉ bán được 30 triệu đồng tiền vé. Có nhiều ngày, thậm chí chúng tôi chỉ bán vỏn vẹn đúng... 2 vé, trong đó một vé cho khách nước ngoài và một cho khách trong nước. Cả 2 vé đều được giảm 50% theo chương trình kích cầu du lịch”.

Theo ông Hưng, việc Hội An đìu hiu khách du lịch không chỉ khiến người lao động địa phương khó khăn do không buôn bán được, không có việc làm mà còn gây khó cho cả chính quyền địa phương khi không có đủ kinh phí để vận hành bộ máy do thiếu hụt nguồn thu. "Cả bộ máy phục vụ cho du lịch ở phố cổ Hội An gồm: Bán vé, kiểm soát vé, an ninh trật tự, chốt chặt các lối vào; đội ngũ biểu diễn các hoạt động nghệ thuật dân gian như bài chòi, trò chơi, cờ tướng, viết thư pháp... hơn 100 người giờ chúng tôi không biết lấy gì để trả lương cho họ”, ông Hưng nói.

Niềm hy vọng "Hộ chiếu vaccine”...

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao & Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An cho biết, từ ngày 20.3-1.5.2021, thành phố tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm chính thức khởi động lại chuỗi hoạt động du lịch tại Hội An hậu COVID-19.

"Chúng tôi có các hoạt động hấp dẫn diễn ra như tổ chức các chương trình hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3), tổ chức "Đêm phố cổ Hội An” (26.3), Giờ tắt điện hưởng ứng "Giờ Trái đất” (27.3). Đặc biệt chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh "Hội An-Show” lần đầu tiên tái hiện thương cảng Hội An xưa với những câu chuyện truyền thuyết về sự tích Chùa Cầu (28.3). Cùng với đó là đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chủ đề "Có một ngày như thế anh đi” do ca sĩ Ánh Tuyết cùng các ca sĩ nổi tiếng KyoYork, Tấn Đạo, Phi Thúy Hạnh, Quỳnh Lan… biểu diễn (1.4)” , bà Cẩm nói.

Theo bà Ngọc Cẩm, với sự chung tay, góp sức của người dân, các cộng đồng doanh nghiệp, Hội An tiếp tục làm mới mình thông qua các sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ như chương trình trình diễn thời trang "Dáng phố”, trình diễn thực cảnh "Đêm trăng Hoài Giang”… hứa hẹn mang đến cho người dân địa phương cũng như du khách những trải nghiệm hài lòng và đáng nhớ. Về lâu dài, bà Cẩm hy vọng các chương trình du lịch hậu COVID-19 sẽ giúp du lịch thành phố dần khôi phục; chứng minh với bạn bè trong nước và quốc tế rằng thành phố vẫn đang phát triển và nỗ lực vươn lên trong dịch bệnh, thiên tai.


Theo Báo Lao động

Các tin khác


Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục